Nguyên CSGT gọi côn đồ đánh chết người lãnh 12 năm tù

Ngày 23-9, TAND TP.HCM đã đưa vụ án nguyên thượng úy CSGT Phạm Sỹ Hoài Như bị cáo buộc gọi côn đồ đánh chết người vi phạm giao thông ra xử sơ thẩm. Vụ án này tòa đã nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của nạn nhân, làm cơ sở xem xét lại tội danh đã truy tố đối với các bị cáo.

Sau một ngày xét xử, chiều tối tòa đã tuyên án bị cáo Như và Nguyễn Minh Chung cùng mức án 12 năm tù, Trần Đức Vững 11 năm tù, Ngô Thành Vương chín năm tù và Phạm Thanh Kim Hạnh năm năm tù cùng về tội cố ý gây thương tích. Tòa buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho vợ nạn nhân hơn 141 triệu đồng (đã trừ đi 100 triệu đồng bị cáo Như đã bồi thường trước đó); cấp dưỡng cho hai con của nạn nhân 2 triệu đồng/tháng/trẻ cho đến khi đủ 18 tuổi.

“Đánh dằn mặt” đến chết

Theo tòa, đêm 25-6-2014, tổ tuần tra CSGT do thượng úy Như làm tổ trưởng chốt tại giao lộ Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM). Thấy ông Nguyễn Văn Chín có biểu hiện đã sử dụng rượu bia, CSGT dừng xe kiểm tra nhưng ông Chín không ký biên bản và la lối. Lúc này Như gọi điện thoại cho Chung (người quen của Như, vừa ra tù về tội cướp giật tài sản) đến giải quyết bằng cách “đánh dằn mặt”. Chung gọi theo Hạnh, Vương và Vững cùng đến. Nhóm của Chung đã gọi ông Chín ra một nơi khác rồi lao vào đánh khiến ông chết sau hai ngày cấp cứu tại bệnh viện.

Quá trình điều tra đã thu thập được danh sách cuộc gọi ngay đêm xảy ra sự việc giữa bị cáo Như và Chung và xác định được Như đã gọi nhóm của Chung đến để đánh thị uy khiến ông Chín tử vong.

Tháng 9-2014, Như bị tước danh hiệu công an và tháng 11-2014 bị khởi tố, bắt tạm giam. Ngày 13-2-2015, Như được gia đình bảo lãnh tại ngoại đến nay với lý do “từng là chiến sĩ công an nhân dân và phạm tội lần đầu”. Quá trình điều tra và phiên tòa lần trước, Như phủ nhận cáo trạng, cho rằng chỉ nhờ Chung đến đưa ông Chín về nhà.

Lần trả hồ sơ cuối năm 2015, ngoài việc đề nghị xem xét có dấu hiệu của tội giết người hay không, tòa cũng yêu cầu làm rõ có hay không việc bị cáo Như dùng tiền, vật tác động các bị cáo khác nhận tội thay mình. Tuy nhiên, quá trình điều tra bổ sung hai vấn đề này, CQĐT cho rằng không xác định được.

Bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như(bìa phải) cùng đồng phạm nghe tòa tuyên án. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Chung có phải là cấp trên của bị cáo không?”

Phần thẩm vấn, tòa đã công bố toàn bộ kết luận giám định pháp y mới của Viện Pháp y Quốc gia - Phân viện tại TP.HCM cho thấy nguyên nhân ông Chín chết là suy hô hấp cấp do dị vật làm tắc đường hô hấp trên bệnh nhân sau mổ khâu thủng ruột non. Có thể do tai biến hậu phẫu trào ngược dịch dạ dày và thức ăn vào đường hô hấp dẫn đến tử vong. Với kết luận giám định mới này, VKS bảo lưu quan điểm truy tố Như và các đồng phạm tội cố ý gây thương tích.

Tại tòa, bà Dương Thị Thảo (vợ nạn nhân) phản đối kết luận giám định này vì cho rằng không khách quan, không đúng nguyên nhân gây ra cái chết của chồng. Bà yêu cầu chuyển tội danh đối với các bị cáo thành tội giết người và không đồng ý việc bị cáo Như tại ngoại. Về trách nhiệm dân sự, bà Thảo yêu cầu các bị cáo bồi thường hơn 3 tỉ đồng gồm mai táng phí, tổn thất tinh thần, chi phí bệnh viện, công chăm sóc chồng, tiền cấp dưỡng (một lần) để nuôi hai con đến khi trưởng thành (trước phiên xử bà đã nhận bồi thường 100 triệu đồng).

Cũng như phiên tòa trước, lần này bị cáo Như khai: “Vì ông Chín cự cãi, không thực hiện theo yêu cầu của tổ tuần tra giao thông nên tôi gọi điện thoại cho Chung đến để đưa ông Chín về nhà”. Tòa hỏi gặp người vi phạm giao thông không ký biên bản thì bị cáo phải làm gì mới đúng. Như đáp phải gọi điện thoại báo cáo với lãnh đạo. Tòa hỏi tiếp, vậy bị cáo đã gọi điện thoại cho ai. Như nói gọi cho bị cáo Chung.

Tòa: “Chung có phải là cấp trên của bị cáo không?”. Như im lặng...

Trong khi đó, bị cáo Chung thừa nhận hành vi phạm tội, khai rằng Như gọi điện thoại cho mình và yêu cầu đến đánh để dằn mặt ông Chín, không có việc đưa ông Chín về nhà. Ba bị cáo còn lại cũng thừa nhận việc đánh ông Chín đến chết như cáo trạng quy kết.

Nói lời sau cùng, Như nói việc bị hại tử vong là ngoài mong muốn của bị cáo nên đề nghị tòa xem xét, trong khi bốn bị cáo còn lại nói rõ là xin hưởng mức án nhẹ.

Đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Như và Chung 10-11 năm tù; bị cáo Vương và Vững 8-9 năm tù; bị cáo Hạnh 4-5 năm tù về tội cố ý gây thương tích và liên đới bồi thường theo pháp luật.

Phải có hình phạt nghiêm khắc

Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng căn cứ vào lời khai nhận tội của bốn bị cáo (trừ Như kêu oan), kết luận giám định, biên bản hiện trường và các tài liệu khác trong hồ sơ có đủ cơ sở kết luận các bị cáo đã phạm tội cố ý gây thương tích (hậu quả chết người). Hành vi của các bị cáo có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng của ông Chín, gây đau thương mất mát cho gia đình nạn nhân. Vụ án này đã gây xôn xao dư luận xã hội thời gian dài.

Về vai trò của từng bị cáo, tòa nhận định dù Như chối tội nhưng có cơ sở kết luận bị cáo này là chủ mưu cùng đồng phạm thực hiện tội phạm. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, bị cáo này quanh co chối tội nên phải có hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, bị cáo chưa có tiền án tiền sự, cha mẹ là người có công, chủ động bồi thường 100 triệu đồng… nên được xem xét giảm nhẹ.

Bị cáo Chung tuy thành khẩn khai báo nhưng có vai trò tích cực lôi kéo các bị cáo khác, bản thân có tiền án, khi ra tù không cải sửa mà tiếp tục phạm tội nên cần phải có mức án nghiêm khắc. Các bị cáo còn lại tham gia với vai trò đồng phạm và là người trực tiếp đánh bị hại dẫn đến tử vong, dù thành khẩn khai báo và có hai bị cáo tự ra đầu thú nhưng cũng cần có mức án phù hợp.

Phía nạn nhân yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung

Luật sư (LS) bảo vệ cho gia đình bị hại đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ nguyên nhân cái chết của ông Chín, làm rõ trách nhiệm của bệnh viện, việc không triệu tập trách nhiệm của bệnh viện sau phẫu thuật là thiếu sót.

Về tội danh của các bị cáo, LS cho rằng phải xử về tội giết người mới đúng. Vợ của nạn nhân cũng đồng ý với LS về việc tòa phải tuyên trả hồ sơ để làm rõ những vấn đề trên.

Ngược lại, LS bào chữa cho bị cáo Như cho rằng việc Như kêu oan là đúng vì quá trình điều tra chưa chứng minh được việc bị cáo có ý chí chủ quan là mong muốn tác động bằng vũ lực nhằm dẫn đến cái chết cho bị hại. Hậu quả chết người xảy ra là đau lòng nhưng nằm ngoài ý muốn của Như và các bị cáo khác. Theo LS, động cơ, mục đích hành vi phạm tội của Như là chỉ muốn đánh dằn mặt, không mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Mặt khác, quá trình điều tra lại không chứng minh được việc Như dùng vật chất để nhờ các bị cáo nhận tội thay.

LS của các bị cáo khác thì không bàn cãi về tội danh mà chỉ mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt vì tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo khác nhau…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...