Nguyên đơn rút đơn kiện, ai phải đóng án phí?

Trong quá trình hành nghề luật sư, tôi đã gặp những vụ tranh chấp dân sự làm tôi rất băn khoăn về khâu đóng án phí. Đó là trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm khi vụ kiện bị đình chỉ do nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong giai đoạn phúc thẩm. Họ phải nộp một khoản án phí dân sự sơ thẩm “từ trên trời rơi xuống” dù không được hưởng quyền lợi gì và cũng không thể kêu ca với ai vì đó là… quy định của pháp luật hiện hành?!

Đã chẳng được gì còn phải đóng án phí

Chẳng hạn vụ ông NHA kiện người em trai là ông NVB ra tòa để đòi chia di sản thừa kế là nhà đất mà cha mẹ để lại. Thụ lý, tòa sơ thẩm xác định trong vụ án có ba người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (ba anh chị em khác của hai bên nguyên, bị đơn).

Sau đó, tòa sơ thẩm mở phiên xử, tuyên chấp nhận yêu cầu của ông A., xác định nhà đất do ông B. đang quản lý, sử dụng là di sản thừa kế của cha mẹ hai ông để lại không có di chúc. Tòa chia đều khối di sản theo pháp luật. Theo đó, năm anh chị em nhà này mỗi người được hưởng một phần thừa kế trị giá 400 triệu đồng. Mỗi người phải nộp án phí là 20 triệu đồng (5% trên giá trị tài sản được chia).

Nguyên đơn rút đơn kiện, ai phải đóng án phí? ảnh 1

Sau phiên sơ thẩm, cả ông A. lẫn ông B. đều kháng cáo. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, hai ông tự thỏa thuận với nhau (luật không buộc họ phải xin ý kiến của ba anh chị em còn lại) và ông A. đến tòa rút đơn khởi kiện. Trên cơ sở đó, tòa phúc thẩm đã ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ kiện. Đồng thời, tòa cũng buộc ông A., ông B. cùng ba anh chị em còn lại phải chịu án phí sơ thẩm...

Quy định chưa hợp lý

Trong trường hợp này, ba anh chị em của ông A. và ông B. không được hưởng di sản tòa đã chia vì bản án sơ thẩm đã bị hủy. Họ hoàn toàn bị động, không được hỏi ý kiến gì về thỏa thuận rút đơn khởi kiện của nguyên đơn với bị đơn. Như vậy, việc bắt họ phải nộp án phí với số tiền 60 triệu đồng (ba người x 20 triệu đồng) liệu có bất công?

Trước hết, về mặt pháp luật hiện hành, việc tòa phúc thẩm bắt những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp án phí sơ thẩm trong trường hợp trên là không sai. Bởi lẽ Điều 269 BLTTDS năm 2004 và khoản 6 Điều 30 Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án năm 2009 đều quy định “các đương sự” phải nộp án phí. Mà đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (khoản 1 Điều 56 BLTTDS năm 2004).

Tuy nhiên, tôi cho rằng cần phải sửa đổi quy định này vì chưa hợp lý, chưa đảm bảo công bằng. Đúng ra trong trường hợp rút đơn khởi kiện ở giai đoạn xét xử phúc thẩm thì chỉ nên bắt nguyên đơn và bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Bởi lẽ vụ kiện phát sinh là do nguyên đơn khởi kiện, còn việc rút đơn trong giai đoạn phúc thẩm là theo yêu cầu của hai bên nguyên đơn và bị đơn.

Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì HĐXX phúc thẩm phải hỏi bị đơn có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:

a) Bị đơn không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn;

b) Bị đơn đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn. HĐXX phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quyết định của tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm.

(Trích khoản 1 Điều 269 BLTTDS năm 2004)

Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm và được bị đơn đồng ý thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quyết định của tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm.

(Trích khoản 6 Điều 30 Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án năm 2009)

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm