Nguyên phó chánh thanh tra sở LĐ-TB &XH kiện sếp cũ

Ngày 29-2, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án nguyên phó chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Nghĩa kiện giám đốc sở này. Tuy nhiên, sau đó HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa để có thời gian cho hai bên cung cấp thêm chứng cứ nhằm bảo vệ các luận điểm của mình.

Buộc thôi việc vì thất thu 4 tỉ đồng tiền phạt

Người khởi kiện, ông Nghĩa, yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông (khi ấy đang là phó chánh thanh tra sở). Quyết định này cho rằng ông Nghĩa đã thiếu trách nhiệm trong xử lý vi phạm hành chính công tác thanh tra, cố ý không xử phạt nhiều trường hợp, tự ý phê duyệt không xử phạt vượt thẩm quyền... Và các hành vi vi phạm trên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thu hơn 4 tỉ đồng.

Khẳng định quyết định kỷ luật trên là sai nguyên tắc, không đúng quy định pháp luật nên ông Nghĩa đã làm đơn khiếu nại. Sau các lần khiếu nại bị bác yêu cầu, ông Nghĩa khởi kiện sếp cũ mình ra tòa.

Vụ việc bắt đầu từ năm 2014, ông Nghĩa được phân công phụ trách bộ phận thanh tra chính sách lao động của Sở. Khi Sở kiểm tra ngẫu nhiên 37 trong 573 hồ sơ không xử phạt từ năm 2014 đến tháng 5-2015 do ông phụ trách thì phát hiện 35 hồ sơ vi phạm pháp luật lao động nhưng không xử phạt. Từ đó dẫn đến việc giám đốc Sở ra quyết định buộc thôi việc ông Nghĩa.

Đúng sai cần chứng cứ

Lý giải cho việc không xử phạt, ông Nghĩa khẳng định hoàn toàn không có ý riêng gì cũng như khách quan khi làm nhiệm vụ. Việc không xử phạt là do tình hình thực tế thời điểm ấy. Kinh tế sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp đình đốn sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, công nhân thiếu việc làm, đình công, lãn công. Vì vậy, lãnh đạo Sở chủ trương thanh tra chỉ nhằm hướng dẫn, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ pháp luật. Việc lập biên bản vi phạm hành chính để đề nghị doanh nghiệp khắc phục, trong việc xử phạt hết sức cân nhắc... Bởi nếu làm căng theo luật dễ dẫn đến đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp, gây đình trệ hoạt động sản xuất, đời sống công nhân...

Nhưng đại diện Sở không đồng tình và cho rằng việc kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Nghĩa là hợp tình hợp lý. Bởi ông với tư cách thanh tra đã để lọt nhiều trường hợp lý ra phải xử phạt vi phạm. Những trường hợp này ông đều không báo cáo để cấp trên rõ...

Một điểm khác trong tranh chấp giữa hai bên trong vụ án này là người khởi kiện cho rằng năm 2014 Thanh tra Sở đã ban hành 2.323 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt là hơn 4,8 tỉ đồng. Trong khi đó, ông Nghĩa chỉ phụ trách 573 hồ sơ. Vậy “số tiền một mình ông Nghĩa gây thất thu từ 537 hồ sơ gần bằng số tiền phạt mà cả phòng thanh tra ra quyết định xử phạt trong một năm?”.

Cạnh đó, người khởi kiện cũng cho rằng quy trình xử lý kỷ luật mà Sở thực hiện có nhiều sai phạm như áp dụng sai đối tượng, không yêu cầu ông Nghĩa làm kiểm điểm cá nhân… Ông Nghĩa nói khi bỏ phiếu có mặt nhưng hầu hết các cán bộ, công chức đều nghĩ là kỷ luật ông ở hành vi phát ngôn gây ảnh hưởng đến cá nhân ông và ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở, chứ không nghĩ là kỷ luật vi phạm không xử phạt.

Tuy nhiên, phía bị kiện vẫn khẳng định mình đúng nhưng chưa đưa ra được những trường hợp cụ thể nào cho thấy đáng lý phải xử phạt mà ông Nghĩa không làm. Vì vậy, tòa phải hoãn xử để đôi bên cung cấp thêm chứng cứ nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm