Nhận bồi thường oan rồi bị kháng nghị

Người gặp chuyện hi hữu này là Trần Hữu Đức, một học sinh lớp 12 ở Long Phú, Sóc Trăng. Đức từng bị buộc tội cố ý gây thương tích nhưng sau đó được hai cấp tòa tuyên trắng án. VKSND huyện Long Phú đã đồng ý bồi thường oan cho Đức 120 triệu đồng. Nhưng sắp tới mọi chuyện có thể sẽ khác…

Được trắng án và bồi thường oan

Theo hồ sơ, trưa 12-2-2011, Trần Hữu Đức (đang học lớp 12) chạy xe máy về gần đến nhà mình ở ấp Ngãi Hội, xã Đại Ngãi, huyện Long Phú (Sóc Trăng) thì va chạm với xe máy do Lý Thanh Tuấn điều khiển chở Thạch Tinh. Hai bên xảy ra xô xát. Sau đó, Lý Hoài Thanh (anh ruột Tuấn) và Lý Tấn Phát, Lê Thanh Danh đi đến cự cãi, đánh nhau với người nhà của Đức (gồm ông Trần Thanh Nhựt - cha Đức, Đặng Thị Nhung - mẹ Đức, Trần Hữu Nhân - anh Đức và ông Trần Hữu Danh - chú ruột Đức). Hậu quả, Lý Hoài Thanh bị thương tích 19%, Lý Tấn Phát bị 6%.

Ông Nhựt và Đức sau đó bị khởi tố và truy tố về tội cố ý gây thương tích. Năm 2013, TAND huyện Long Phú tuyên phạt ông Nhựt hai năm tù, Đức hai năm sáu tháng tù. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Sau khi điều tra lại, Công an huyện Long Phú cho rằng không đủ chứng cứ chứng minh vai trò đồng phạm và hành vi trực tiếp gây thương tích của ông Nhựt nên tháng 5-2014 đã đình chỉ điều tra đối với ông. Riêng Đức sau đó tiếp tục bị truy tố.

Ngày 8-8-2014, TAND huyện Long Phú đã tuyên Đức không phạm tội vì chưa đủ căn cứ kết tội. Bản án này bị VKSND huyện Long Phú kháng nghị. Xử phúc thẩm ngày 31-12-2014, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên bác kháng nghị của VKS và tuyên bố Đức không phạm tội.

Sau khi có bản án phúc thẩm, phía ông Nhựt và Đức đã làm các thủ tục yêu cầu bồi thường oan. Đến tháng 8-2015, VKSND huyện Long Phú đã bồi thường cho ông Nhựt 120 triệu đồng và đã đồng ý bồi thường oan cho Đức trên 200 triệu đồng. Trong khi chờ Bộ Tài chính duyệt chuyển tiền bồi thường, VKSND huyện Long Phú đã chi tạm ứng cho Đức 17 triệu đồng để Đức lo chuyện học nghề.

Trần Hữu Đức và ông Nhựt sau phiên tòa phúc thẩm tuyên Đức không phạm tội vào tháng 12-2014. Ảnh: CTV

Rồi bất ngờ bị kháng nghị

Trong khi đang chờ tiền bồi thường, ngày 26-12-2015, gia đình Đức bất ngờ nhận được bản kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM. Viện này đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xem xét giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án của TAND huyện Long Phú và TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên Đức không phạm tội để điều tra, truy tố và xét xử lại.

Theo viện, hai bản án trên chỉ dựa trên một số mâu thuẫn, thiếu sót chưa được làm rõ trong quá trình điều tra và chưa được thẩm vấn làm rõ tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, từ đó kết luận Đức không phạm tội là thiếu căn cứ, bỏ lọt tội phạm. Viện cho rằng có cơ sở xác định chính Đức là người đã dùng hung khí chém vào vùng đầu của bị hại Lý Hoài Thanh và vùng lưng của bị hại Lý Tấn Phát. Và dù Đức không thừa nhận dùng dao chém, chỉ thừa nhận dùng tuýp sắt, mảnh kiếng vỡ để đánh bị hại nhưng các nhân chứng và bị hại đều xác định Đức dùng dao chém.

Ngoài ra, VKSND Cấp cao còn nhận định quá trình điều tra, xét xử vụ án đã có những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng như thực nghiệm điều tra ngoài nơi xảy ra vụ án…

Nếu bị hủy án, tiền bồi thường oan sẽ xử sao?

Mặc dù Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM chưa mở phiên họp giám đốc thẩm nhưng từ vụ việc này, một vấn đề pháp lý thú vị được đặt ra: Giả sử ủy ban thẩm phán tuyên hủy hai bản án trên để điều tra, xét xử lại thì số tiền đã bồi thường oan cho cha con ông Nhựt sẽ được giải quyết thế nào?

Thẩm phán Huỳnh Minh Tính, Phó Chánh án TAND huyện Cái Nước (Cà Mau), phân tích Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định việc bồi thường oan trong tố tụng hình sự được ưu tiên cho các bên tự thỏa thuận. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên được bồi thường oan có quyền khởi kiện ra tòa yêu cầu tòa giải quyết. Như vậy về nguyên tắc, các tranh chấp phát sinh trong việc giải quyết tiền bồi thường oan sẽ do tòa án giải quyết. Giả sử hai cha con người đã nhận tiền bồi thường oan không chịu trả lại số tiền trên thì cơ quan đã thực hiện việc chi trả sẽ phải kiện ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa tuyên buộc hoàn trả số tiền bồi thường oan.

Ở góc nhìn khác, TS Nguyễn Duy Hưng, Trưởng khoa Luật ĐH Thủ Dầu Một, nói giả sử ủy ban thẩm phán chấp nhận kháng nghị thì hồ sơ vụ án phải quay lại từ giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Như vậy, cho tới khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật thì hai cha con ông Nhựt vẫn là người chưa có tội. Từ đó việc có thu hồi số tiền bồi thường oan hay không phải để đến lúc có bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu có tội thì thu hồi, không có tội thì giữ nguyên như trước. Nghĩa là nếu tòa tuyên vô tội thì thôi, còn nếu đã tuyên có tội thì tòa phải tuyên luôn việc thu hồi số tiền bồi thường oan đã chi trả trước đó trong phần quyết định của bản án.

“Không biết ngày mai sẽ ra sao…”

Chiều 5-1, ông Trần Thanh Nhựt cho biết: “Ngày 26-12, tôi nhận được bản kháng nghị của VKS. Đọc kháng nghị tôi rất buồn. Hơn bốn năm qua, gia đình tôi đã quá khổ sở vì vụ việc này. Thằng Đức lỡ dở chuyện học hành, giờ bằng THPT không có, phải đi làm thuê làm mướn. Tôi tính sắp tới có tiền bồi thường oan cho thằng nhỏ đi học lấy cái nghề để sau này kiếm sống. Ai dè dự tính ấy có nguy cơ phá sản, giờ chúng tôi lại phải chờ đợi, không biết đến bao lâu nữa mới xong”.

Ông Nhựt cho biết sau khi nhận kháng nghị, cha con ông đã làm đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng, trong đó có TAND Cấp cao tại TP.HCM để mong được xem xét, cứu giúp cho gia đình. “Giờ gia đình tôi chỉ còn trông chờ vào sự công minh của TAND cấp cao cũng như TAND Tối cao để cứu xét cho gia đình tôi và con trai tôi” - ông Nhựt nói.

Còn Trần Hữu Đức thì tâm sự: “Em rất buồn. Em vô tội, đã được tòa án tuyên bố không có tội, VKS huyện đã xin lỗi, thỏa thuận với em xong chuyện bồi thường tổn thất và bản thân em xin tạm ứng trước một ít tiền bồi thường để chuẩn bị đi học nghề, vậy mà giờ có kháng nghị, mọi việc đành đứt ngang”.

GIA TUỆ

Quyết định giám đốc thẩm vẫn có thể bị kháng nghị

Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014 thì chánh án TAND cấp cao, viện trưởng VKSND cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án của TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh. Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao có trách nhiệm xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm và đưa ra một trong hai quyết định: chấp nhận kháng nghị hoặc không chấp nhận kháng nghị.

Chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND các cấp, tức bao gồm quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm