Nóng chuyện luật sư tố giác thân chủ

Phiên thảo luận tại Quốc hội về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều BLHS 2015 nóng bởi có khá nhiều ý kiến tranh luận về chủ đề này. Người ủng hộ hoặc phản đối quy định luật sư (LS) phải tố giác thân chủ đều đưa ra những lập luận sắc sảo để bảo vệ ý kiến của mình.

Giữ nguyên quy định

Cụ thể, Điều 19 BLHS 2015 (không tố giác tội phạm) đang có hai luồng ý kiến khác nhau. Ý kiến đề nghị không quy định trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm đối với tội đặc biệt nghiêm trọng (trừ một số tội xâm phạm an ninh quốc gia) để bảo đảm phù hợp với hoạt động hành nghề của LS. Ý kiến khác đề nghị quy định người bào chữa chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng dự thảo đã thu hẹp đáng kể phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa, phù hợp với đặc thù hoạt động bào chữa. Quy định này nhằm bảo vệ loại khách thể đặc biệt quan trọng là an ninh quốc gia và để đấu tranh phòng, chống các hành vi phạm tội đặc biệt nguy hiểm khác. Đồng thời, Điều 5 của Luật LS quy định nguyên tắc hành nghề là: “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan”.

Do đó, để bảo đảm mọi công dân đều phải có nghĩa vụ phòng, chống tội phạm thì quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác là phù hợp. Vì vậy, nên giữ như quy định của BLHS 2015.

Nhiều đại biểu tranh luận việc luật sư có phải tố giác thân chủ hay không. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Tranh luận căng

Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Chiến, phản bác: “Quy định này đẩy LS vi phạm điều cấm đối với LS trong BLTTHS, vi phạm Luật LS và quy tắc đạo đức nghề LS vì các quy định này đã nói rõ LS không được tiết lộ bí mật và làm xấu đi tình trạng của thân chủ”.

Nếu quy định này thông qua, LS sẽ ở thế đứng giữa dòng vì không thực hiện Điều 19 BLHS thì LS có thể phạm tội, mà thực hiện thì có thể bị thân chủ tố ngược là vu khống. Cạnh đó, quy định này còn đẩy LS từ chỗ đang bào chữa thành người bị tình nghi phạm tội cùng với thân chủ khi bị xem xét là không tố giác tội phạm.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, cho rằng không thể lấy bất kỳ lý do nào, kể cả hoạt động nghề nghiệp để miễn trừ cho LS nghĩa vụ này. Bởi lẽ suốt chiều dài lịch sử từ thời kỳ phong kiến đến nay, các BLHS đều nói đến tội bất trung, tội đại nghịch. Đây là các tội luôn luôn được xem là rất nặng, cần phải trừng trị. BLHS của chúng ta hiện nay gọi đó là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, LS cũng phải chịu trách nhiệm tố giác.

Tranh luận lại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói: “Tôi không đồng tình với việc so sánh thời phong kiến để nói về tội bất trung. Quan hệ giữa LS và khách hàng có một quyền bảo vệ tương đối đặc biệt, đó là điều nhiều quốc gia đã thực hiện”. Theo LS Nghĩa, nếu chúng ta làm khác đi hoặc thu hẹp quá thì sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại, quá trình hội nhập...

Khoanh lại gọn hơn

Đại biểu Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, phân tích BLHS 1985 quy định là người nào biết rõ tội phạm chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm. Tức không loại trừ chủ thể nào, trong đó có cả LS và người thân thích của người phạm tội. Đến BLHS 1999 đã chỉ rõ hơn và giới hạn những người thân thích thì không phải chịu trách nhiệm nếu không tố giác (trừ khi liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng), có cả LS nhưng chưa rõ. BLHS 2015 nói rõ thêm và theo nguyên tắc là đã thu hẹp đáng kể các tội mà người bào chữa phải chịu trách nhiệm tố giác.

“Khoản 1 Điều 9 Luật LS nghiêm cấm LS tiết lộ thông tin về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ khi thân chủ đồng ý hoặc luật có quy định khác. Chúng tôi hiểu rằng các quy định của dự thảo BLHS lần này quy định theo hướng đây là một đặc thù mà luật quy định khác” - ông Long nói.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, nói: “Tôi đề nghị những tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng thì LS vẫn có thể phải chịu trách nhiệm. Nhưng với 84 tội thì LS có thể không biết hết được và rất dễ gặp tai nạn nghề nghiệp. Vì vậy, luật cần khoanh lại những tội phạm cụ thể nào mà LS phải tố giác…”.

Như một cách nhắc nhở

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên hành lang Quốc hội ngày 25-5, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đức Sáu cho biết việc LS bảo vệ thân chủ vẫn có những quy định khác để ràng buộc trách nhiệm, bổn phận. LS không thuần túy là bảo vệ cho thân chủ đang bị truy tố mà còn nhiều tư cách khác nhau như bảo vệ cho người bị hại, người liên quan. LS cũng tham gia bảo vệ trong những vụ án dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình... Như vậy, nếu LS phát hiện thân chủ đã thực hiện tội phạm hoặc đang tham gia vào một việc có nguy cơ phạm tội, nếu không ngăn chặn thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Nếu đó là tội liên quan đến phản bội Tổ quốc, lật đổ chính quyền, khủng bố..., nếu không ngăn chặn để xảy ra hậu quả thì lúc đó đâu còn LS và thân chủ nữa. Với các tội đặc biệt nghiêm trọng, LS cũng phải thực hiện nghĩa vụ công dân trước khi thực hiện chức trách của một LS. Đặc biệt LS là những người có kiến thức, am hiểu pháp luật nên nhận diện vi phạm nhanh hơn, nên cần tham gia ngăn chặn tội phạm.

Theo ông Sáu, BLHS 2015 quy định như vậy là nhằm nâng cao trách nhiệm của LS, nhận diện được những vi phạm để bản thân mình né tránh và nhắc nhở thân chủ là những người mình tiếp xúc. Còn trên thực tế, chưa thấy có LS nào vi phạm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đ.MINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...