Nữ phó tổng giám đốc và nghi án oan chiếm đoạt tiền tỉ

Sau hai ngày xét xử, chiều 27-4, TAND tỉnh Bình Dương đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ nữ phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Trang bị truy tố tội trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hơn 3 tỉ đồng.

Các công ty làm ăn, cá nhân bị khởi tố

Theo cáo trạng, ngày 27-7-2012, Công ty Cổ phần Tuna Fish Bình Định do ông Đỗ Tấn Vinh (chồng bà Trịnh Thị Ngọc Sâm) làm giám đốc giao nguyên liệu cá ngừ cho Công ty TNHH XNK Vinh Sâm (do bà Sâm làm giám đốc). Mục đích là để Công ty Vinh Sâm thuê Công ty Cổ phần và Đóng gói Thủy Hải Sản (gọi tắt là Công ty USPC) gia công. Hợp đồng gia công nhưng chưa ký chính thức.

Sau khi gia công hơn 11 tấn thành phẩm, Nguyễn Thị Minh Trang (phó tổng giám đốc USPC) xuất khẩu lô hàng sang Mỹ bằng ủy thác của Công ty Tuna Fish Bình Định. Tuy nhiên, việc ủy thác không thành nên bà Sâm đòi hàng. Do bà Trang đã xuất bán nên bà Sâm tố cáo công an. Lúc này bà Trang triệu hồi hàng về và xin miễn thuế.

Công an xác định Công ty USPC khai sai nguồn gốc lô hàng cá ngừ để trốn thuế 470 triệu đồng và giá trị cá ngừ hơn 3 tỉ đồng. Sau đó bà Trang bị khởi tố, truy tố hai tội danh nói trên.

Nữ phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh Trang tại tòa. Ảnh: VŨ HỘI

Không nhận hàng, chỉ đòi tiền

Tại phần xét hỏi, HĐXX hỏi về số hàng cá ngừ giao cho Công ty USPC là của Công ty Vinh Sâm hay Công ty Tuna Fish Bình Định. Bà Sâm cho biết vì hai công ty đều là của gia đình nên cá ngừ do bà bỏ tiền ra nhưng Công ty Tuna Fish Bình Định mới thành lập nên muốn công ty này đứng ra xuất khẩu để lấy kim ngạch.

“Phát hiện lô hàng cá ngừ đã xuất đi rồi sao không yêu cầu lấy hàng về mà đòi trả tiền?” - tòa hỏi. Bà Sâm trả lời: “Tôi không đồng ý nhận lại hàng vì nghĩ hàng đã xuất đi rồi thì thanh toán tiền. Theo chủ quan thì hàng triệu hồi không phải là lô hàng đã xuất đi nên không nhận”. Bà Sâm cũng khẳng định chưa bao giờ nhìn thấy lô hàng cá ngừ mà Công ty USPC triệu hồi về.

Trả lời tòa, ông Byron Scott Me Laughlin, Tổng Giám đốc Công ty USPC, cho biết chính công ty ký hợp đồng gia công cá ngừ với Công ty Tuna Fish Bình Định do ông Đỗ Tấn Vinh ký tên. Sau đó, Công ty USPC thông báo cho Công ty Tuna Fish Bình Định lấy hàng nhưng công ty này không có động thái. Sau đó, Công ty Tuna Fish Bình Định có nhờ USPC xuất khẩu cá ngừ ra nước ngoài. Kế đó, ông Vinh có ký ủy thác, có dấu công ty chuyển qua bằng fax.

Nguyên đơn dân sự rút yêu cầu

Trình bày tại tòa, đại diện hãng tàu APL (công ty vận chuyển hàng) khẳng định lô hàng của Công ty USPC phải ghé qua cảng tại Singapore để trung chuyển sang tàu lớn qua Mỹ. Đến nay chưa có văn bản xác nhận lô hàng còn nguyên hay không khi qua Mỹ.

Bị cáo Trang khai hợp đồng ủy thác xuất khẩu giữa Công ty USPC và Công ty Tuna Fish Bình Định do bà ký tên, đóng dấu sau khi được tổng giám đốc đồng ý. Công ty có chức năng xuất khẩu ủy thác theo đúng giấy đăng ký kinh doanh của công ty. Bị cáo khẳng định không hề có ký nhận hàng gia công với Công ty Vinh Sâm lô hàng đang tranh chấp. Tuy nhiên, bị cáo không giải thích được về phiếu nhận hàng của Công ty USPC với Công ty Vinh Sâm.

Tại tòa, ông Đỗ Tấn Vinh, Giám đốc Công ty Cổ phần Tuna Fish Bình Định, khẳng định không ký bất kỳ hợp đồng ủy thác hay hợp đồng giao nguyên liệu cá nào cho Công ty USPC. Lô hàng cá ngừ đang tranh chấp là của Công ty Vinh Sâm.

Chủ tọa hỏi: “Vậy ông cho rằng hai hợp đồng mà Công ty USPC cung cấp có chữ ký của ông và con dấu của công ty là giả? Vậy ông có yêu cầu giám định chữ ký không?”. “Cái đó là quyền của tòa, tôi không ý kiến” - ông Vinh trả lời.

VKS hỏi ông Vinh về việc ông có cung cấp cho ngân hàng hai hợp đồng có chữ ký của ông để vay vốn hay không, ông Vinh trả lời “không còn nhớ”. “Ông khẳng định lô cá ngừ của Công ty Vinh Sâm. Sao trong biên bản trả lời của công an, ông lại khẳng định cá của Công ty Bình Định?” - VKS hỏi. “Cái này là không đúng” - ông Vinh trả lời.

Tại tòa, ông Vinh cũng cho biết ông xin rút đơn yêu cầu Công ty USPC bồi thường vì lô hàng cá ngừ không liên quan đến công ty ông.

Luật sư của Công ty USPC và đại diện VKS đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ nhiều vấn đề. Đề nghị này đã được HĐXX chấp nhận.

Trách nhiệm công ty chứ không phải cá nhân

Tại tòa, đại diện Chi cục Hải quan Sóng Thần trình bày hải quan chỉ căn cứ vào hồ sơ khai báo của doanh nghiệp về hàng hóa. Ban đầu hải quan không tính thuế nhưng sau đó thu thập hồ sơ, các yếu tố chưa đảm bảo về việc lô hàng xuất là lô hàng triệu hồi nên ra quyết định tính thuế. Sau khi nộp thuế thì Công ty USPC có khiếu nại quyết định này. “Nếu có việc trốn thuế thì Công ty USPC chứ không phải cá nhân bà Trang” - đại diện hải quan cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...

Trẻ em bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm?

Trẻ em bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm?

(PLO)- Trẻ em khi đến tuổi theo quy định, nếu không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, theo Nghị định 100/2019.