Ông Thăng nói sẵn sàng nhận trách nhiệm thay mọi người

Luật sư Phan Trung Hoài hỏi thân chủ Đinh La Thăng:
Lần góp vốn thứ ba, ông Thăng cho biết ông đi công tác dài ngày. Trước khi đi, ông có ủy quyền điều hành cho hai người, trong đó có ông Nguyễn Xuân Thắng (người ký nghị quyết góp vốn lần ba). Đối với nghị quyết đồng ý góp vốn lần ba, ông Thăng nói ông ủy quyền điều hành, chứ không ủy quyền biểu quyết thay một nghị quyết HĐQT nào cụ thể. PVN không có chủ trương tăng vốn, mua thêm cổ phần của OceanBank. Năm 2011, trong kế hoạch đầu tư vốn không có nội dung này... Trong tháng 3, bản thân bị cáo đã trực tiếp chỉ đạo phải chuyển nhượng bớt phần vốn sở hữu của PVN tại OceanBank.
Bị cáo đã báo cáo với cơ quan điều tra, VKS, dù bị cáo không biết chủ trương này, bị cáo không ký, không tham gia biểu quyết, đi công tác về bị cáo cũng không biết có nghị quyết này. Bị cáo không được nghe anh Thắng trực tiếp báo cáo. Nếu biết bị cáo đã có chỉ đạo dừng thực hiện. Tuy nhiên, bị cáo nhận trách nhiệm, nghị quyết đó chưa phù hợp với quy định mới của pháp luật, bị cáo nhận toàn bộ trách nhiệm của người đứng đầu.
“Trước phiên tòa này, bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm thay cho các anh Thắng, Sơn, Quỳnh, Liêm, Trường, anh Đức. Giả sử có vấn đề gì mà việc đó là không đúng thì bị cáo nhận trách nhiệm thay cho tất cả các anh” - ông Thăng nói.
Ông Thăng cũng cho rằng không chỉ riêng bản thân bị cáo mà tất cả cơ quan nhà nước đều biết việc đầu tư của PVN vào OceanBank là đúng pháp luật, có hiệu quả trong đợt một và đợt hai.

Ông Thăng nói sẵn sàng nhận trách nhiệm thay mọi người ảnh 1
Ông Đinh La Thăng đang trả lời thẩm vấn. Ảnh chụp qua màn hình: PLO

Luật sư Lê Văn Thiệp hỏi ông Hà Văn Thắm.
Liên quan đến việc NHNN mua OceanBank với giá 0 đồng, ông Thắm nói mặc dù là “bên bán” nhưng ông không được ký nên ông không biết hợp đồng đó như thế nào.
“Tôi được biết nếu như mua 0 đồng, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ phải đưa NH vào dạng kiểm soát đặc biệt, phải có báo cáo của cơ quan kiểm toán và đưa ra các cổ đông. Tôi cũng không nhận được báo cáo kiểm toán, các cổ đông khác cũng không nhận được. Tôi được biết báo cáo kiểm toán của công ty kiểm toán thì người ta nói chỉ có giá trị đối với NHNN thôi. Thậm chí NHNN mua một năm rồi nhưng tôi vẫn đề nghị cán bộ điều tra cho tôi được liên hệ với NH để thu hồi nợ. Cán bộ điều tra nói với tôi: “NH của ông bị mua mất rồi còn đâu” - ông Thắm kể lại.
Cũng theo cựu Chủ tịch OceanBank, NH này sở hữu một số lượng rất lớn giá trị bất động sản, theo quy định thì Thủ tướng phải là người ký mua.
Ông Thắm khẳng định cho đến khi ông bị bắt, OceanBank chưa bao giờ bị coi là NH yếu kém, ngoại trừ kết luận thanh tra chốt ngày 31-3 phân tích OceanBank rất yếu kém. 13 ngày sau khi kết luận thanh tra được ban hành, chúng tôi đã có văn bản giải trình rằng kết luận này không đúng. Chúng tôi giải trình khoản 14.000 tỉ đồng nợ xấu bằng 0 này, chỉ sau mấy ngày chúng tôi đã thu được 8.000 tỉ đồng.
Một lần nữa, cựu chủ tịch OceanBank mong HĐXX và các cơ quan nhà nước xem xét lại việc mua OceanBank với giá 0 đồng để tránh thiệt thòi cho các cổ đông, trong đó có những cổ đông lớn như PVN.
“Bản thân tôi biết rất rõ về OceanBank, nếu như được phép tham gia vào việc cơ cấu NH Đại Dương, tôi khẳng định OceanBank sẽ không phải là 0 đồng” - ông Thắm nói.
Ông Thắm cho biết bản thỏa thuận giữa PVN và OceanBank thực chất chỉ là bản ghi nhớ nên không có chế tài. “Chúng tôi không yêu cầu PVN phải đặt cọc tiền. Nếu hai bên báo cáo HĐQT và cơ quan chức năng, sau đó không thực hiện được thì hai bên tự động bỏ, không ai phải chịu trách nhiệm gì cả”.
. Khi ông làm các thủ tục xin phép tăng vốn lên 4.000 tỉ đồng, PVN ở thời điểm đó nắm giữ 20% cổ phần là công khai đúng không?
+ Không những công khai mà khi chúng tôi đi xin phép cơ quan nhà nước xem có chấp thuận hay không?
. Có cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan chức năng nào có ý kiến phản hồi về việc nắm giữ 20% này không?
+ Có cơ quan cấp phép ra văn bản chứng nhận ghi số vốn 4.000 tỉ đồng trong giấy đăng ký kinh doanh mới, hủy giấy đăng ký kinh doanh 3.500 tỉ đồng của OceanBank.
. Như vậy là không có bất kỳ sự cản trở, nhắc nhở, lưu ý gì về việc này?
+ Tôi có yêu cầu bộ phận văn phòng HĐQT OceanBank hỏi cơ quan giám sát NHNN. Họ trả lời, nếu đây là quyết định của Đại hội cổ đông thì bảo chủ tịch em phải thi hành. nếu thấy vướng mắc thì đi xin phép, giống như việc xin phép cho vay tín dụng vượt quá 15% mà các em vẫn đang xin. Nếu Sở KH&ĐT đồng ý thì làm, không đồng ý thì chịu. Và chúng tôi đã đi xin phép.
. Nếu việc đó là việc làm sai quy định pháp luật như hiện nay quy kết thì theo ông, trách nhiệm thuộc về ai?
+ Tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về ba đơn vị, trong đó trách nhiệm chính thuộc về cơ quan cấp phép là Sở KH&ĐT, NHNN và cơ quan chủ quản.
Ông Thắm cũng khẳng định các bị cáo ở đây không cố ý làm trái...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm