Ông Trầm Bê khai gì trong phiên xử đại án ngân hàng?

Ngày 10-1, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2), Trầm Bê và 44 đồng phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến các ngân hàng.

Tại phiên tòa, ông Bê không được ưu tiên ngồi trả lời như Phạm Công Danh mà vẫn phải đứng trả lời HĐXX. Trả lời trước toà, ông Bê cho rằng việc chủ tịch ngân hàng này đi vay tiền ngân hàng khác là bình thường. Việc ông Danh đi vay là hết sức bình thường nếu có tài sản bảo đảm, phải thu hồi được vốn lãi...

Trả lời HĐXX về việc nghiên cứu Luật Tín dụng chưa, ông Bê ngập ngừng nói là chưa. Sau đó bị cáo đã hai lần là chủ tịch Hội đồng tín dụng (10 năm) nên xác định rằng việc ông Danh đi vay là bình thường. Chủ tọa đặt vấn đề: “Theo luật tín dụng việc cho vay quan trọng nhất là phải có phương án vay để làm gì, phương án trả nợ vay thế nào chứ?”. Ông Bê đáp: Quan điểm nhận thức của mỗi người khác nhau về vấn đề này, theo ông thì chỉ cần thu hồi được vốn là được.

Ông Trầm Bê tại tòa

Ông Bê cho rằng từ khi cho vay đến khi thu hồi số tiền vay 1.800 tỉ thì chỉ có hai lần gặp ông Danh và Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc Sacombank). Về kết luận của Ngân hàng nhà nước về thiệt hại, sai phạm trong vụ án này, ông Bê cho là lẩn quẩn, chưa phục lắm mong thẩm phán xem xét lại hồ sơ.

Ông Bê cũng đề nghị HĐXX xem xét lại việc “vì quen biết Phạm Công Danh nên bị buộc tội cố ý làm trái”.

Ông Bê nói tiếp: "Mong muốn luật rõ ràng hơn để những người khác không bị như bị cáo. Bị cáo không cố ý làm trái nhưng luật đã không ghi rõ việc cho vay. Bị cáo không có tư lợi hay gì trong sự việc này. Bị cáo là doanh nghiệp, làm ăn. Khi nghe luật sư nói rằng quen bị cáo Danh thì thành nọ kia, không quen bị cáo Danh thì khác... khiến bị cáo hoang mang quá. Đã làm ăn thì phải quen biết nhau thôi. Bị cáo không thay đổi lời khai ở tòa nhưng trong khái niệm thì mong HĐXX đánh giá lại từ ngữ vì làm ăn thì phải quen biết nhau, bàn bạc...."

Sau đó bị cáo Bê nói: "Mặt khác, bị cáo cũng xin HĐXX xem xét trả lại một trong hai bất động sản bị kê biên vì một căn nhà khi coi lại giấy tờ thì là của chị vợ. Căn nhà đó cũng không đáng bao nhiêu chỉ có mười mấy tỉ à...”.

Theo cáo trạng, cá nhân ông Trầm Bê sau khi bị bắt, CQĐT đã kê biên các quyền sử dụng đất tại số 591 An Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân và quyền sử dụng đất số 601 Hồng Bàng, phường 6, quận 6 do ông làm chủ.

Trước đó, phần thẩm vấn ông Trầm Bê khai bản thân có trình độ văn hóa lớp 6/12. Trước đó, ông là phó chủ tịch thường trực HĐQT, chủ tịch HĐTD Sacombank.

Cáo trạng nói về vai trò của ông Trầm Bê

Theo cáo trạng khi bị bắt vào tháng 8-2017, tại CQĐT, ông Bê khai giữa tháng 4-2013, ông Danh sang Sacombank gặp và đặt vấn đề vay khoảng 2.000 tỉ đồng. Ông có đồng ý cho vay nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi. Sau đó, ông dẫn Danh xuống phòng làm việc của bị cáo Khang.

Tại đây, cả ba đi đến thống nhất việc Sacombank cho Danh vay từ 1.300 đến tối đa 1.800 tỉ đồng nhưng phải có tài sản đảm bảo. Nhưng dù vậy sẽ phải trình lên HĐQT quyết định, sẽ mất thời gian và không thể cho vay ngay được. Hơn nữa, nếu trình lên HĐQT, sẽ có thể có nhiều ý kiến vì đây là khoản vay lớn. Vì vậy, ông Bê đã giao cho Khang tổ chức thực hiện việc cho ông Danh vay tiền.

Theo bị cáo này vì cho rằng Danh (khi đó là Chủ tịch HĐQT VNCB) không được phép vay tiền tại VNCB, nhưng có thể vay ở Sacombank nên ông đã đồng ý cho Danh vay với điều kiện phải có tài sản đảm bảo. Sau khi được đồng ý, ngày 19-4-2013, Danh chỉ đạo cấp dưới chuẩn bị nguồn tiền bảo lãnh, lập phương án kinh doanh, hồ sơ vay, theo yêu cầu của phía Sacombank.

Cấp dưới của ông Danh đã hoàn tất 6 bộ hồ sơ pháp nhân của 6 công ty, kèm bản phân chia vốn vay cho 6 công ty này. Ông Bê đã phê duyệt các khoản vay dù hồ sơ chưa đầy đủ. Quá hạn vay, 6 công ty không trả được nợ, Sacombank đã thu nợ gốc và lãi vay từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 1.800 tỉ đồng. Điều tra bổ sung, CQĐT xác định lời khai trên của ông Bê phù hợp với lời khai của ông Danh...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm