Phải sớm bồi thường oan cho dân

Theo đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa, việc bồi thường oan cần phải tiến hành chặt chẽ vì tiền bồi thường là tiền ngân sách nhưng cũng phải nhanh chóng vì càng chờ đợi thì càng kéo dài oan khuất cho người bị oan.

“Hãy nghĩ cho người dân”

Còn ĐB Nguyễn Bá Thuyền thì cho rằng việc bồi thường đã có khung giá nên phải đẩy nhanh tiến độ hơn và phải đảm bảo cho người bị oan được công khai xin lỗi trực tiếp, phục hồi uy tín, danh dự cho họ. “Nhiều người bị oan khi đến già còn phải chờ bồi thường” - ông Thuyền nói.

ĐB Lê Thị Nga thì chia sẻ với những khó khăn mà cơ quan tố tụng nêu ra trong quá trình giải quyết bồi thường nhưng mong các cơ quan “hãy nghĩ cho người dân, hãy đặt mình vào vị trí của người khác”.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Gòn (Viện trưởng VKSND TP.HCM) cho biết chậm nhất đến hết năm 2015 VKSND TP.HCM sẽ giải quyết xong việc bồi thường oan cho ông Trương Bá Nhàn (người tám năm nay chưa được bồi thường oan mà Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh - NV). Tuy nhiên, ĐB Uông Chu Lưu (Trưởng đoàn giám sát) đã đề nghị VKSND TP.HCM giải quyết bồi thường oan càng nhanh càng tốt vì vụ án đã kết luận oan lâu rồi. Phải đẩy nhanh việc bồi thường vì tháng 4-2015, đoàn giám sát sẽ phải tổng kết kết quả giám sát để trình Quốc hội.

Ông Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai ở TP.HCM chiều 19-12. Ảnh: P.LOAN

“Gỡ tội cũng là có công”

ĐB Nguyễn Thái Học đặt vấn đề: “TP.HCM có cơ chế nào thông qua việc tiếp nhận đơn thư để phát hiện oan sai? Cơ quan tố tụng không phát hiện được oan sai thì ai phát hiện được oan sai?”.

Trả lời vấn đề này, Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó Giám đốc Công an TP.HCM) nói: “30% bị can bị khởi tố là khiếu nại kêu oan. Giải quyết rất mệt. Một số trường hợp tôi đã nắm vững, có đơn kêu oan, đã được giải quyết thì có đơn nữa sẽ không được xem xét, trừ khi có tình tiết mới”.

Theo ông Minh, việc phát hiện oan sai phụ thuộc nhiều vào bản lĩnh điều tra viên và lãnh đạo. Rất cần cái nhạy cảm, can đảm và dũng khí của người tiến hành tố tụng ngay khi mới vô nghề. Ông Minh thường đặt vấn đề với điều tra viên mới như “nếu tôi nói có tội mà đồng chí nói rằng không có tội thì đồng chí có dám chứng minh không?”. Làm sao đó để đặt ra được chỉ tiêu và tôn trọng chỉ tiêu “không chỉ có buộc tội là có công mà gỡ tội cũng có công”.

Xem lại việc đình chỉ theo Điều 25 BLHS

Một vấn đề khác, ĐB Lê Thị Nga cho biết sáng 19-12, sau buổi làm việc tại UBND quận Bình Tân, đoàn giám sát đã có buổi tiếp dân. “Chúng tôi nhận thấy rằng việc đánh giá đình chỉ điều tra theo khoản 1 Điều 25 BLHS trong một số trường hợp là chưa đúng. Hành vi không có tội khác hoàn toàn với hành vi có tội nhưng do chuyển biến của tình hình không còn nguy hiểm nữa”.

Bà Nga dẫn chứng một số vụ việc cụ thể, trong đó có vụ ông Lê Đức Thiện (Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh - NV) và ông Nguyễn Bá Hùng. Theo bà Nga, các vụ này đình chỉ điều tra theo khoản 1 Điều 25 BLHS là không đúng. Đáng lẽ phải đình chỉ điều tra vì hành vi không cấu thành tội phạm. Nếu không đủ căn cứ để chứng minh tội phạm thì phải xác định cho rõ chứ không thể vận dụng kiểu này. Ở đây không có gì là chuyển biến của tình hình cả…

Tuy nhiên, ông Phan Anh Minh khẳng định các vụ này đều không oan, đều có dấu hiệu tội phạm và cho rằng trong các trường hợp này thì không thể quy kết lỗi của cơ quan hay của người tiến hành tố tụng.

“Khi hỏi cung phải có luật sư”

Theo ông Uông Chu Lưu, qua xem xét các báo cáo và kiểm tra thực tế công tác điều tra, truy tố, xét xử, bồi thường oan ở TP.HCM thì có thể thấy vẫn còn một số tồn tại như vi phạm thời hạn luật định, xác định sai tội danh, áp dụng sai khung hình phạt, không tương xứng hành vi phạm tội, áp dụng án treo không đúng. Quá trình thu thập chứng cứ, lấy lời khai cũng có biểu hiện sai. Nhiều vụ có biểu hiện oan vì không có hành vi phạm tội nhưng lý do đình chỉ không đúng.

“Để tránh oan sai, khi bổ nhiệm các chức danh tư pháp cần yêu cầu phải có cả đức lẫn tài. Cạnh đó, cần đề cao vai trò VKS trong việc kiểm sát tư pháp ngay từ khi nhận tin báo tố giác để chế ước lẫn nhau. Cần bảo đảm sự độc lập của các cơ quan tư pháp, tránh can thiệp từ bên ngoài” - ông Lưu nói.

Ông Lưu nhận xét việc hiện nay chỉ có khoảng 10% vụ án hình sự có luật sư theo yêu cầu là hạn chế quyền bào chữa của bị can, bị cáo, không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng. Vì vậy, cơ quan điều tra cần phải tạo điều kiện cho luật sư tham gia ngay từ đầu để tránh oan sai, khi hỏi cung phải có luật sư để đảm bảo khách quan. “Tới đây đoàn công tác sẽ rút một số hồ sơ thấy rằng có dấu hiệu oan sai để nghiên cứu xác định sự thật khách quan, đảm bảo không còn vụ nào người dân bức xúc mà không được xem xét” - ông Lưu cho biết.

Ba năm không có án oan

Sáng 19-12, đoàn giám sát oan sai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với TAND, VKSND, Công an quận Bình Tân (TP.HCM).

Báo cáo trước đoàn giám sát, lãnh đạo TAND quận Bình Tân cho biết tòa giải quyết trung bình trên 3.000 vụ án/năm. Từ năm 2011 đến nay, tòa này không kết tội oan trường hợp nào, cũng không tuyên vô tội trường hợp nào.

Lãnh đạo VKSND quận báo cáo rằng trong ba năm qua, VKS cũng không truy tố oan. Còn lãnh đạo công an quận thì cho hay từ năm 2011 đến nay “không để xảy ra oan sai phải bồi thường”. Tuy nhiên, công an quận ghi nhận trong báo cáo là có một trường hợp được đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm, sáu trường hợp đình chỉ điều tra do miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS. Tất cả trường hợp đình chỉ này, công an quận đều không nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo và yêu cầu bồi thường oan sai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm