Ai biểu bị cướp mà im thin thít!

Cụ thể, từ một vụ cướp xe máy xảy ra trên địa bàn vào khoảng 22 giờ ngày 26-4, các cơ quan chức năng của huyện Chợ Mới (An Giang) phát hiện nạn nhân là giám đốc xí nghiệp điện nước huyện này trước đó đã không trình báo vụ việc.

Theo chủ tịch huyện, đại ý là khi bị cướp thì bất kỳ công dân nào cũng phải có trách nhiệm tố giác tội phạm, là giám đốc doanh nghiệp và là đảng viên lại không trình báo là vi phạm pháp luật. Vì lẽ ấy, Huyện ủy và UBND huyện sẽ tổ chức kiểm điểm, xử lý. Về phía ông giám đốc, thông tin ban đầu của báo chí cho biết lúc bị cướp ông say, vì không nắm rõ diễn biến nên ông không đi thưa…

Điều 22 BLHS 1999 (hay Điều 19 BLHS 2015) quy định như sau về việc không tố giác tội phạm: “Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định…”. Trường hợp quy định ở đây chính là những trường hợp phạm các tội nặng như xâm phạm an ninh quốc gia, giết người, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cướp tài sản… Tương ứng, Điều 314 BLHS 1999 (Điều 390 BLHS 2015) có quy định về tội không tố giác tội phạm.

Cùng căn cứ vào các điều luật này để phân tích nhưng giới luật cho ra… hai kết quả khác nhau! Người bảo vị giám đốc đã có hành vi không tố giác tội phạm, thể hiện ở chỗ biết rõ tội phạm đã được thực hiện mà không tố giác. Người lại nói “không” vì khi không biết danh tính, địa chỉ tụi cướp thì ông không có nghĩa vụ tố giác…

Rốt cuộc thì ở tội không tố giác tội phạm, người bị hại có là chủ thể của tội này, nôm na là người bị hại không tố giác hành vi phạm tội đối với chính mình thì có phạm tội hay không?

Do hiện không có văn bản hướng dẫn nên câu trả lời có lẽ phải được dựa trên tính có lý của điều luật. Với các mô tả như đã nêu và thực tế xét xử trước giờ, người phạm vào tội không tố giác tội phạm chỉ có thể là người ngoài, người không can dự vào vụ án nhưng có điều kiện biết đường đi nước bước của tội phạm chứ không thể nào là người bị hại.

Thử hỏi, nếu biết tường tận có kẻ xấu đang chuẩn bị cướp xe của mình vào thời gian, địa điểm nào đó, có ai thong dong “nè cướp đi!” hay phải tính cách đối phó để không bị mất tiền, thậm chí là mất mạng, đơn giản nhất là đổi sang đi đường khác hoặc chờ qua giờ xấu mới di chuyển? Vậy vụ cướp đâu thể xảy ra để mà đòi xem xét tiếp yếu tố có/không tố giác.

Hay khi bất ngờ bị nhiều kẻ lạ tấn công để chiếm đoạt tài sản trên đường vào đêm tối, sau tai nạn người bị hại chỉ có thể biết chắc mình đã bị lấy mất tài sản. Còn tội phạm đó đang/đã được thực hiện như thế nào với chính mình, thủ phạm là ai, phương thức phạm tội ra sao…, làm sao họ có điều kiện để biết gần như là hết thảy như điều bắt buộc phải có ở những người đã bị xử tội không tố giác tội phạm?

Ngoài ra, còn một lý do khác bao trùm hơn, một người thì không thể đóng hai vai, vừa là người phạm tội vừa là người bị hại. Liên quan đến một vụ cướp xe, người bị cướp không thể là người bị hại, đồng thời là bị can/bị cáo của tội không tố giác tội phạm “ăn theo” tội cướp xe đó.

Ngay khi cho là có hành vi không tố giác tội phạm thì đa số ý kiến đều thống nhất vị giám đốc trên không phạm tội hình sự. Vậy ông ấy có thể bị chế tài nào khác?

Tuy tố giác tội phạm là quyền và nghĩa vụ của công dân nhưng xin được lưu ý ngoài tội không tố giác tội phạm theo quy định của BLHS thì không có quy định nào cho rằng hành vi không tố giác tội phạm là vi phạm hành chính.

Còn về việc kỷ luật theo các quy định của chính quyền và của Đảng, muốn áp dụng thì phải xem xét kỹ đương sự là nạn nhân của vụ cướp. Ông chỉ có thể bị kỷ luật hay chịu trách nhiệm pháp lý phù hợp nếu từ thiếu sót không tố giác tội phạm đã lộ ra các vi phạm pháp luật khác. Còn nếu cứ cố xử lý thì là vô cùng phi lý bởi điều đó không phù hợp với lẽ công bằng (bị cướp đã quá xui lại còn bị phạt vạ), nó không bao giờ là công lý.

Thêm một góp ý nữa, thay vì bắt lỗi theo kiểu “ai biểu bị cướp mà im thin thít!”, có lẽ các cơ quan pháp luật ở các nơi nên tự vấn mình đã phòng, chống tội phạm tốt chưa mà nhiều nạn nhân có thể vì e ngại mất công lại không có kết quả đã không thiết tha trình báo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm