Phát ngôn của đại biểu Quốc hội thế nào cho đúng!

Tại nghị trường, ĐBQH sử dụng quyền của mình để thể hiện chính kiến, nói lên ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cả nước; có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, chánh án TAND Tối cao...

Trong thời gian vừa qua, có nhiều ĐB có những phát ngôn rất được dư luận và cử tri hoan nghênh, có những ý kiến cũng “gây sốc” nhưng lại được dư luận và cử tri đồng tình. Tuy nhiên, cũng có một số ĐBQH, trong phát ngôn của mình khiến dư luận giật mình. Chẳng hạn như phát ngôn của ĐB Đỗ Văn Đương: “Thực chất, luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền”. Khi bị nhiều luật sư yêu cầu ĐB xin lỗi vì đã “thóa mạ” nghề luật sư nhưng trả lời báo chí về phát ngôn của mình, ĐB này vẫn quả quyết: “Kiến nghị là chuyện của người ta. Không có chuyện phải giải trình gì cả. Nên nhớ Hiến pháp đã quy định ĐB phát ngôn được quyền miễn trừ trách nhiệm”! Bởi theo ông thì điều ông nói là tiếng nói cử tri và xuất phát từ thực tế và ông nhấn mạnh: “Tôi sẽ không đính chính lại thông tin này”. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phải chính thức có văn bản gửi đến Chủ tịch QH, kiến nghị làm rõ, xem xét trách nhiệm và tư cách ĐBQH của ông. Còn phó chủ tịch Hội Luật giaTP.HCM thì dọa nếu ĐB này vẫn không rút lại phát ngôn của mình thì Hội Luật gia TP.HCM sẽ xem xét khởi kiện ông ra tòa!

Chuyện cũ chưa ngã ngũ thì tại kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII, ông Đương lại có những phát ngôn gây chấn động như: “Dự luật BLTTHS mới là dung túng cho tội phạm…”hay “quyền im lặng là vô nghĩa; việc ghi âm, ghi hình chỉ là “lạc quan tếu”, thậm chí còn quy chụp “quy định quyền im lặng trong BLTTHSdiễn biến hòa bình, chống lại nhân dân…”. Lần này thì không phải ông nói ở ngoài hành lang mà phát biểu chính thức trong hội nghị khi thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung BLTTHS.

Bình luận về phát ngôn này của ĐBQH Đỗ Văn Đương, nhiều chuyên gia và cử tri cho rằng có lẽ ban soạn thảo mà VKSND Tối cao chủ trì chưa ai lại nghĩ mình trình một dự án luật là để “dung túng” cho tội phạm! Mọi người, kể cả các ĐB của dân ngồi trong hội trường “Diên Hồng” có thể có ý kiến trái chiều nhưng mục đích cũng chỉ làm cho công tác xây dựng pháp luật của QH ngày một tốt hơn, chứ không ai lại nghĩ một dự án luật đã được các cơ quan ban ngành góp ý, các chuyên gia trong và ngoài nước hội thảo… đưa ra để ĐBQH thảo luận lại bị quy chụp là dung túng cho tội phạm, là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân! Nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm đâu chỉ của các cơ quan tiến hành tố tụng, mà điều quan trọng hơn là phải thực hiện các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền của người phạm tội mà Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận.

Nhiều người cho rằng không phải ngẫu nhiên một số ĐBQH có những phát ngôn “gây sốc” cho dư luận và cử tri, mà có lẽ vì muốn thể hiện vai trò của mình, muốn “đánh bóng” mình hoặc muốn cho dư luận quan tâm để được nổi tiếng, để tạo hình ảnh trước cử tri và dư luận nên mới có những phát ngôn “gây sốc”!? Cho dù những phát ngôn đó không đem lại hiệu quả, có thể bị dư luận và cử tri phản đối.

Nếu ở nước ngoài, quan chức lỡ miệng thường tự xử bằng cách xin lỗi dân, thậm chí là xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm, còn ở nước ta có lỡ miệng “gây sốc” cũng chưa có ai bị việc gì. Những phát ngôn gây sốc có thể không làm “chết” ai nhưng đối với người dân, qua những phát ngôn đó có thể thấy được phông nền văn hóa cũng như trách nhiệm của ĐB nhân dân như thế nào!

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm