NÂNG CHẤT TRANH TỤNG - BÀI 1

Quy định tiến bộ, chỉ cần làm cho đúng

Nhìn nhận về vấn đề này, trong buổi tọa đàm do Pháp Luật TP.HCMtổ chức ngày 21-5, các chuyên gia đều thống nhất là nước ta đã có một mô hình tố tụng tiến bộ, đã có các quy định tiến bộ nên hạn chế là do thực thi chưa đúng mà thôi…

“Chỉ cần các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng làm đúng quy định là đã tốt lắm rồi” - luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nói.

Thực hiện đúng là tốt lắm rồi

Theo luật sư Nghĩa, từ “luật gốc” là Hiến pháp đến “luật con” là Bộ luật Tố tụng hình sự, pháp luật nước ta đều đã có rất nhiều quy định tiến bộ trong việc bảo đảm quyền công dân, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia tố tụng hình sự, bảo đảm hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. Về chủ trương, Nghị quyết 08 ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị đã xác định: “Việc phán quyết của tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”, “Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư… tranh luận dân chủ tại phiên tòa”. Tiếp đó, trong chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị cũng yêu cầu: “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả phiên tòa xét xử, coi đây là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp”...

Vấn đề còn lại là làm sao thực thi chủ trương, quy định cho đúng và đầy đủ. “Thực tế lại chưa được như vậy. Giới luật sư chúng tôi chỉ có nguyện vọng là các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện đúng và đầy đủ các quy định tiến bộ đang có là đủ lắm rồi” - một lần nữa luật sư Nghĩa nhấn mạnh. Chẳng hạn tại phiên tòa, các bên phải thật sự bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ và yêu cầu. Kiểm sát viên giữ quyền công tố phải tranh luận với luật sư, luật sư nêu 10 điểm, kiểm sát viên phải trả lời 10 điểm, chấp nhận hay bác bỏ đều phải nêu lý do. Tương tự, bản án của tòa phải ghi nhận và đánh giá đầy đủ lý lẽ, lập luận của luật sư…

Quy định tiến bộ, chỉ cần làm cho đúng ảnh 1

Nâng chất hoạt động tranh tụng

Từ góc độ học thuật, giảng viên Nguyễn Duy Hưng (Trưởng bộ môn Tố tụng hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) phân tích thêm: Mô hình tố tụng hình sự của nước ta là mô hình tố tụng pha trộn giữa tố tụng thẩm vấn với tố tụng tranh tụng. Đây là mô hình tố tụng ưu việt nhất trong bốn loại mô hình tố tụng từ xưa đến nay trên thế giới (tố tụng tố cáo, tố tụng thẩm vấn, tố tụng tranh tụng, tố tụng pha trộn giữa thẩm vấn với tranh tụng), xuất hiện từ cuối thế kỷ thứ 18, đầu thế kỷ 19 tại Pháp. Nó kết hợp được các ưu điểm của hai mô hình tố tụng thẩm vấn và tranh tụng ra đời trước đó: nhà nước kiểm soát được tội phạm nhưng cũng đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của nghi can.

Theo ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao, tùy vào tình hình của từng quốc gia mà yếu tố thẩm vấn hay yếu tố tranh tụng sẽ được coi trọng hơn. Ở ta, từ chủ trương của Đảng và Nhà nước đến các văn bản pháp luật cụ thể đều đã tạo một nền móng vững chắc cho việc đảm bảo chất lượng tranh tụng. Từ đó, ông Quế khẳng định một khi cải cách tư pháp đã xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm thì việc phải nâng chất hoạt động tranh tụng là một điều tất yếu.

Hạn chế là do con người!

“Quy định tiến bộ rồi, mô hình tố tụng tiến bộ rồi, có hạn chế là do yếu tố con người bởi nếu được hiểu đúng và áp dụng đúng thì luật sẽ đi vào cuộc sống” - Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long nói.

Theo Thẩm phán Long, nâng chất hoạt động tranh tụng phải là sự kết hợp nâng chất đồng bộ cả hội đồng xét xử, kiểm sát viên lẫn luật sư. Chỉ cần một thành phần kém hoặc thiếu ý thức, hoạt động tranh tụng sẽ không thành công. Trong khi đó hiện nay, trình độ, năng lực, “cái tầm và cái tâm” của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư vẫn chưa thật sự đồng đều.

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cũng khẳng định: “Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Luật chưa hoàn thiện thì sửa đổi, bổ sung nhưng con người thực thi không đúng thì luật có tiến bộ đến mấy cũng bị vô hiệu hóa mà thôi”. Theo ông Hùng, hoạt động tranh tụng kém chất lượng có thể do lỗi của nhiều bên: Chủ tọa phiên tòa thiếu bản lĩnh, áp dụng chưa đúng luật khi điều khiển phiên xử; kiểm sát viên quá tải công việc hoặc lười biếng, cẩu thả nên nắm vụ án không chắc, kỹ năng thực hành quyền công tố và kỹ năng tranh tụng kém; luật sư “a tơ mơ” hoặc cố tình lợi dụng quy định để kéo rê vụ án…

Vẫn còn hạn chế

Trong báo cáo kết quả năm năm triển khai thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương đánh giá: “Tòa án các cấp đã triển khai sâu rộng chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Đã khắc phục tình trạng án bỏ túi, không khí xét xử dân chủ hơn trước, việc ra các quyết định, bản án căn cứ chủ yếu vào chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa”…

Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận kể từ sau khi Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị ra đời, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự đã đi vào nền nếp, có chất lượng hơn. Tuy nhiên, giới luật sư vẫn còn kêu ca về việc bị cơ quan tố tụng làm khó khi hành nghề. Vẫn còn những kiểm sát viên giữ quyền công tố “không thèm” tranh luận với luật sư, chỉ “bảo lưu quan điểm”. Mối quan hệ ứng xử giữa luật sư với kiểm sát viên, thẩm phán tại phiên tòa vẫn còn những xung đột căng thẳng không đáng có…

Chê luật sư, kiểm sát viên bị kiểm điểm

Tháng 4-2011, một kiểm sát viên của VKSND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã bị cơ quan kiểm điểm vì vi phạm quy chế trong tranh tụng. Nguyên cuối năm 2010, kiểm sát viên này ngồi ghế công tố trong một vụ hủy hoại tài sản nhưng không đối đáp, tranh luận với luật sư. Đã vậy, kiểm sát viên còn chê luật sư “không biết gì”, “trình độ thấp kém”… cùng nhiều lời xúc phạm khác. Sau đó luật sư đã có đơn kiến nghị, kèm đĩa ghi hình gửi viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh, viện trưởng VKSND huyện Vân Đồn đề nghị xử lý kiểm sát viên.

Luật sư bỏ ngang phiên tòa

Tháng 11-2010, tại phiên xử một vụ cướp tài sản của TAND tỉnh Điện Biên, ba luật sư bào chữa cho một bị cáo đã bỏ về sau khi “tố” kiểm sát viên không có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng vẫn ngồi ghế công tố.

Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm xét xử Bùi Tiến Dũng (nguyên tổng giám đốc PMU 18), khi phiên tòa bước sang phần tranh tụng, nhiều luật sư bức xúc vì bị chủ tọa ngắt lời nhiều lần đã đứng dậy, xách cặp bỏ về…

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm