Ra quyết định sai thẩm quyền, xử lý sao?

TAND huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) vừa tuyên bác yêu cầu của ông Nguyễn Thế Hiệp và bà Tạ Minh Huệ kiện yêu cầu UBND huyện này hủy bỏ hai quyết định áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng. Hai vụ kiện hành chính này đã phát sinh tranh cãi pháp lý về trình tự thủ tục và thẩm quyền ban hành quyết định cũng như cách sửa chữa khi phát hiện bị sai thẩm quyền.

Theo hồ sơ, ông Hiệp và bà Huệ có hai trang trại nuôi trồng con giống kết hợp với du lịch sinh thái tại xã An Hòa (Trảng Bàng). Tháng 6-2009, chủ tịch UBND huyện ra quyết định thu hồi đất của họ. Kèm theo là hai quyết định áp giá bồi thường. Cho rằng theo luật, UBND huyện mới có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, chưa kể quyết định thu hồi đất của bà Huệ kê thiếu hơn 500 m2 nên cả hai hộ đã khiếu nại.

Đầu năm 2010, UBND huyện sửa sai bằng cách thu hồi quyết định của ông Hiệp để thay bằng một quyết định khác. Nhưng đối với trường hợp của bà Huệ thì UBND huyện chỉ ra quyết định chỉnh sửa cụm từ “chủ tịch UBND huyện” thành “UBND huyện” và tăng diện tích đất. Sau đó, UBND huyện ban hành tiếp hai quyết định áp giá bồi thường.

Nhận quyết định, ông Hiệp đã khởi kiện UBND huyện Trảng Bàng yêu cầu hủy quyết định áp giá bồi thường (ban hành sau cùng, khi chỉnh sửa) vì cho rằng nó không có giá trị pháp lý do sai thẩm quyền ngay từ đầu.

Ngay sau đó không đồng ý với cách sửa sai bất nhất của UBND huyện, bà Huệ cũng khởi kiện yêu cầu như ông Hiệp. Tòa án huyện đã thụ lý bằng hai vụ kiện khác nhau và lên lịch xét xử cùng ngày.

Tại tòa, ông Hiệp và bà Huệ cho rằng hai quyết định áp giá sau cùng được UBND huyện ban hành trên căn cứ và nội dung của hai quyết định thu hồi đất sai về thẩm quyền ban hành nên không hợp pháp.

Thứ hai, hai quyết định điều chỉnh việc thu hồi đất được ban hành đầu năm 2010 thì phải lấy mốc thời điểm này làm căn cứ áp giá, UBND huyện lại lấy khung giá của năm 2009 để bồi thường là chưa thỏa đáng.

Tuy nhiên, tại hai phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đều nhận định tuy các quyết định ban đầu của UBND huyện có nhầm lẫn về thẩm quyền ban hành nhưng lỗi này đã được điều chỉnh nên các nội dung khác vẫn có giá trị. Đồng thời việc sửa sai bằng hai cách cũng đều hợp lý.

Do nội dung các quyết định ban đầu không bị thay đổi nên các quyết định hành chính sau dựa theo đó để ban hành là đảm bảo thủ tục, trình tự, thẩm quyền và nội dung.

Về yêu cầu phải lấy khung giá năm 2010 bồi thường giải phóng mặt bằng cho hai nguyên đơn, tòa cho rằng không có cơ sở. Lý do là hai quyết định điều chỉnh năm 2010 dựa vào hai quyết định gốc được ban hành năm 2009.

Sau phiên xử, ông Hiệp và bà Huệ đã kháng cáo.

Sai thẩm quyền thì phải thu hồi

Theo tôi khi UBND huyện phát hiện chủ tịch ban hành quyết định sai thẩm quyền thì bắt buộc họ phải thu hồi quyết định sai để ban hành quyết định mới cho đúng thẩm quyền. Chỉnh sửa quyết định trong trường hợp này là không phù hợp quy định pháp luật. Sửa sai là cần thiết nhưng sửa sai cũng phải đúng pháp luật, đúng quy trình thì văn bản mới có giá trị.

Mặt khác, UBND huyện không lấy khung giá năm 2010 áp để bồi thường cho các nguyên đơn theo tôi cũng không chính xác.

Khoản 2 Điều 14 Nghị định 69 ngày 13-8-2009 của Chính phủ quy định bổ sung về bồi thường giải phóng mặt bằng thì thời điểm bắt đầu tính từ khi ra quyết định thu hồi đất. UBND huyện chỉnh sửa và ban hành mới quyết định thu hồi đất của hai nguyên đơn vào năm 2010 thì phải lấy khung giá tại thời điểm ấy mới đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ (Đoàn Luật sư TP.HCM)

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm