Rượt đuổi làm chết nạn nhân là giết người

LTS: Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 14-3 có bài “TNGT chết khi bị rượt đuổi, người rượt có tội không?” phản ánh quan điểm trái ngược của các cấp tòa trong vụ này: Sơ thẩm bảo giết người, phúc thẩm bảo không phải. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng bài viết dưới đây của ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, về vụ này.

Trước hết, cần khẳng định rằng không phải trường hợp nào rượt đuổi dẫn đến cái chết của nạn nhân cũng phạm tội giết người.

Trước đây, vào những năm 80-90 của thế kỷ trước, hành vi rượt đuổi dẫn đến người bị rượt đuổi chết cũng gây ra tranh cãi chứ không phải bây giờ.

Giết người do “không hành động”

Tuy nhiên, lúc đó loại hành vi này không phổ biến như hiện nay như: đuổi bắt người phạm tội, hai toán thanh niên đuổi đánh nhau trên đường làng dẫn đến chết một thanh niên bị rượt đuổi nhảy xuống hồ, do không biết bơi nên bị chết.

Vào thời kỳ đó, nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người thì cũng chuyển sang tội gây rối trật tự công cộng. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối không còn phù hợp nữa, nếu không có dấu hiệu của tội giết người thì phải tuyên bị cáo không phạm tội.

Về lý luận, không nhất thiết người phạm tội phải có hành vi tác động vào thân thể nạn nhân dẫn đến nạn nhân chết thì mới là giết người. Có nhiều trường hợp người phạm tội không có hành vi tác động đến nạn nhân nhưng vẫn có thể xác định hành vi của người phạm tội là hành vi giết người. Lý luận gọi hành vi này là “không hành động”.

Ví dụ: A là bác sĩ bệnh viện, do có thù tức với B nên khi B bị đau ruột thừa, A biết rằng nếu không mổ kịp thời thì B sẽ chết nhưng A vẫn bỏ mặc cho B chết trong khi A có điều kiện cứu B. Đây cũng không phải là trường hợp không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, vì A mong muốn cho B chết và không cứu.

Giết người vì dồn vào chỗ chết

Một ví dụ khác: A, B và C đuổi D để đánh nhưng khi đuổi đến giữa cầu thì C chạy vọt lên chặn đầu, D phải chạy quay trở lại thì gặp A và B. Bị đuổi cùng đường, D phải nhảy xuống sông; do không biết bơi nên D bị chết đuối. Trường hợp này nếu A, B và C biết rõ D không biết bơi nhưng vẫn truy sát dồn D phải nhảy xuống sông thì hành vi của A, B và C phải coi là hành vi giết người (dồn người khác vào chỗ chết). Đây là trường hợp phạm tội do cố ý trực tiếp.

Nếu A, B và C không biết D có biết bơi hay không nhưng vẫn dồn D phải nhảy xuống sông thì hành vi của A, B và C cũng là hành vi giết người (lỗi cố ý gián tiếp). Khoa học luật hình sự còn gọi là lỗi cố ý không xác định, tức là người phạm tội chỉ nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra chứ không chắc chắn nhất định xảy ra. Về lý luận, trường hợp này người phạm tội cũng chỉ thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Nếu A, B và C biết chắc là D biết bơi, khi D nhảy xuống sông, A, B và C còn đứng trên bờ nhìn D chới với và còn nói “Nó giả vờ đấy” rồi bỏ về thì hành vi của A, B và C không phải là hành vi giết người, mà tùy vào điều kiện và khả năng cứu giúp của A, B và C mà truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Gián tiếp cũng bị tội

Trở lại vụ án báo nêu, mặc dù nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho ông Thanh là do tai nạn nhưng vì sao ông Thanh bị tai nạn? Nếu không có hành vi truy đuổi của Hợi thì ông Thanh không thể vừa chạy vừa kêu cứu. Hành vi của Hợi không còn là điều kiện gây ra cái chết cho ông Thanh nữa mà nó đã trở thành nguyên nhân (nguyên nhân gián tiếp) gây ra cái chết cho ông Thanh.

Về lý luận, nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp đều phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này, Hợi đã dùng khúc gỗ dài 80 cm rượt đuổi ông Thanh. Không ai dám chắc và cũng không có tình tiết nào xác định nếu đuổi được ông Thanh thì Hợi chỉ để hỏi ông Thanh về việc chửi Hợi rồi mới đánh dằn mặt! Việc Hợi đuổi đánh ông Thanh phải coi là nguyên nhân làm cho ông Thanh bị tai nạn chứ không còn là điều kiện nữa. Vì điều kiện khi có những yếu tố khách quan và chủ quan thì điều kiện sẽ trở thành nguyên nhân gây ra hậu quả.

Được biết trong vụ án nói trên, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của chánh án, hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại nhằm kết án Hợi về tội giết người. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo tôi là phù hợp với thực tiễn cuộc sống và nên coi đây là án lệ để áp dụng cho những trường hợp khác tương tự.

Sơ thẩm xử giết người, phúc thẩm hủy án

Theo hồ sơ, Nguyễn Quý Hợi (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) không kết hôn nhưng có con chung với con gái của ông Nguyễn Hồng Thanh. Vì vậy, giữa Hợi và ông Thanh có xích mích.

Khoảng 16 giờ ngày 22-5-2011, ông Thanh đang chạy xe máy trên đường tại xã Ea Nam thì gặp Hợi. Ông Thanh chửi Hợi. Hợi chạy máy cày đến để ở chỗ vợ đang bán dưa hấu gần đó rồi lấy khúc gỗ dài khoảng 80 cm chạy xe máy đuổi theo ông Thanh để đánh. Hợi chạy xe với vận tốc 80 km/giờ. Ông Thanh phát hiện Hợi đuổi theo phía sau nên hoảng sợ và chạy xe với tốc độ nhanh, vừa chạy vừa hô “Cứu, cứu…”. Đến đoạn đường cong, ông Thanh chạy xe về phía bên trái đường theo hướng đang đi nên đã đâm vào xe máy ngược chiều. Hậu quả ông Thanh tử vong ngay tại chỗ.

Ban đầu, Hợi bị CQĐT Công an huyện Ea H’Leo khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng. Sau đó, vụ án được chuyển lên cơ quan tố tụng cấp tỉnh và Hợi bị khởi tố, truy tố về tội giết người. Tháng 5-2014, TAND tỉnh Đắk Lắk xử sơ thẩm, tuyên phạt Hợi 12 năm tù về tội giết người với tình tiết định khung phạm tội có tính chất côn đồ.

Tháng 9-2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng (nay là TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) nhận định TAND tỉnh Đắk Lắk xử Hợi tội giết người là không đúng pháp luật. Xét về hành vi, hậu quả và mối quan hệ nhân quả thì thấy Hợi không trực tiếp gây ra cái chết đối với ông Thanh nên không phạm tội giết người mà có thể bị điều tra về một tội khác (nếu có). Từ đó tòa hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại.

Bản án phúc thẩm này sau đó bị chánh án TAND Tối cao kháng nghị và Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm hủy án, yêu cầu xử phúc thẩm lại.

CSGT nên chấm dứt đuổi xe vi phạm

Gần đây trên các trang mạng, dư luận cũng rất quan tâm đến việc CSGT rượt đuổi “xe điên” trên phố, có trường hợp rượt đến 20 km mới bắt được. Việc làm này rõ ràng là nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người và gây mất trật tự công cộng. Thiết nghĩ công an các địa phương nên chấn chỉnh. Nếu người vi phạm không tuân thủ hiệu lệnh của CSGT thì chỉ cần ghi lại biển số xe, sau đó truy tìm ra thủ phạm không có gì là khó khăn cả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm