Sẽ thu hồi văn bản cấm công chức đi chợ cũ Di Linh

Văn bản 165 đã cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị của huyện Di Linh đi chợ, mua bán tại chợ cũ Di Linh.
Văn bản 165 còn giao Phòng Nội vụ, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Di Linh hằng ngày mỗi cơ quan cử một công chức, viên chức kiểm tra tại khu vực chợ cũ Di Linh. Nếu phát hiện người vi phạm thuộc các cơ quan đơn vị của huyện thì ghi hình, lập biên bản cuối ngày báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ trưởng Tổ thanh tra công vụ (Phòng Nội vụ) để tổ báo cáo UBND huyện. Thời gian kiểm tra từ ngày có thông báo cho đến hết ngày 27-11.
Theo Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, cơ quan này đã phát hiện một số nội dung tại Văn bản số 165 không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, theo Điều 74 Luật Cán bộ, công chức về phạm vi thanh tra công vụ phải được thực hiện theo Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác có liên quan. “Đối chiếu với các quy định của Luật Cán bộ, công chức, luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc quy định như Văn bản số 165/TB-TTrCV là trái với văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên về phạm vi thanh tra công vụ, về nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Mặt khác, cán bộ, công chức, viên chức cũng là người tiêu dùng, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự…” - văn bản của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng nêu.
Chiều tối cùng ngày, ông Trần Đình Sỹ, Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết chưa nhận được văn bản của cấp trên yêu cầu hủy văn bản này. Tuy nhiên, ông Trần Đình Sỹ cũng thừa nhận nội dung Văn bản 165 là “có vấn đề” và sẽ cho thu hồi.
Theo ông Sỹ, hiện nay phần lớn các tiểu thương đã chuyển sang chợ mới, cách chợ cũ khoảng 2 km để kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tiểu thương chưa chịu chuyển đi.
Tại một cuộc họp báo mới đây, lãnh đạo UBND huyện Di Linh cho biết trước khi xây chợ mới đã lấy ý kiến của các tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại đây. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương nói họ không nhận được văn bản lấy ý kiến nào và cũng không được tham gia đóng góp ý kiến.
Trong thời gian ngắn, UBND huyện Di Linh đã nhận tới 294 đơn khiếu nại của tiểu thương. Gần đây, hàng chục tiểu thương tiếp tục có khiếu nại tới UBND tỉnh Lâm Đồng.
Không ít tiểu thương cho biết giá thuê quầy sạp tại chợ mới quá đắt.
Ngoài ra còn đề nghị UBND huyện Di Linh gia hạn kinh doanh, buôn bán tại chợ cũ đến hết năm 2017. Tuy nhiên, UBND huyện Di Linh đã bác bỏ đề nghị này.
Theo THẠCH THẢO (Tuổi trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm