Sửa BLTTDS: Xử rút gọn, án sơ thẩm cũng là chung thẩm?

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào, đây là thủ tục giải quyết vụ án dân sự khi có những điều kiện theo quy định nhằm rút ngắn về thời gian, thủ tục so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật.

Điều kiện cụ thể để áp dụng thủ tục rút gọn là các đương sự đề nghị áp dụng thủ tục này; các đương sự đều có nơi cư trú rõ ràng và không có yếu tố nước ngoài; tài sản tranh chấp có giá trị không lớn; tài liệu, chứng cứ được các bên xác nhận, không phải thu thập thêm tài liệu, chứng cứ... Việc xét xử theo thủ tục rút gọn do một thẩm phán tiến hành, thời gian giải quyết ngắn hơn, thủ tục giải quyết đơn giản hơn thủ tục thông thường.

Theo ông Hào, hiện đang có hai luồng ý kiến về hiệu lực của bản án sơ thẩm trong thủ tục rút gọn: Ý kiến thứ nhất nói để đảm bảo giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, đỡ tốn kém thời gian, chi phí cho đương sự thì nên quy định bản án sơ thẩm có hiệu lực ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Trường hợp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án thì đương sự có quyền đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Ý kiến thứ hai thì bảo vẫn được kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm; việc xét xử phúc thẩm sẽ tiến hành theo thủ tục chung để phù hợp với nguyên tắc hiến định là “chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo”.

PGS-TS Nguyễn Thị Hoài Phương (Trường ĐH Luật TP.HCM) ủng hộ quy định án sơ thẩm trong thủ tục rút gọn cũng là chung thẩm. Ngược lại, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) đồng tình với ý kiến án xử theo thủ tục rút gọn vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm.

Một vấn đề khác, thực tiễn 10 năm thi hành BLTTDS cho thấy quy định cấp giám đốc thẩm chỉ có quyền giữ nguyên hoặc hủy án để xét xử lại là chưa hợp lý trong một số trường hợp. Do đó dự thảo BLTTDS (sửa đổi) đã bổ sung thẩm quyền sửa án của hội đồng giám đốc thẩm.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) tán đồng thẩm quyền sửa án của hội đồng giám đốc thẩm trong trường hợp chứng cứ đã rõ ràng, đủ căn cứ..., không cần thiết phải hủy án để xét xử lại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản đối rằng giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử nên quy định hội đồng giám đốc thẩm được quyền sửa án vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử.

Khi nào được ghi âm, ghi hình tại phiên tòa?

Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) giữ nguyên quy định hiện hành là việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa chỉ có thể được tiến hành khi được sự đồng ý của HĐXX. Theo tôi, cần thiết phải quy định rõ trường hợp nào được chấp nhận, trường hợp nào không để tránh tình trạng thẩm phán khó tính thì không cho, thẩm phán dễ thì ưng thuận...

Thẩm phán VŨ KIM THOA,
Chánh tòa Hành chính TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm