Tham ô, nhận hối lộ: Khắc phục hậu quả sẽ thoát án tử

Trong số tám vấn đề trọng tâm xin ý kiến, đáng chú ý có quy định về việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Theo dự thảo, các tội cụ thể đó gồm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ. Người được áp dụng quy định này sẽ phải chịu án tù chung thân.

Liên quan đến vấn đề này đang có hai luồng ý kiến: Ý kiến tán thành cho rằng quy định này nhằm hạn chế hình phạt tử hình trên thực tế, góp phần thực hiện chủ trương giảm hình phạt tử hình. Mục đích chính của quy định nhằm tạo cho người bị kết án tử hình cơ hội cuối cùng để được sống nhưng phải có sự nỗ lực, tích cực bằng những hành động cụ thể để khắc phục cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác trong việc phát hiện, khám phá tội phạm hoặc có sự lập công lớn.

“Quy định này không chỉ cho phép người bị kết án có cơ hội giữ lại mạng sống mà còn giúp cơ quan chức năng thu hồi được các tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát, lãng phí” - các ý kiến ủng hộ lập luận.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến không đồng tình vì cho rằng ở khía cạnh nào đó, quy định như vậy sẽ dễ dẫn đến cách hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình, dẫn đến bất công giữa người giàu với người nghèo.

Một vấn đề khác, BLHS hiện hành quy định trường hợp trộm cắp dưới 2 triệu đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị xử lý hình sự. Ngoài ba trường hợp trên, dự thảo bổ sung thêm trường hợp thứ tư: Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2 triệu đồng là “phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ” thì người phạm tội cũng bị xử lý hình sự.

Tám vấn đề trọng tâm

- Vấn đề trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu TNHS.

- Phạm vi chịu TNHS của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội;

- Bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân.

- Chuyển hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn.

- Về hình phạt trục xuất.

- Thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong lĩnh vực kinh tế.

- Bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng.

- Bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.