Thẩm phán phải có bản lĩnh minh oan cho người vô tội

Theo ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo TAND Tối cao, đặc biệt là Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các phiên tòa đã diễn ra rất công khai, tranh tụng thoải mái…

Vì mục tiêu “biểu tượng của công lý”

. Phóng viên: Lúc tuyên thệ nhậm chức, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình từng nói sẽ biến tòa án thành biểu tượng của công lý, của niềm tin. Làm sao để ngành tòa án thực hiện được điều này, thưa ông?

Ông Nguyễn Trí Tuệ

+ Ông Nguyễn Trí Tuệ: Vừa rồi chánh án TAND Tối cao đã đưa ra nhiều yêu cầu, giải pháp cho ngành tòa án nhằm đảm bảo mỗi bản án được tuyên đều đảm bảo công lý, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, trong các vụ việc dân sự thì không sai sót.

Một trong những yêu cầu là công khai bản án để xã hội giám sát. Ngành tòa án đã tập huấn viết bản án, kỹ năng xét xử, kỹ năng đảm bảo tranh tụng để đảm bảo sự chuẩn mực. Ngoài ra là việc xây dựng án lệ, các nghị quyết, biểu mẫu phù hợp với các luật tố tụng mới hiện nay…

Có thể nói cả hệ thống tòa án đã vào cuộc để nỗ lực đạt mục tiêu đưa tòa án trở thành biểu tượng của công lý, của niềm tin. Đồng thời, ngành tòa án cũng nỗ lực hết sức để giáo dục đạo đức, tư cách, phẩm chất cho đội ngũ thẩm phán, nâng cao năng lực trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ và có những chế định khắc phục những sai sót mà giai đoạn trước để lại.

. Thực tế thì án oan hoặc sai vẫn còn xảy ra, thưa ông?

+ Với những vụ án có dấu hiệu oan sai thì ngành tòa án sẵn sàng vào cuộc làm rõ chứ không lờ đi, bỏ qua. Thực tế là mỗi giai đoạn đều có những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nên không thể tránh khỏi sai sót và việc khắc phục các sai sót trước đây là cần thiết.

Bà Đặng Thị Nga (người mang kính) được chánh án TAND Tối cao chủ động vào cuộc minh oan. Ảnh:TUYẾN PHAN

Dấu ấn minh oan

. Thưa ông, trong một số vụ án, có những thẩm phán chấp nhận trả hồ sơ nhiều lần dù căn cứ kết tội không có hoặc không vững chắc. Làm sao để các thẩm phán có thể dũng cảm tuyên bố vô tội cho người bị oan thay vì cứ trả hồ sơ?

+ Đây không phải là năng lực mà là bản lĩnh của thẩm phán. Thẩm phán phải thấy được nguyên tắc suy đoán vô tội. Tòa án đã có hướng dẫn rồi. Chẳng hạn việc thẩm phán ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, củng cố chứng cứ mà CQĐT không làm rõ được thì phải tuyên vô tội. Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra cho các thẩm phán.

Nguyên tắc hiến định là nguyên tắc suy đoán vô tội chứ không phải là suy đoán có tội. Nguyên tắc này phải được vận dụng trong thực tế.

. Có những trường hợp bị kết án oan mấy chục năm rồi mới được “suy đoán vô tội”, thưa ông?

+ Như tôi nói, mỗi giai đoạn có hoàn cảnh, điều kiện khác nhau và sai sót là điều khó tránh khỏi. TAND Tối cao hiện nay đã có những cơ chế khắc phục. Vụ án oan của mẹ con bà Đặng Thị Nga ở Điện Biên là một ví dụ tiêu biểu.

Bà Nga không hề có đơn kêu oan đến tòa án trong tất cả giai đoạn mà chỉ gửi đơn đến Công an tỉnh Điện Biên. Đến tháng 4-2017, Công an và VKSND tỉnh Điện Biên gửi công văn xin ý kiến Bộ Công an và VKSND Tối cao.

Khi nhận được công văn về vụ án này từ Tỉnh ủy và TAND tỉnh Điện Biên, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trực tiếp lên Điện Biên nắm tình hình, trao đổi với Tỉnh ủy và các cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên. Chánh án kết luận rằng vụ việc này có dấu hiệu oan, trước mắt chưa tiến hành thủ tục gì thì các cơ quan tố tụng địa phương cũng nên gặp bà Nga và gia đình để xoa dịu nỗi đau của họ. Ngày 15-9-2017, ba cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên đã đến thăm hỏi gia đình bà Nga.

Đầu tháng 10-2017, chánh án TAND Tối cao đã triệu tập cuộc họp liên ngành và các cơ quan đều thấy rằng các chứng cứ kết tội có vấn đề. Quan trọng hơn, hồ sơ vụ án này đã hết thời hiệu để điều tra, truy tố mà không chứng minh được tội phạm. Từ đó đồng chí chánh án đề nghị phải xin lỗi, bồi thường oan cho mẹ con bà Nga. Sau đó như chúng ta đã biết, các cơ quan tố tụng tỉnh Điện Biên đã tổ chức xin lỗi bà Nga và gia đình. Thủ tục bồi thường cũng sẽ được thực hiện.

Đây là một trong những vụ kết luận và bồi thường oan nhanh nhất trong lịch sử tố tụng, chỉ trong vòng hơn một tháng.

. Bà Đặng Thị Nga thật may mắn khi được TAND Tối cao chủ động vào cuộc minh oan. Đó cũng là niềm hy vọng cho những người bị oan khác, thưa ông...

+ Hằng ngày TAND Tối cao tiếp nhận rất nhiều đơn kêu oan và Hội đồng thẩm phán đều xem xét. Hầu hết vụ án có mức tử hình thì các bị cáo đều kêu oan. Với những trường hợp oan mà tòa án chưa nghe thấy, tôi nghĩ người kêu oan nên gửi tài liệu, chứng cứ và đơn đến các cơ quan có thẩm quyền, chẳng hạn TAND Tối cao. Chúng ta đã có cơ chế khắc phục sai sót rồi. Những vụ án oan sẽ được khắc phục bằng các bản án phúc thẩm, các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án.

Nhân dân sẽ phán xét

.Một trong những vụ án mà dư luận chú ý thời gian gần đây là vụ hoa hậu Phương Nga. Ông nghĩ sao về việc bị cáo đã thực thi quyền im lặng và được HĐXX tôn trọng? Đây có phải là một cách hay để tránh oan sai hay không, thưa ông?

+ Luật đã quy định các quyền không nhận tội, không phải khai báo… của bị can, bị cáo rất rõ ràng. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng cũng rất minh bạch. Bị cáo được phát huy các quyền của mình. Bị cáo im lặng thì tòa không thể bắt họ nói. Họ không nhận tội thì không thể ép buộc họ nhận tội, bởi trách nhiệm chứng minh tội phạm không thuộc về họ mà thuộc về các cơ quan tố tụng.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo TAND Tối cao, các phiên tòa đã diễn ra rất công khai, tranh tụng thoải mái. Các tòa đã làm những việc rất mạnh mẽ như triệu tập nhân chứng, thậm chí áp giải nhân chứng để làm rõ các vấn đề của vụ án như trường hợp “nhân chứng giấu mặt” ở vụ Phương Nga.

Chúng ta đang thực hiện rất tốt nguyên tắc tranh tụng tại tòa, giúp các bên có thể trình bày, đưa ra quan điểm của mình để HĐXX xem xét, định tội, lượng hình. Bên cạnh đó, các cơ chế quản lý trong ngành tòa án đều được xem xét và kiến nghị điều chỉnh.

Với hệ thống tòa án, các hoạt động, các bản án, các chỉ đạo chuẩn mực của lãnh đạo TAND Tối cao luôn thể hiện nỗ lực bảo vệ công lý. Thực tế, bất kỳ thẩm phán nào cũng không thể tự nhận mình xử tốt lắm. Nhân dân sẽ phán xét điều đó qua các bản án được công khai, qua các công việc mà hệ thống tòa án thực hiện.

. Xin cám ơn ông.

Sự day dứt của luật pháp, tình người!

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, khi thực hiện nhiệm vụ xét xử với tư cách của một thẩm phán, ông vẫn thường day dứt trước khi đưa ra phán quyết liên quan đến số phận, quyền lợi của một con người nào đó. “Sự day dứt là điều không thể tránh khỏi. Dẫu bị cáo có bị tử hình đi chăng nữa vì hành vi phạm tội của họ nhưng khi nhân danh pháp luật để tuyên án, thẩm phán nào cũng có phần day dứt” - ông Tuệ tâm sự.

Nói về án oan sai, ông Tuệ chia sẻ: “Tôi vẫn thường hay nói với các thẩm phán, nếu đặt mình vào vị trí của một bị cáo hay một đương sự thì khi bị kết án oan hay xử lý không đúng sẽ thấy trăn trở, nặng nề như thế nào. Bố mẹ mình mắng một câu oan mình còn ấm ức, huống chi là phải gánh chịu một bản án không đúng. Mỗi một bản án, một quyết định tố tụng đều phải là sự trăn trở, day dứt của những người làm công tác xét xử. Điều đó không đơn thuần là sự máy móc lắp ráp những tình tiết phạm tội vào các khung, khoản, điều luật để kết tội. Nó còn là sự day dứt của luật pháp, tình người”.

“Tôi nghĩ rằng một thẩm phán chân chính luôn hết sức cân nhắc trước mỗi phán quyết để không ai bị oan hay cảm thấy ấm ức vì bất cứ điều gì. Khi đạt được những điều đó thì bản án sẽ chuẩn xác, khiến mọi người tâm phục khẩu phục. Và khi đó, tòa án mới thực sự là biểu tượng của công lý và của niềm tin” - vị Phó Chánh án TAND Tối cao khẳng định như vậy trước khi kết thúc câu chuyện với chúng tôi.

Không bỏ lọt tội phạm, không để oan sai

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, việc vừa không bỏ lọt tội phạm, vừa không để xảy ra oan sai không hề mâu thuẫn nhau mà là mục tiêu của ngành tòa án trên cơ sở của nguyên tắc suy đoán vô tội đã được hiến định.

Ông Tuệ lý giải: Không bỏ lọt tội phạm tức là các hành vi phạm tội phải được khởi tố, truy tố, xét xử trước pháp luật. Khi xét xử, nếu tòa án thấy hành vi phạm tội không được xem xét thì tòa kịp thời khởi tố vụ án ngay theo quy định của pháp luật. Trong một số phiên tòa gần đây, HĐXX đã hành xử như vậy. Còn không làm oan tức là những người không có hành vi phạm tội thì không bị xử lý hình sự…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm