Thẩm phán xử oan sẽ bị chuyển công việc khác

Quy chế xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp trong các TAND đã được TAND Tối cao đưa ra thảo luận, lấy ý kiến tại hội nghị triển khai công tác của ngành năm 2017 (vừa diễn ra trong các ngày 12, 13 và 14-1).

Sáu trường hợp thẩm phán bị chuyển công việc khác

Theo dự thảo quy chế, trong một năm công tác thẩm phán có tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan từ 1,16% đến dưới 2% tổng số vụ việc đã tham gia giải quyết, xét xử thì bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm trước cơ quan, đơn vị. Nếu tỉ lệ này từ 2% đến dưới 3% thì bị tạm đình chỉ xét xử một tháng.

Đáng chú ý, thẩm phán sẽ bị bố trí làm công việc khác trong sáu trường hợp sau:

Thứ nhất, thẩm phán đã bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức tạm đình chỉ công tác một tháng nhưng trong năm tiếp theo tiếp tục ra bản án, quyết định bị hủy chiếm tỉ lệ từ 1,16% đến dưới 3%.

Thứ hai, thẩm phán trong một năm công tác có bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan chiếm tỉ lệ từ 3% trở lên trong tổng số vụ việc đã tham gia giải quyết, xét xử.

Thứ ba, thẩm phán ra bản án tuyên bị cáo phạm tội nhưng sau đó có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền kết luận bị cáo đó không phạm tội.

Nếu TAND Tối cao ban hành quy chế xử lý trách nhiệm, các thẩm phán sẽ càng phải thận trọng hơn để tránh xử oan, sai. Ảnh minh họa: H.YẾN

Thứ tư, thẩm phán trong một năm công tác có vụ việc bỏ lọt tội phạm đối với một bị cáo do lỗi chủ quan trong trường hợp VKS truy tố và thẩm phán xét xử không có tội nhưng sau đó tòa án cấp trên xét xử và kết án bị cáo có tội.

Thứ năm, thẩm phán ra bản án, quyết định sai gây thiệt hại làm cho tòa án phải bồi thường theo quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước.

Thứ sáu, thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy vì rõ ràng sai trong việc đánh giá chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng tố tụng, áp dụng sai pháp luật gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín của tòa án.

Nhiều ý kiến lo ngại nhưng TAND Tối cao không “bàn lùi”

Về việc tính tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan là 1,16% trên tổng số vụ việc đã tham gia giải quyết, xét xử để xử lý trách nhiệm của thẩm phán, Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra án hình sự-hành chính TAND Tối cao Lương Hồng Minh cho hay: “Nói về tâm lý, trước đây anh em chúng tôi vẫn có câu “tội phạm sợ 113, thẩm phán sợ 116””.

Theo ông Minh, việc TAND Tối cao ban hành quy chế xử lý trách nhiệm đối với người giữ chức danh tư pháp trong TAND là việc làm cần thiết nhưng quy định ra sao thì cần bàn bạc kỹ. “Quy chế này phải phù hợp với thực tiễn và được anh em thẩm phán tâm phục khẩu phục. Nhiều ý kiến cho rằng không biết tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan là 1,16% dựa trên tiêu chí nào? Tại sao không phải là 1,2% hay 1,5%?” - ông Minh nói.

Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Thắng cũng cho rằng tỉ lệ này “căng quá” và lo ngại “không ai dám làm thẩm phán vì… run”. “Quy định tỉ lệ 1,16% thì hầu như cơ bản ai tham gia xử nhiều cũng sẽ sai. Áp lực mạnh như vậy lại càng lo sai sót nhiều hơn nữa” - ông Thắng lo ngại.

Theo một số thẩm phán khác, dự thảo quy chế cần tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện nhiều mới có thể ban hành. Chẳng hạn, quy định về thời gian tạm đình chỉ công tác một tháng đối với thẩm phán có phù hợp không? Tạm đình chỉ một tháng để làm gì? “Nhiều người nói vui rằng nhân thời gian đó thì thẩm phán tranh thủ đi du lịch” - ông Lương Hồng Minh nói.

Theo Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn, thời gian qua TAND Tối cao cũng đã nhận được nhiều kiến nghị của các tòa án địa phương liên quan đến tỉ lệ 1,16% nói trên. Ông Sơn cho biết quy định về tỉ lệ 1,16% hay tỉ lệ 3% trở lên bị điều chuyển công tác khác đã có từ thời Chánh án Nguyễn Văn Hiện (nhiệm kỳ 2002-2007 - NV). Trước các ý kiến đề nghị tăng tỉ lệ này từ 1,16% lên 1,5%, ông Sơn khẳng định chắc chắn sẽ “không thể bàn lùi” được.

ĐỨC MINH

Năm trường hợp không được tái bổ nhiệm

Theo dự thảo quy chế, trong nhiệm kỳ, thẩm phán không được xem xét đề nghị tái bổ nhiệm khi rơi vào một trong năm trường hợp sau:

- Tổng số bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan chiếm tỉ lệ trên 3% so với tổng số vụ việc đã giải quyết, xét xử.

- Ra bản án tuyên bị cáo phạm tội nhưng sau đó có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền kết luận bị cáo đó không phạm tội.

- Trong một năm công tác có vụ việc bỏ lọt tội phạm đối với một bị cáo do lỗi chủ quan của thẩm phán trong trường hợp VKS truy tố và thẩm phán xét xử không có tội nhưng sau đó tòa án cấp trên xét xử và kết án bị cáo có tội.

- Ra bản án, quyết định sai gây thiệt hại làm cho tòa án phải bồi thường theo quy định của pháp luật về bồi thường nhà nước.

- thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy vì rõ ràng sai trong việc đánh giá chứng cứ, vi phạm nghiêm trọng tố tụng, áp dụng sai pháp luật gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín của tòa án.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...