Thay đổi yêu cầu kháng cáo theo hướng nào?

Tại phiên tòa phúc thẩm, nạn nhân thay đổi yêu cầu kháng cáo, đề nghị tòa xử các bị cáo về tội giết người và xem xét việc cấp sơ thẩm để lọt người, lọt tội. Tòa không chấp nhận vì “vượt yêu cầu kháng cáo ban đầu, nằm ngoài phạm vi xét xử phúc thẩm”...

Từ vụ này, một vấn đề pháp lý đặt ra là người kháng cáo được quyền thay đổi nội dung kháng cáo tại phiên tòa hình sự phúc thẩm tới đâu? Nhiều thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư cho biết theo quy định, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu kháng cáo nhưng không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề xuất không nên giới hạn phạm vi thay đổi, bổ sung yêu cầu kháng cáo như trên vì tòa phúc thẩm cần xem xét toàn diện vụ án…

Theo tôi, trước hết cần phải hiểu rằng tòa phúc thẩm không có trách nhiệm cũng như không có quyền xem xét toàn diện vụ án. Chỉ có Hội đồng Giám đốc thẩm mới có trách nhiệm phải xem xét toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị (Điều 284 BLTTHS). Tòa phúc thẩm chỉ có quyền xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì tòa phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án (Điều 241 BLTTHS).

Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLTTHS thì người bị hại chỉ có quyền kháng cáo bản án, quyết định của tòa án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo chứ không có quyền kháng cáo về các vấn đề khác của bản án sơ thẩm. Thế nhưng do Điều 231 BLTTHS quy định: “Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm” nên nhiều người cứ tưởng rằng người bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm như đối với bị cáo.

Đây cũng là vấn đề mà các cơ quan tố tụng còn ý kiến khác nhau. Trong thực tiễn, các tòa án cấp phúc thẩm mặc nhiên chấp nhận cho người bị hại kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm cả về phần tội danh, bỏ lọt tội phạm... Cần phải hiểu rằng người bị hại có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng quyền đó được thực hiện như thế nào thì phải căn cứ vào quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLTTHS chứ không thể cho rằng vì quy định chung trong một điều luật thì người bị hại cũng có quyền kháng cáo như bị cáo. Ngay cả trường hợp người bị hại kháng cáo, bổ sung kháng cáo tăng hình phạt hoặc tăng bồi thường cũng phải trong thời hạn kháng cáo, nếu đã hết thời hạn kháng cáo thì người bị hại không có quyền bổ sung kháng cáo theo hướng tăng hình phạt, tăng bồi thường nữa mà chỉ có quyền rút kháng cáo hoặc bổ sung kháng cáo theo hướng giảm hình phạt, giảm bồi thường đối với bị cáo.

Trở lại vụ án báo nêu, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) và kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao). Nếu không giới hạn về quyền kháng cáo cũng như quyền bổ sung kháng cáo thì không chỉ vi phạm, phá vỡ các nguyên tắc tố tụng mà còn ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của cả người tiến hành tố tụng lẫn người tham gia tố tụng.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm