Thấy gì từ đồng hồ Rolex 7.000 USD của ông Phan Văn Vĩnh?

Cùng bị truy cứu về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hai người này còn đang bị điều tra để làm rõ lời khai của bị can Nguyễn Văn Dương (cựu chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Phát triển An ninh công nghệ cao, bị đề nghị truy tố tội tổ chức đánh bạc và được miễn trách nhiệm hình sự tội đưa hối lộ) về việc đã cho ông Vĩnh 27 tỉ đồng và hơn 1,7 triệu USD, ông Hóa 22 tỉ đồng.

Đối với ông Vĩnh, Dương khai ngoài số tiền lớn trên thì Dương còn cho ông Vĩnh một đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD. ông Vĩnh thì nói đã mua đồng hồ này và đã trả cho Dương 1,1 tỉ đồng. Đáng lưu ý là kết luận điều tra cho rằng có đủ cơ sở xác định ông Vĩnh đã dối trá vì với lương trung tướng 20 triệu đồng/tháng, nếu không xài gì thì 1,1 tỉ đồng sẽ tương ứng với 55 tháng lương (bốn năm bảy tháng) của ông Vĩnh!

Có thể thấy Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã có cách truy xét từ tiền lương khá tinh tế để Vĩnh không dễ cãi về chiếc đồng hồ mà theo ông Vĩnh giá gấp 55 lần lương tháng của mình. Cách so sánh này vẫn được người dân làm hoài để đặt nghi vấn về các biệt phủ, vila… của nhiều quan chức, cán bộ, chỉ có điều không phải lúc nào cũng được kết luận đúng, sai.

Ngoài vài quan chức chịu lên tiếng theo kiểu coi thường dân như nhờ nuôi heo, buôn chổi đót… mà giàu sụ, đa số quan chức “đại gia” thường nín thinh về nguồn gốc tài sản. Các cơ quan chức năng cũng ít khi sửng sốt về sự vương giả, xa hoa không tưởng tượng nổi của quan chức, cán bộ để đi đến tận cùng sự thật nhằm lấy lại niềm tin cho xã hội. Trong rất nhiều trường hợp bị dư luận xầm xì, các tài sản khủng không rõ từ đâu có của quan chức thường được dễ dàng cho là không phải tài sản bất hợp pháp, không phải do tham nhũng mà có nên đã không bị chế tài tương xứng.

Căn biệt thự siêu sang của Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an Đà Nẵng, là một đơn cử. Có một ý kiến cho là ban đầu ông mua chỉ có 10 tỉ đồng nhưng sau thời gian dài thì giá trị nhà, đất tăng lên chứ không phải ông có một lúc 100 tỉ đồng để mua. Như vậy có nghĩa là ông Tam tậu được biệt thự ấy nhờ có thu nhập lớn hợp lý/hợp pháp ngoài lương hay sao? Có lẽ phải đợi các công bố chính thức để xem có rõ hơn không (dù qua nhiều vụ tương tự thì không thấy có hy vọng gì nhiều).

Ngẫm tiếp sẽ giận hơn nữa việc các cơ quan chức năng đến giờ vẫn không chịu công khai bước đầu ông Tam có vi phạm gì không thông qua các bản kê khai tài sản mà ông đã nộp. Như trước khi bị công luận phát hiện thì biệt thự ấy có được kê khai đầy đủ, có được giải trình rõ ràng là nhờ trúng đậm bất động sản hay không... Tại sao?

Quay lại vụ chiếc đồng hồ Rolex của ông Vĩnh để thấy nguyên tắc suy đoán vô tội hiện hành đối với những tài sản khủng không rõ nguồn gốc - đặc biệt là của những quan chức cấp cao do càng có cơ hội tham nhũng hơn người khác - cần phải được điều chỉnh lại.

Theo nguyên tắc này thì “tài sản không giải trình được hợp lý nguồn gốc không có nghĩa là tài sản bất minh”. Tuy nhiên, nếu không màng hạch hỏi “lương vậy tiền đâu mua?”, đồng thời tiếp tục tin vào những biện bạch đơn thuần là do vay mượn, do vận may như Đại tá Tam chẳng hạn… mà không bỏ công đấu tranh, xác minh, điều tra, lật tẩy được nhiều tội nhận hối lộ và các tội tham nhũng khác thì làm sao mạnh miệng ăn nói với dân?

Hiện tại kết luận điều tra xác định việc Dương khai cho Hóa 22 tỉ đồng là có cơ sở nhưng chưa đủ căn cứ chứng minh nên cần tiếp tục điều tra. Mong là với sự nỗ lực phá án lần này của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ thì mọi việc sẽ sớm được sáng tỏ.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm