Thầy giáo lỡ tay phạm tội

Người anh bị hai năm tù, người em bị một năm sáu tháng tù treo. Bản án bị VKS kháng nghị theo hướng tăng án, chuyển tội danh giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS.

Phiên tòa phúc thẩm mở, hai anh em Đ. đến tòa rất sớm. Ngồi trong phòng xử, cả hai cứ nơm nớp lo mình sẽ bị tăng án, rồi phải ngồi tù thì bao nhiêu dự định, cố gắng trong suốt thời gian qua tan biến.

Theo hồ sơ, chiều 5-1-2011, HNT mang dao đến nhà Đ. để “giải quyết mâu thuẫn” trước đó. Đến nơi, dù người nhà Đ. mời chào, đưa ghế cho ngồi, đưa nước cho uống rồi hỏi chuyện nhưng T. vẫn hung hăng xông vào nhà vung dao chém Đ. tới tấp. Đ. bỏ chạy. T. cầm dao đuổi theo chém bằng được. Đang ở trong nhà, thấy anh trai bị đuổi đánh, D. cầm cây chĩa đâm vào lưng T. Những người xung quanh khống chế, lấy được con dao của T. Đ. cầm cây xà beng đánh vào lưng nạn nhân, gây thương tích 84%.

Tại tòa, Đ. cho biết mình và T. là bạn, là những người cùng trang lứa, cùng làng và lớn lên cùng nhau. May mắn hơn, anh em Đ. được đi học đầy đủ, còn T. chỉ học đến lớp 4 là nghỉ. Dù thế, cả nhóm vẫn thường chơi với nhau. Mỗi khi Đ. đi học xa về thì gặp gỡ, giao lưu bên chén rượu. Đ. không uống được nhiều nên khi cuộc vui đang lưng chừng thì ra về.

Trước hôm xảy ra vụ án một ngày, Đ. cùng một số người bạn trong làng đi đá bóng, khi về đi ngang qua thì được T. mời vào uống cùng. Tôn trọng bạn Đ. cũng vào tham gia cho vui nhưng chỉ uống được nửa chén là xin phép ra về. Cho rằng Đ. mất lịch sự, T. đứng dậy vừa nắm tóc bạn vừa đánh. Sự việc đã được can ngăn.

Chiều cùng ngày, cả hai đi đám cưới một người bạn trong làng, thấy Đ., T. dùng bát đĩa trên bàn ném. Đ. bỏ chạy, thấy chiếc chén đựng mủ sao su thì cầm ném lại làm T. chảy máu. Hôm sau, T. đến nhà Đ. chém trả thù.

“Biết T. nóng tính, hay gây sự nên bị cáo đã nhẫn nhịn để hai bên không bất hòa. Bị cáo cũng chẳng dám ra khỏi nhà để tránh gặp T. Khi T. mang dao qua nhà, dùng dao chém bị cáo thì bị cáo không giữ được bình tĩnh nữa. Lúc đó, bị cáo chỉ biết nghĩ rằng nếu mình không đánh trả thì cũng sẽ bị giết. Em trai bị cáo còn vợ con, nếu tòa tăng án thì mình bị cáo thôi. D. nó chỉ bênh anh, bị cáo mới có lỗi”. Nghe anh trai nói vậy, D. cắt ngang: “Anh Đ. là niềm hy vọng của cả nhà, giờ anh ấy bị tăng án, đi tù thì mẹ tôi sẽ ra sao. Rồi công việc anh ấy đang làm, mấy đứa học trò, thầy cô trong trường sẽ nghĩ sao. Sau này ra tù, sao anh ấy đi làm thầy giáo được”.

Theo vị đại diện VKS, việc T. đến nhà dùng dao chém Đ. là sai nhưng sự việc đã được can ngăn thì hành vi đã dừng lại. Sau đó, Đ. dùng xà beng đánh T. bị thương tật 84% thì phải xử nghiêm. Theo viện, mức án mà tòa tuyên là chưa thỏa đáng, không đúng với khung hình phạt.

Tuy nhiên, theo tòa, kháng nghị của VKS không có căn cứ, vì các bị cáo phạm tội là do lỗi ở bị hại. Bị cáo Đ. đã nhẫn nhịn, không muốn gây chiến nhưng bị hại vẫn mang dao đến nhà gây chiến mới làm các bị cáo không giữ được bình tĩnh mà phạm tội. Hơn nữa, các bị cáo có nhân thân tốt, đã khắc phục hậu quả. Sau khi phạm tội cả hai bị cáo đã hoàn lương thật sự. Đ. hiện nay là một giáo viên gương mẫu, có nhiều bằng khen của nhà trường trong hơn ba năm đi dạy. Bị cáo cũng được các đồng nghiệp nơi mình công tác viết đơn xin được hưởng án treo để tiếp tục đi dạy.

Còn với D. sau khi phạm tội cũng đã có nhiều thành tích trong công việc và nhận được nhiều giấy khen của thành đoàn trao tặng. D. hiện nay là bí thư xã đoàn, có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp nhiều việc tốt cho địa phương. “Các bị cáo phạm tội thì pháp luật phải trừng trị nghiêm nhưng chúng ta cần phải nhìn ra điểm tốt, những điều tích cực của người phạm tội để đánh giá họ. Bị cáo Đ. và bị cáo D. là những người hoàn lương tốt, biết sửa sai và sống tốt sau khi phạm sai lầm thì nên mở cho họ một con đường… Hơn 10 tháng tạm giam là quá đủ” - chủ tọa nói. Tòa bác kháng nghị của VKS và y án sơ thẩm.

Đ. kể sau khi được tại ngoại, nhận quyết định đi dạy, điều anh lo đầu tiên là các học trò của mình sẽ biết chuyện, khi đó hình ảnh người thầy mẫu mực, nghiêm khắc không còn nữa. “Nhưng điều tôi lo đã không xảy ra. Ban giám hiệu nhà trường gọi lên động viên, bảo có sai thì phải sửa, quan trọng mình sống và làm việc như thế nào để mọi người ghi nhận. Chỉ nhận được những lời động viên ấy thôi, tôi đã vui biết bao nhiêu”.

Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì bị phạt tù từ ba đến bảy năm.

(Theo Điều 95 BLHS sửa đổi, bổ sung 2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm