Thi hành án ‘cản địa’ tòa

Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh trường hợp của bà Vương Thị Lân (ngụ thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) ủy quyền cho người khác làm giấy tờ nhưng bị bán luôn cả đất. Sau đó dựa trên các kết luận của giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước về việc công chứng viên đã làm sai, bà Lân đã nộp đơn khởi kiện tại TAND tỉnh. Nhưng vụ việc tiếp tục phức tạp khi cơ quan thi hành án (THA) và tòa án bất đồng về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Yêu cầu công chứng bồi thường

Vụ việc được tóm lược như sau: Năm 2012, mẹ con bà Lân ủy quyền cho ông Phan Hoài Trung làm giấy tờ nhà đất tại phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài. Nhưng ông Trung đã vượt phạm vi ủy quyền bán đất cho ông Nguyễn Đức Toàn. Việc mua bán này được công chứng, sau đó hoàn tất thủ tục cấp giấy đỏ sang tên mới. Sau đó, ông Toàn lại ra công chứng làm hợp đồng tặng cho nhà đất cho bà Lê Thị Chiên (em dâu ông Trung). Bà Lân tố cáo sự việc, Sở Tư pháp tỉnh tổ chức thanh tra sự việc và xác định công chứng viên đã thực hiện việc công chứng sai quy định, cần phải hủy các hợp đồng chuyển nhượng nói trên.

Trên cơ sở này, bà Lân khởi kiện yêu cầu tòa hủy các hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho nhà đất giữa ông Trung, ông Toàn và bà Chiên. Bà Lân cũng yêu cầu tòa tuyên buộc Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bình Phước là nơi công chứng các hợp đồng trên phải bồi thường cho mình 1 tỉ đồng.

Tháng 4 vừa qua, TAND tỉnh Bình Phước đã thụ lý vụ án. Hai tháng sau bà Lân yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu cấm chuyển dịch quyền tài sản đối với nhà đất đang tranh chấp, kê biên tài sản để chờ đến khi giải quyết vụ án xong.

Ngày 7-7, TAND tỉnh chấp nhận yêu cầu này và ra quyết định cấm bà Chiên chuyển dịch tài sản đồng thời kê biên đến khi có bản án, quyết định của tòa có hiệu lực. Đồng thời tòa cũng buộc bà Chiên và những người thuê lại nhà đất đang tranh chấp, phải tạm thời giao cho phía bà Lân quản lý, sử dụng…

Bà Vương Thị Lân, nguyên đơn trong vụ kiện. Ảnh: HY

Bất đồng quan điểm

Thế nhưng ba ngày sau, Cục THA tỉnh Bình Phước có công văn gửi TAND cùng cấp cho rằng từ tháng 5-2015 TAND thị xã Đồng Xoài đã có bản án có hiệu lực liên quan đến tranh chấp này. Tháng 3-2016, Cục THA tỉnh đã rút hồ sơ vụ việc lên và hiện nay đang trong quá trình THA, đề nghị tòa tỉnh đình chỉ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã ban hành.

Đáp lại, chánh án TAND tỉnh đã có công văn trả lời rằng không đồng ý với ý kiến của Cục THA và đề nghị cơ quan hợp tác để thi hành quyết định ngăn chặn mà tòa đã ban hành. TAND tỉnh phân tích bản án của TAND thị xã là quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự về việc thi hành khoản nợ. Quan hệ tranh chấp đã được giải quyết bằng quyết định thỏa thuận trên không phải là quan hệ tranh chấp mà TAND tỉnh đang thụ lý giải quyết trong vụ án này.

Đồng thời công văn của TAND tỉnh cũng nhấn mạnh Cục THA phải chờ tòa giải quyết các tranh chấp trong vụ này bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực thì mới được thi hành tiếp quyết định đã có hiệu lực của tòa khác. Bởi vì nếu yêu cầu khởi kiện của bà Lân được chấp nhận thì tòa sẽ tuyên hủy các hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho nhà đất và xử lý hậu quả pháp lý khác. Khi đó THA mới có quyền kê biên nhà đất để thi hành các khoản nợ theo quyết định của TAND thị xã Đồng Xoài.

Ngoài ra, trước khi ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời TAND tỉnh đã xác minh hiện trạng nhà đất tranh chấp và thấy bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng. Để tài sản này không bị bà Chiên dịch chuyển, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án và hạn chế việc tài sản tiếp tục bị hư hỏng xuống cấp, tòa ra quyết định trên. Tòa khẳng định quyết định của mình là đúng nên việc Cục THA đề nghị hủy bỏ quyết định này là không có căn cứ chấp nhận.

Thi hành án không có quyền có ý kiến

Theo Điều 140 BLTTDS 2015, cơ quan THA không thể có ý kiến như khiếu nại, kiến nghị về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án.

Theo đó, chỉ đương sự mới có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị với chánh án tòa án đang giải quyết vụ án về quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc việc thẩm phán không quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thời hạn khiếu nại, kiến nghị là ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc trả lời của thẩm phán về việc không ra quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Luật sư ĐỖ ĐỨC PHƯỢNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm