Thiếu úy Lữ Anh Dồi xứng đáng là liệt sĩ

Sự kiện Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo yêu cầu các cơ quan liên quan sớm xem xét công nhận liệt sĩ cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Những người liên quan và biết sự việc từ nhiều năm trước đều cho rằng ông Lữ Anh Dồi xứng đáng được công nhận là liệt sĩ. Việc Chính phủ quan tâm, theo sát diễn biến để chỉ đạo kịp thời nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc là đúng đắn và rất cần thiết.

Giải oan mới chỉ là phần ngọn

Tôi biết vụ án này khi tìm hiểu tư liệu nói về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Sau đó tôi đã gặp bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Dồi) để tìm hiểu, chia sẻ với chị về quãng thời gian kiên trì theo đuổi việc đề nghị truy phong liệt sĩ cho chồng. Ông Dồi được giải oan thì mới chỉ là phần ngọn, cái gốc vấn đề là giải quyết chế độ, chính sách cho ông. Tôi là cựu chiến binh, lời thề thứ hai trong 10 lời thề danh dự của quân nhân ghi: “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì đều tận tâm, tận lực thi hành nhanh chóng và chính xác”. Ông Dồi khi được cấp trên phân công và chỉ đạo công việc đã tuyệt đối tuân thủ và không biết mình bị cài bẫy và bị giết hại. Vậy nên anh Dồi đã hy sinh khi đang tuân thủ theo nhiệm vụ được phân công.

Việc Thủ tướng Chính phủ lắng nghe và nắm thông tin nhiều chiều để chỉ đạo vụ việc là kịp thời. Tôi thống nhất cao và đề nghị Nhà nước sớm công nhận liệt sĩ cho ông Dồi vì ông xứng đáng được như vậy. Tôi mong mỏi sự chỉ đạo và giải quyết một cách quyết liệt để có kết quả tốt.

Ông PHẠM TRUNG LUYẾN, cựu chiến binh Sư 331, Quân khu 5

Đáng ra phải làm từ lâu rồi!

Vụ án Lữ Anh Dồi đã trôi qua gần 30 năm nhưng với tôi thì không thể nào quên. Ngày đó chúng tôi thực thi công vụ xét xử kẻ chủ mưu nhưng theo luật chỉ xem xét phần trách nhiệm hình sự. Kẻ thủ ác đã phải cúi đầu nhận tội, ông Lữ Anh Dồi làm việc ngay đã được minh oan. Còn phần dân sự và chế độ, chính sách thì không xem xét được vì pháp luật thời đó là thế. Việc phục hồi chính trị và công nhận ông Dồi là liệt sĩ đáng lẽ phải làm từ lâu rồi, đâu phải chờ tới bây giờ.

Người thiệt thòi nhất là bà Mai, nhiều lần phải lâm vào tuyệt vọng sau những năm ròng rã đấu tranh cho chồng. Yêu cầu truy tặng liệt sĩ nếu không được giải quyết thì quá thiệt thòi cho bản thân ông Dồi và thân nhân. Chẳng hạn thời điểm đó nếu ông Dồi có tổ chức vượt biên thật thì cũng không đến nỗi bị bắn chết. Đằng này ông đã được minh oan, không có lý do gì không truy phong ông là liệt sĩ.

Đại tá HỒ MINH TIẾN, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu 9, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm vụ sát hại ông Dồi

Bà Nguyễn Thị Mai gặp Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (ngồi giữa) ở Hà Nội vào tháng 7-2016 đề nghị công nhận liệt sĩ cho chồng. Ảnh: CTV

Lữ Anh Dồi xứng đáng là liệt sĩ

Lữ Anh Dồi là một người sống rất tử tế, có kỷ luật và có lý tưởng, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với anh em, đồng chí, đồng đội, Dồi khiêm nhường, đùm bọc. Chính vì vậy mà chúng tôi đã đưa cậu ấy lên làm chính trị viên phó Đại đội 1 khi còn khá trẻ.

Về sự hy sinh của Lữ Anh Dồi, tôi khẳng định cậu ấy xứng đáng được công nhận là liệt sĩ. Thời đó có một số thông tin không được công khai nhưng ai cũng biết. Đó là trước khi vụ án xảy ra, Lữ Anh Dồi có tâm sự với ông Tư Dân (nguyên Chánh văn phòng Ủy ban tỉnh Minh Hải cũ) về chuyện có nhóm tổ chức vượt biên. Lúc ấy ông Tư Dân có báo cáo lại với lãnh đạo tỉnh nên mới có chuyện Nguyễn Ngọc chỉ đạo Thái Văn Hùng thủ tiêu cậu ấy nhằm bịt đầu mối. Sự thật này từng được ông Phạm Văn Tri (nguyên Quyền Tổng Biên tập báo Minh Hải) xác nhận kể lại. Chính vì Lữ Anh Dồi biết những việc làm sai trái của Nguyễn Ngọc và báo với lãnh đạo tỉnh nên cậu ấy mới bị hy sinh. Tôi biết tính Lữ Anh Dồi thẳng thắn, trung thực nên sẽ không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp với cái xấu.

Đại tá LÊ TRUNG TÍNH (Tám Tính), nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ đội quân sự tỉnh Cà Mau

Ông ấy đã hy sinh vì nhiệm vụ

Tôi là một trong hai phóng viên trực tiếp viết về vụ án Lữ Anh Dồi của báo Minh Hải cũ từ những ngày đầu. Chúng tôi vào cuộc khi tòa soạn nhận được đơn kêu oan của bà Mai.

Có lẽ vì nhiều lý do tế nhị nên tại thời điểm ấy, tòa án các cấp đã không làm rõ động cơ giết người của Nguyễn Ngọc và thuộc cấp. Sự thật phơi bày tại tòa án chỉ là việc Nguyễn Ngọc chỉ đạo Thái Văn Hùng bắn ông Lữ Anh Dồi rồi làm báo cáo vu khống ông Dồi phản quốc. Tuy nhiên, trong dư luận quần chúng lúc đó ai cũng biết ông Dồi bị giết vì động cơ diệt khẩu. Đó là hậu quả của tính trung thực, không thể thỏa hiệp với việc đưa người vượt biên nên đã báo cáo cấp trên nhằm ngăn chặn hành vi của Nguyễn Ngọc. Để bảo vệ bí mật những việc làm sai trái của mình, Ngọc đã thủ tiêu ông. Và như vậy bản chất cái chết của ông Dồi được làm sáng tỏ, hy sinh vì nhiệm vụ và sự trong sáng. Tôi không hiểu vì lý do gì cơ quan chức năng mãi chần chừ xác nhận ông là liệt sĩ.

Nhà báo DƯƠNG THANH LONG, nguyên phóng viên báo Minh Hải

Tôi mong muốn sự công bằng

Tôi vô cùng phấn khởi khi biết tin Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phải sớm họp liên ngành để giải quyết theo hướng công nhận ông Dồi là liệt sĩ. Có khi mất thông tin về vụ việc cả chục năm nhưng lúc nào tôi cũng đau đáu một mong muốn ông Dồi được khôi phục danh dự, phục hồi chế độ chính trị, công nhận là liệt sĩ.

Thời điểm đó tôi là phó phòng Thời sự Đài Truyền hình Cần Thơ. Vì đây là vụ án thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận nên đài đã cử tôi cùng hai êkíp về Cà Mau tác nghiệp. Chất liệu chính của cuốn sách tôi viết là toàn bộ diễn biến phiên xử của Tòa án Quân sự khu vực 9 ngày 12-8-1988. Trước phiên tòa thì dư luận về bản chất của vụ án là ông Dồi bị cài bẫy đã được chúng tôi đặc biệt chú ý. Cuối cùng các phiên tòa đã minh oan cho cái chết của ông, sự thật được phơi bày. Vì vậy, theo tôi việc công nhận ông Dồi là liệt sĩ là thể hiện sự công bằng.

Hình ảnh bà Mai hàng chục năm kiên trì kêu oan và đòi danh dự cho chồng khiến tôi nể phục và thôi thúc tôi viết sách. Khi ông Dồi bị cho là phản động và bị giết, bà phải bỏ học tại Trường Trung học Sư phạm Bạc Liêu, em trai của ông Dồi bị sa thải khỏi ngành công an. Nhưng bà vẫn đứng vững, kiên trì đấu tranh minh oan cho chồng.

Nhà báo NGÔ HOÀNG GIANG, tác giả cuốn sách Ai giết Lữ Anh Dồi?

Hai căn cứ bác việc công nhận liệt sĩ đều không ổn

Trong vụ này Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau đưa ra hai căn cứ để bác hồ sơ xét công nhận liệt sĩ cho ông Dồi nhưng đều không thuyết phục.

Thứ nhất là ông Dồi không thuộc trường hợp nào theo Nghị định 31/2013 của Chính phủ (quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng). Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM), ông Dồi thuộc một trong các trường hợp đủ điều kiện để xác nhận liệt sĩ tại Điều 17 Nghị định 31/2013 của Chính phủ. Cụ thể, điểm đ và điểm e khoản 1 điều luật này quy định: Người hy sinh khi dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh hoặc dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân thì được công nhận là liệt sĩ. Vì đã dũng cảm đứng ra ngăn cản việc tổ chức vượt biên trái phép của Nguyễn Ngọc và đồng phạm mà ông Dồi hy sinh. Như vậy, việc làm của ông là dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh. Chưa kể trước đó chính bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh cũng đồng ý công nhận ông Dồi là liệt sĩ trong cuộc họp liên ngành với sự thống nhất của nhiều cơ quan trong tỉnh.

Thứ hai, căn cứ vào câu văn trong bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án Quân sự cấp cao năm 1989: “Trong thời gian này, Dồi có khuyết điểm trong sinh hoạt và chính Dồi cũng đi làm nhiệm vụ trung gian móc nối số người vượt biên để liên hệ với Thái Văn Hùng với sự chỉ huy, chỉ đạo của Nguyễn Ngọc”. Nhưng như đã phân tích khi so sánh với bản án gốc thì thấy câu văn này đã được trích không hết ý, bị “bẻ” đi vế cuối rất quan trọng. Nội dung đầy đủ là: “Trong thời gian này… chỉ đạo của Nguyễn Ngọc và đây là một việc làm của Công an Minh Hải lúc bấy giờ. Chính số người vượt biên cũng tin vào Hùng là người tổ chức đi vượt biên với họ. Còn Lữ Anh Dồi là trung gian móc nối và bị đưa vào bẫy mà Dồi không hề biết”.

Cả đoạn này nhằm phân tích việc Nguyễn Ngọc gài bẫy ông Dồi, sau đó sắp đặt để vu khống ông phản bội Tổ quốc. Như vậy, bản án có hiệu lực của tòa đã làm rõ một điều là Ngọc dựng lên kịch bản để gài bẫy và chỉ đạo cấp dưới sát hại ông Lữ Anh Dồi.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.