Thua kiện vì chỉ dựa vào công văn, báo cáo

Mới đây, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm, tuyên hủy Quyết định số 2074 ngày 5-5-2015 của chủ tịch UBND TP.HCM liên quan đến phần đất thuộc quyền sử dụng của ông Quách Tài (ngụ quận 6).

Bị “cắt đất” giao cho người khác

Theo đơn khởi kiện của ông Tài, năm 1997, ông thuê 1.242 m2 đất của UBND TP để xây dựng nhà kho, thời hạn thuê là 50 năm. Sau hai tháng thuê đất, ông được UBND TP cấp giấy đỏ phần diện tích trên.

Đến ngày 5-5-2015, chủ tịch UBND TP ra Quyết định số 2074 thu hồi, hủy bỏ giấy đỏ đã cấp cho ông Tài, điều chỉnh diện tích đất cho ông Tài tiếp tục thuê còn 1.202 m2 rồi công nhận cho bà KLN được sử dụng phần đất 39,1 m2 cắt ra từ mảnh đất cũ của ông Tài.

Không đồng tình, ông Tài khiếu nại, sau đó khởi kiện yêu cầu TAND TP hủy Quyết định số 2074 của chủ tịch UBND TP. Bởi theo ông, căn cứ vào Luật Đất đai năm 2013 thì trường hợp của ông không thuộc diện phải thu hồi đất hoặc đính chính. Vì vậy, quyết định này đã khiến cho ông bị thiệt hại.

Trái luật, lấn thẩm quyền của tòa

Tại phiên xử sơ thẩm của TAND TP, luật sư của ông Tài đã hỏi đại diện của chủ tịch UBND TP là căn cứ nào ra quyết định hủy bỏ, thu hồi phần đất 39,1 m2 nói trên. Người đại diện trả lời là căn cứ vào công văn của Văn phòng Chính phủ, báo cáo kết quả của Thanh tra Chính phủ và kết luận đề nghị của Thanh tra Chính phủ...

Luật sư của ông Tài hỏi tiếp: Vậy căn cứ pháp luật nào được dùng để ra quyết định trên bởi quyết định phải dựa vào quy phạm pháp luật, còn căn cứ mà đại diện ủy ban trả lời chỉ là các văn bản áp dụng pháp luật? Người đại diện không có câu trả lời. Sau đó, khi luật sư của ông Tài hỏi về việc căn cứ mà ủy ban dựa vào trái với Luật Đất đai 2013, người đại diện cũng không trả lời được.

Theo luật sư của ông Tài, Luật Đất đai 2013 là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất, buộc mọi cơ quan, tổ chức và công dân phải tuân thủ, không ai có quyền làm trái. Còn công văn của Văn phòng Chính phủ và báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ là các văn bản áp dụng pháp luật. Theo Điều 106 Luật Đất đai 2013 thì trường hợp của ông Tài không thuộc diện phải thu hồi đất hoặc đính chính. Cạnh đó, việc ủy ban “cắt đất” của ông Tài giao cho bà N. là trái khoản 5 Điều 26 luật này.

Cạnh đó, luật sư cũng chỉ ra việc ủy ban quyết định “cắt đất” của ông Tài và giao cho bà N. là trái thẩm quyền. Cụ thể, khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định: Tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án giải quyết.

Đồng tình với lập luận của luật sư, HĐXX nhận định việc chủ tịch ủy ban ban hành Quyết định số 2074 là dựa vào công văn của Văn phòng Chính phủ và báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Nhưng các công văn và báo cáo này không phải là văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời có nội dung trái Luật Đất đai 2013. Từ đó, tòa đã tuyên hủy quyết định của chủ tịch ủy ban như đã nói.

Một vụ tương tự

Trước đây, Công ty Cổ phần Dầu khí Năng lượng Cần Thơ (CAPECO) khởi kiện yêu cầu tòa buộc chủ tịch UBND TP Cần Thơ thu hồi, hủy bỏ Công văn số 4109 ngày 29-8-2013. Theo CAPECO, việc UBND TP Cần Thơ tính lại giá thu tiền sử dụng đất đối với CAPECO theo công văn kết luận của Thanh tra Chính phủ là không có căn cứ.

Bị kiện, đại diện của chủ tịch UBND TP Cần Thơ trình bày việc chuyển nhượng đất của CAPECO đã gây thất thoát cho ngân sách. Thanh tra Chính phủ đã có văn bản yêu cầu xử lý vi phạm và thu hồi tiền chênh lệch khi chuyển nhượng. Do đó, việc chủ tịch ủy ban ban hành Công văn số 4109 là do công ty có sai phạm, đồng thời cũng nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên...

Xử sơ thẩm hồi tháng 1-2015, TAND TP Cần Thơ đã bác yêu cầu khởi kiện của CAPECO. CAPECO kháng cáo. Tháng 5-2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa án sơ thẩm, tuyên hủy Công văn số 4109 của chủ tịch ủy ban.

Theo tòa phúc thẩm, tuy CAPECO có lỗi là đã nhận đặt cọc chuyển nhượng cho công ty khác trước khi được phép chuyển sang hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng nhưng lỗi này Thanh tra Chính phủ đã kết luận, cơ quan chức năng đã xử lý, không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án này.

Còn về nội dung Công văn số 4109, tòa phúc thẩm đánh giá là trái với nguyên tắc công bằng trong điều chỉnh giá đất. Cụ thể, toàn bộ khu đất có nhiều dự án nhưng chỉ dự án kho bãi của CAPECO là bị buộc đóng tiền cao hơn những dự án khác. Phía người bị kiện lý giải rằng công văn được ban hành để xử lý kết quả sau thanh tra nên chỉ dự án của CAPECO bị xử lý là phù hợp kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, ý kiến này không được chấp nhận bởi lẽ với vai trò là cơ quan hành chính, ủy ban phải chủ động kiểm tra, ban hành các quyết định để khắc phục sai sót trong quá trình điều hành, quản lý. Nếu việc sửa sai chỉ giới hạn trong phạm vi kiến nghị của cơ quan thanh tra thì rất thụ động, không đảm bảo sự nghiêm minh và cũng không đảm bảo lẽ công bằng trong xã hội.

Điểm mới trong tố tụng hành chính

Theo Luật Tố tụng hành chính 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016), trong quá trình giải quyết án hành chính, tòa án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện. Tòa có quyền kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho tòa.

Tòa cũng có quyền kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật nếu phát hiện văn bản đó có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên... để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời tòa kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật bị kiến nghị để làm cơ sở cho tòa giải quyết vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...