Thừa phát lại: Trợ thủ đắc lực của dân

Theo bà Phan Thị Bình Thuận, hiệu quả từ các hoạt động của thừa phát lại (TPL) cho thấy đây là hướng đi đúng trong xã hội hóa hoạt động tư pháp, hoạt động thi hành án (THA) dân sự theo chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Mô hình TPL phù hợp, cần thiết cho xã hội và cho hoạt động tư pháp, được người dân ủng hộ...

Lập vi bằng đưa cả sang Trung Quốc làm chứng cứ

. Phóng viên: Thưa bà, một trong bốn mảng hoạt động của TPL là lập vi bằng. Qua năm năm thí điểm chế định TPL, bà đánh giá sao về hoạt động này?

+ Bà Phan Thị Bình Thuận: Việc thực hiện thí điểm chế định TPL ở TP.HCM đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân TP và dư luận xã hội. Trong bốn mảng hoạt động của TPL thì hoạt động lập vi bằng chiếm tỉ lệ lớn cả về số lượng vi bằng được lập lẫn doanh thu ngày càng tăng theo từng năm.

Cụ thể, đến nay các văn phòng TPL ở TP.HCM đã lập tổng cộng 32.527 vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, doanh thu đạt gần 40,3 tỉ đồng (chiếm hơn 50% tổng doanh thu). Yêu cầu lập vi bằng rất đa dạng về nội dung sự kiện, lĩnh vực, hành vi, cho thấy hoạt động lập vi bằng của TPL đã đi vào đời sống người dân. Người dân đã biết và sử dụng dịch vụ lập vi bằng của TPL để tạo lập chứng cứ với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra tranh chấp tại tòa cũng như khi thực hiện các giao dịch hợp pháp khác. Qua đó cũng cho thấy TPL hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng tốt nhu cầu này và ngày càng được người dân, tổ chức tin tưởng.

. Việc lập vi bằng đem lại giá trị thiết thực cho người dân ra sao, thưa bà?

+ Hoạt động lập vi bằng cung cấp được những chứng cứ xác thực, có độ tin cậy về tính khách quan cho hoạt động xét xử, góp phần quan trọng trong việc chứng minh yêu cầu của người khiếu kiện, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Chẳng hạn, vi bằng do TPL lập được đưa sang Trung Quốc làm chứng cứ, góp phần thành công trong vụ Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu - Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc hủy bỏ nhãn hiệu cà phê “Buon Ma Thuot Coffee” do một công ty tại Quảng Châu (Trung Quốc) đăng ký độc quyền tại nước này theo yêu cầu của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Hoặc theo thống kê của TAND TP.HCM, đã có nhiều vụ tòa án hai cấp sử dụng vi bằng trong xét xử. Hơn nữa, vi bằng do TPL lập còn góp phần giảm bớt tranh chấp, khiếu kiện phải đưa ra tòa do các bên đương sự có căn cứ pháp lý để chứng minh, bảo vệ quyền dân sự của mình, từ đó tự thỏa thuận giải quyết tranh chấp mà không cần khởi kiện.

. TPL tống đạt văn bản của tòa và cơ quan THA có giúp giảm tải công việc cho hai cơ quan này không?

+ Đến nay, các văn phòng TPL ở TP.HCM đã thực hiện tống đạt 501.156 văn bản của tòa, cơ quan THA với tổng chi phí tống đạt gần 34,8 tỉ đồng. Hoạt động tống đạt của TPL là công cụ hữu hiệu giúp giảm tải công việc, tiết kiệm thời gian, nhân lực để hai cơ quan trên tập trung vào công tác chuyên môn của mình là xét xử và THA. Sự gia tăng về số lượng văn bản tống đạt cho thấy khả năng của TPL trong việc thực hiện tống đạt. TPL đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu đặt ra trong công tác tống đạt, được tòa và cơ quan THA tin tưởng, tăng cường chuyển giao văn bản cho TPL tống đạt. Ngoài ra, từ hiệu quả của hoạt động này đã xuất hiện thêm nhu cầu từ người dân, doanh nghiệp, thậm chí từ các cơ quan hành chính trong việc nhờ TPL tống đạt các văn bản, thông báo mang tính chất dân sự, hành chính…


Nhân viên Văn phòng TPL quận Thủ Đức (TP.HCM) đang phối hợp với đại diện VKS làm việc với đương sự. Ảnh: T.TÙNG

Thuyết phục tự nguyện THA cao

. Thưa bà, hiệu quả trong việc xác minh điều kiện THA của TPL ra sao?

+ Các văn phòng TPL ở TP.HCM đã thực hiện 382 vụ xác minh điều kiện THA theo yêu cầu của đương sự. Nếu chỉ lấy con số này để đánh giá về tính phù hợp và hiệu quả của công việc là chưa phù hợp với thực tiễn vì hoạt động này còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhưng xét về khía cạnh hiệu quả thì TPL hoàn toàn có khả năng làm tốt việc tổ chức xác minh điều kiện THA (chỉ có hai trong tổng số 384 vụ việc yêu cầu xác minh là không xác minh được). Các vụ việc xác minh được của TPL đã hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người yêu cầu trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi THA.

. Còn công tác trực tiếp tổ chức THA của TPL, thưa bà?

+ Thời gian qua, các văn phòng TPL đã thụ lý 196 vụ việc THA theo yêu cầu của đương sự, trong đó có 146 vụ việc đã chấm dứt thi hành.

Xét về mặt tác động đối với xã hội, nếu chỉ tính đến số lượng vụ việc thụ lý và giá trị THA về tiền của các văn phòng TPL so với các chi cục THA dân sự trên cùng địa bàn quận, huyện để đánh giá về tính phù hợp và hiệu quả của công việc do TPL mang lại là chưa phù hợp với thực tiễn. Vì cơ bản, số lượng vụ việc khiêm tốn này có nguyên nhân từ công việc trực tiếp tổ chức THA của TPL đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh hiệu quả, trong tất cả 146 vụ việc chấm dứt THA, người phải THA đều đã thực hiện xong các nghĩa vụ THA. TPL thực hiện rất tốt việc giải thích, thuyết phục để người phải THA tự nguyện thi hành, hạn chế tối đa việc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA. Kết quả này cho thấy khả năng trực tiếp tổ chức THA của TPL và việc giao công tác này cho TPL là đúng đắn.

Số liệu một số hoạt động của TPL tại TP.HCM (giai đoạn từ năm 2010 đến tháng 6-2015). Nguồn: Sở Tư pháp TP.HCM.

Nên thực hiện chính thức

. Trong thời gian tới, có nên thực hiện chính thức chế định TPL hay không, thưa bà?

+ Với các kết quả đạt được trong thời gian thí điểm TPL đã khẳng định đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đồng thời có cơ sở để khẳng định sự tồn tại của chế định này là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp. Nhu cầu của xã hội đối với hoạt động TPL được khẳng định thông qua số lượng việc do TPL thực hiện cũng như doanh thu của các hoạt động này tăng đều hằng năm và TPL hoàn toàn có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu. Mặt khác, hiện có khoảng 80 nước tổ chức thực hiện chế định TPL nên việc thực hiện chính thức chế định này ở TP.HCM nói riêng và mở rộng trên cả nước nói chung là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Khi chế định này được Quốc hội cho phép thực hiện chính thức trên cả nước, theo tôi việc đầu tiên cần phải làm đó là hoàn thiện về thể chế TPL. Trong đó cần ban hành luật về TPL, quy tắc đạo đức hành nghề TPL để đảm bảo hiệu lực pháp lý đối với hoạt động TPL, đồng thời phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho TPL và tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa về chế định này.

. Xin cám ơn bà.

Tác động tích cực về nhiều mặt

Theo bà Thuận, đối với hoạt động tư pháp và liên quan, hoạt động trực tiếp tổ chức THA dân sự của TPL bên cạnh hệ thống cơ quan THA dân sự đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong công tác THA dân sự, tạo động lực to lớn để thúc đẩy các cơ quan THA đổi mới phương thức hoạt động nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Hoạt động tống đạt văn bản của TPL đã giảm tải đáng kể cho tòa và cơ quan THA; góp phần đảm bảo sự khách quan, công bằng trong quá trình giải quyết án. Ngoài ra, mô hình TPL còn giúp Nhà nước tiết kiệm được nhân lực, góp phần tinh giản bộ máy công quyền và về lâu dài sẽ tiết kiệm được ngân sách.

Đối với người dân, với sự hiện diện của các văn phòng TPL bên cạnh hệ thống cơ quan THA dân sự thì người dân đã có thể hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn cơ quan, tổ chức để THA một cách thích hợp và hiệu quả nhất. TPL bước đầu là trợ thủ đắc lực giúp người dân xác minh điều kiện THA của người phải THA, đồng thời trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa đã có hiệu lực pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm