Thuốc lá điếu nhập lậu không còn là hàng cấm?

Tại hội nghị triển khai công tác sáu tháng cuối năm 2016 do TAND Tối cao vừa tổ chức tại TP Đà Nẵng, đại diện một số tòa án địa phương cho biết hiện nay việc xét xử hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu đang gặp vướng mắc do các quy định chỏi nhau.

Quy định chỏi nhau, giải quyết án bế tắc

Thẩm phán Trần Hồng Hà (Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay tại Vĩnh Phúc đang tồn đọng ba vụ buôn bán pháo nổ, thuốc lá điếu nhập ngoại không có nguồn gốc bị VKS tỉnh truy tố về tội buôn bán hàng cấm (Điều 155 BLHS hiện hành) nhưng tòa vẫn chưa biết giải quyết ra sao.

Nguyên nhân là các nghị định của Chính phủ về Luật Thương mại 2005 quy định pháo nổ, thuốc lá điếu nhập ngoại không có nguồn gốc là hàng cấm. Ngược lại, Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) lại quy định pháo nổ, thuốc lá điếu nhập ngoại là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Với các loại hàng hóa này, hàng hóa vi phạm phải có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự. “Ba vụ án này đều đã quá thời hạn luật định nhưng chúng tôi chưa giải quyết được, vẫn chưa có lối thoát” - Thẩm phán Hà nói và đề nghị TAND Tối cao sớm có hướng dẫn cụ thể.

Theo Thẩm phán Hà, quan điểm của TAND tỉnh Vĩnh Phúc là phải áp dụng theo Luật Đầu tư 2014 (luật được ban hành sau - NV). Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình với Thẩm phán Hà, cho rằng nếu áp dụng theo Luật Đầu tư 2014 thì pháo nổ, thuốc lá điếu nhập ngoại không còn là mặt hàng cấm nữa. Vì thế, các vụ án hình sự dạng này phải tạm đình chỉ giải quyết; các bị can, bị cáo bị tạm giam phải được thả để chờ hướng dẫn cụ thể.

Liên quan đến việc xử lý hành vi mua bán, vận chuyển pháo nổ, thuốc lá điếu nhập ngoại, một thẩm phán khác cho biết TAND Tối cao có công văn hướng dẫn đối với các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, thuốc lá điếu qua biên giới, nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 153 (tội buôn lậu), Điều 154 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới) BLHS hiện hành thì phải xét xử kịp thời. Nhưng một vấn đề đặt ra là đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa đang khá phổ biến hiện nay thì lại chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể.

Công an đang thu giữ hàng ngàn bao thuốc lá không rõ nguồn gốc vận chuyển trong nội địa của một người vi phạm. Ảnh minh họa: TT

Nhiều vướng mắc khác

Bên cạnh đó, đại diện một số tòa án địa phương cũng nêu lên nhiều vướng mắc khác trong công tác xét xử án hình sự mà các tòa khi gặp phải đều lúng túng.

Chẳng hạn, trong vụ án lừa đảo có đồng phạm, tài sản chiếm đoạt đã bị các bị cáo đem bán để chia nhau tiêu xài hoặc tiêu xài chung. Trong quá trình điều tra, có một bị cáo đã bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị hại. Vậy khi ra tòa, số tiền mà các bị cáo khác chiếm hưởng thì tòa giải quyết như thế nào? Nếu bị cáo đã bồi thường yêu cầu các bị cáo khác hoàn trả lại cho mình thì tòa chấp nhận hay tuyên truy thu của các bị cáo khác để sung công? Nếu bị cáo đã bồi thường không yêu cầu các bị cáo khác hoàn trả thì sao? Trường hợp bị cáo đã bồi thường chưa yêu cầu giải quyết thì xử lý thế nào?

Hay như trong vụ án lừa đảo mua tài sản trả góp (điện thoại, xe máy…) theo dịch vụ cho vay của ngân hàng. Khi làm thủ tục mua trả góp, bị cáo đã nhận tài sản nhưng bị phát hiện, thu giữ tài sản (vật chứng). Quá trình điều tra, bị cáo đã hoàn trả cho ngân hàng đầy đủ số tiền vay. Vậy tòa phải xử lý vật chứng là tài sản thu giữ đó như thế nào?

Theo đại diện TAND Tối cao, tất cả vướng mắc, kiến nghị nói trên sẽ được TAND Tối cao tập hợp xem xét, sau đó sẽ có phản hồi, hướng dẫn cho các tòa cấp dưới thực hiện.

Hiệu lực hồi tố của BLHS 2015: Chưa rõ

Theo đại diện TAND tỉnh Nghệ An, khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016) quy định theo hướng các điều luật có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Nghị quyết 109/2015 của Quốc hội (về việc thi hành BLHS 2015) cũng quy định như thế. Vậy trong thực tế xét xử một tội cụ thể, điều luật quy định về tội đó theo BLHS 2015 nhẹ hơn BLHS hiện hành thì áp dụng như thế nào? Áp dụng điều luật của BLHS 2015 hay áp dụng điều luật của BLHS hiện hành?

Đại diện một tòa án khác lại thắc mắc: Trường hợp bị án đang chấp hành hình phạt, đang tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt vì hành vi đánh bạc dưới 5 triệu đồng (bản án xử theo BLHS hiện hành) thì có được miễn chấp hành hình phạt phần còn lại hoặc toàn bộ hình phạt theo Nghị quyết 109/2015 hay không? Nếu được miễn hình phạt, người đó trở về cộng đồng, xã hội lại có hành vi đánh bạc dưới 5 triệu đồng thì có phạm tội hay không?

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.