Tịch thu tiền, không thể tùy tiện

Theo quy định tại Điều 41 BLHS, việc tịch thu, sung quỹ nhà nước được áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành. Chỉ trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp hoặc người quản lý hợp pháp đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép.

Xác định rõ tiền gì

Nếu tòa muốn tịch thu tiền của bất cứ ai trong một vụ án hình sự thì trước hết phải xác định tiền đó có phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội hay do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có hay không.

Nếu tiền đó là phương tiện dùng vào việc phạm tội thì đó là tiền dùng vào việc phạm tội gì. Ví dụ, tiền đưa hối lộ, tiền thuê người khác phạm tội, tiền dùng vào việc đánh bạc… Còn nếu tòa không xác định tiền đó đã được dùng vào việc “phạm tội cụ thể nào” mà cứ nói chung chung là tiền “phi pháp”, sử dụng cho mục đích “không chính đáng” rồi tịch thu là không đúng pháp luật.

Nếu là tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có, tức là mua bán, đổi chác công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội thì tòa cũng phải xác định những “thứ ấy” là thứ gì.

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, có trường hợp trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người bị lừa không phải là người bị hại trong vụ án vì tài sản hoặc tiền bị chiếm đoạt là tiền thuộc sở hữu của người khác chứ không phải của người bị lừa. Ví dụ, một người vừa vào nhà người khác trộm được một số tài sản, khi đem bán số tài sản đó lại bị người khác lừa lấy hết thì người bị lừa không phải là người bị hại trong vụ án vì tài sản không thuộc sở hữu hợp pháp của họ. Tòa án chỉ xác định người bị lừa là người bị hại trong vụ án khi và chỉ khi tài sản bị chiếm đoạt thuộc sở hữu hợp pháp của người bị lừa. Trước nay, nhiều tòa án cứ xác định ai bị lừa thì người đó là người bị hại trong vụ án là không đúng. Người bị lừa và người bị hại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Người bị hại thì bao giờ cũng là người bị lừa nhưng người bị lừa chưa chắc đã là người bị hại trong vụ án.

Hai bị cáo Luật, Niệm (từ trái qua) tại phiên tòa phúc thẩm ngày 20-1 của TAND TP Cần Thơ. Ảnh: N.NAM

Hai tình huống

Trở lại vụ án báo nêu, cần phân biệt rõ hai tình huống sau:

Nếu đúng như tòa hai cấp sơ, phúc thẩm nhận định các giao kết giữa các bị cáo Bùi Trọng Luật, Trần Chí Niệm với hai ông Nguyễn Trúc Lâm, Nguyễn Trường Giang không đúng pháp luật, có tính chất lo lót để chạy việc không chính đáng. Bản thân các anh (người có yêu cầu xin việc) không đảm bảo các tiêu chuẩn để được xét tuyển… thì việc các tòa tịch thu sung quỹ là có căn cứ. Nhưng trong trường hợp này, tòa không được xác định hai ông Lâm và Giang là người bị hại trong vụ án mà phải xác định họ là người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Cần nhớ rằng không phải vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản nào cũng nhất thiết phải có người bị hại, điều quan trọng là phải xác định các bị cáo lừa của ai, người bị lừa là người như thế nào, tài sản của họ có được pháp luật bảo vệ hay không.

Nếu tòa hai cấp sơ, phúc thẩm đã xác định hành vi của Luật, Niệm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và xác định hai ông Lâm và Giang là người bị hại trong vụ án thì tức là đã thừa nhận tài sản của hai ông không phải là công cụ, phương tiện phạm tội. Do vậy, tòa không nên tịch thu mà phải trả lại cho họ.

Một điều cần lưu ý là hiện nay nhu cầu xin việc đang là vấn đề xã hội rất quan tâm. Thực tế có nhiều trường hợp chỉ vì muốn vào làm việc ở một cơ quan, một công ty nào đó mà phải bỏ không ít tiền ra để “chạy” một chỗ làm. Nếu hai ông Lâm, Giang thật sự có nhu cầu xin việc và hoàn toàn không biết mình bị lừa, tin rằng Luật và Niệm có khả năng xin được việc cho mình thì họ bỏ tiền xin việc như thế cũng là chuyện bình thường. Tòa không nên tịch thu sung quỹ nhà nước mà nên trả lại cho họ.

Ngược lại, nếu ngay từ đầu hai ông Lâm, Giang biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật nhưng vẫn đưa tiền cho bị cáo thì hành vi của các anh đúng là đã tiếp tay cho “cò” chạy việc. Về mặt pháp lý, hành vi đó có dấu hiệu của tội đưa hối lộ. Đây là dấu hiệu rất quan trọng để xác định số tiền hai ông Lâm, Giang có phải là công cụ, phương tiện phạm tội hay không, để từ đó có quyết định tịch thu hay không.

Nội dung vụ án

Tháng 9-2012, Luật tải lên mạng Internet với nội dung ai có nhu cầu xin việc làm thì liên hệ số điện thoại của Luật. Sau đó, người có nhu cầu xin việc liên hệ với Luật gửi hồ sơ xin việc (giá mỗi bộ từ 10 triệu đồng đến 60 triệu đồng). Sau khi nhận hồ sơ và tiền “cọc”, Luật lên mạng tải mẫu quyết định của các công ty, cơ quan về máy tính chỉnh sửa nội dung, in ra, dùng viết đỏ đồ lên hình dấu mộc rồi phôtô gửi lại cho những người nhờ xin việc.

Trong vụ án, Trần Chí Niệm là đồng phạm với Luật. Nguyễn Trường Giang ngoài xin việc cho mình đã giới thiệu cho Luật nhiều hồ sơ khác. Nguyễn Trúc Lâm ngoài xin việc cho vợ cũng giới thiệu cho Luật nhiều hồ sơ khác. Tổng cộng Luật đã nhận 29 bộ hồ sơ, lừa hơn 300 triệu đồng tiền “cọc”.

Các cơ quan tố tụng quận Ninh Kiều xác định hai ông Lâm, Giang là người bị hại. Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2014, TAND quận này đã phạt Luật tổng cộng tám năm tù về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Niệm một năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, tòa còn buộc Niệm nộp lại gần 270 triệu đồng sung quỹ nhà nước vì cho rằng số tiền này do bị cáo và hai ông Lâm, Giang giao dịch trái pháp luật. Sau đó, hai ông Lâm, Giang kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm trả lại số tiền trên cho họ.

Ngày 20-1, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của hai ông Lâm và Giang. Theo tòa, giao kết giữa các bị cáo với bị hại không đúng pháp luật, có tính chất lo lót chạy việc không chính đáng. Bản thân người có yêu cầu xin việc không đảm bảo các tiêu chuẩn để được xét tuyển nên làm ảnh hưởng xấu các cơ quan nhà nước, việc tịch thu số tiền giao dịch là có căn cứ…

Lẽ ra phải hủy án sơ thẩm

Theo tòa phúc thẩm, cấp sơ thẩm có thiếu sót khi xác định sai tư cách người tham gia tố tụng: ông Giang vừa là người bị hại vừa là người liên quan; ông Lâm chỉ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quá trình điều tra không lấy lời khai đầy đủ của những người xin việc và khi xét xử, tòa sơ thẩm cũng không triệu tập họ lên lấy lời khai về việc được hai ông Lâm, Giang trả tiền. Hai ông Lâm, Giang khai đã trả lại tiền cho những người xin việc nhưng không có cơ sở chứng minh… Tuy nhiên, do không có kháng cáo, kháng nghị nên tòa phúc thẩm không thể xem xét mà chỉ có thể kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trong trường hợp này, tòa phúc thẩm hoàn toàn có quyền hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại theo quy định tại Điều 250 BLTTHS vì có kháng cáo của hai ông Giang và Lâm xin lại số tiền bị tịch thu chứ không cần kiến nghị cấp giám đốc thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm