Tiêu hủy hay tái sử dụng hơn 15.000 áo thun giả?

HĐXX đồng tình với VKS là hai bị cáo sản xuất số lượng lớn áo thun giả trên rồi mới chuyển đến huyện Bình Chánh tiêu thụ. Nhưng tòa sơ thẩm chỉ xử lý hành vi buôn bán, để lọt hành vi sản xuất, chưa kể sản xuất thế nào, tiêu thụ ra sao...

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, tháng 7-2010, Nguyễn Ngọc Hân (chồng Phượng) lập Công ty TNHH May Hân Hạnh để may gia công tại phường 12 (quận Gò Vấp). Từ tháng 5-2012, vợ chồng Phượng thuê người may áo thun giả nhãn hiệu Lacoste. Bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) quận Gò Vấp lập biên bản về hàng hóa có dấu hiệu giả nhãn hiệu Lacoste (đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam), Phượng và Hân bán hết thiết bị máy móc, ngừng hoạt động. Sau đó hai vợ chồng chuyển hết số áo thun giả về một căn nhà không số thuê tại xã Vĩnh Lộc (Bình Chánh) để cất giấu nhằm bán ra thị trường thu hồi vốn. Ngày 20-12-2012, Hân thuê xe tải vận chuyển số áo thun này để Phượng đem bán. Khi đang chất hàng lên xe thì bị Đội QLTT huyện Bình Chánh kiểm tra, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng gồm hơn 15.000 áo thun nam nữ giả nhãn hiệu Lacoste. Tổng giá trị hàng giả theo định giá tương đương với hàng thật là gần 2,5 tỉ đồng.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Bình Chánh đã phạt Phượng bảy năm tù, Hân năm năm tù về tội buôn bán hàng giả, đồng thời phạt bổ sung các bị cáo từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Vì hủy bản án trên để điều tra lại nên TAND TP.HCM cũng chưa xem xét đến một nội dung kháng nghị khác của VKS về việc xử lý vật chứng: Án sơ thẩm áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 76 BLTTHS tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số áo thun giả nhãn hiệu Lacoste bởi cho rằng chúng không có giá trị hoặc không sử dụng được. Tuy nhiên, theo VKS, số áo thun trên là hàng hóa có giá trị sử dụng, phần dán nhãn hiệu Lacoste có thể tháo bỏ, không ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa nên không thể tịch thu tiêu hủy mà có thể tái sử dụng.

Đại diện Lacoste không đồng tình với VKS, cho rằng đã là hàng giả thì buộc phải tịch thu, tiêu hủy như hàng loạt phán quyết của các tòa trong các vụ án mà công ty tham gia tại Việt Nam từ năm 2009. Đây là hàng giả, ảnh hưởng đến uy tín một thương hiệu lớn đã bỏ nhiều công sức gầy dựng, không thể chỉ nói đơn giản là loại bỏ nhãn hiệu gắn trên áo rồi tiếp tục tái sử dụng. Điều này cũng không đúng với thông lệ trên thế giới.

Về mặt pháp lý, một thẩm phán cho biết điểm đ khoản 2 Điều 76 BLTTHS quy định “vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy”. Hiện nay do chưa có hướng dẫn thế nào là “vật chứng không có giá trị hoặc giá trị sử dụng không đáng kể” nên cách hiểu và áp dụng còn chưa thống nhất, tùy đánh giá của từng cơ quan tố tụng. Mặt khác, hiện có khá nhiều văn bản của Nhà nước quy định về xử lý hàng hóa bị làm giả, có văn bản nói phải “tịch thu, tiêu hủy”, có văn bản thì chỉ yêu cầu “loại bỏ yếu tố vi phạm”... Đây cũng là một tình huống mà các cơ quan tố tụng trung ương cần lưu ý để có hướng dẫn kịp thời.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm