Tòa án Tối cao họp báo: 'Ông Trần Văn Vót không oan'

Ngày 19-10, TAND Tối cao đã họp báo công bố kết quả xác minh vụ án Trần Văn Vót bị kết án về các tội giết người, vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, tàng trữ vũ khí trái phép, gây rối trật tự công cộng ở Nam Hà (cũ).
Theo TAND Tối cao, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương đã kết luận “các căn cứ mà tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm áp dụng để kết tội Trần Văn Vót và Trần Văn Thanh về tội giết người là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan”.
Trước khi có kết luận này, tổ chuyên viên liên ngành đã nghiên cứu các tài liệu của hồ sơ vụ án; nghiên cứu những vấn đề kiến nghị của GS-TS Nguyễn Lân Dũng, nội dung các đơn khiếu nại do các ĐBQH Trần Quốc Khánh và Phùng Đức Tiến chuyển, khiếu nại của người đại diện hợp pháp của người bị hại, những nội dung mà các cơ quan báo chí đăng tải…
Tổ liên ngành cũng trực tiếp quan sát hiện trường; làm việc với những cán bộ có mặt tại hiện trường lúc lựu đạn nổ và cán bộ trực tiếp điều tra vụ án; làm việc với những người được phỏng vấn cung cấp thông tin trên báo đài…; làm việc với các lãnh đạo của Trung đoàn 139 Bộ Tư lệnh thông tin, với ông Trần Văn Vót, Trần Ngọc Thanh…

Nghi án ông Trần Văn Vót bị 23 năm tù oan - ảnh 1

Ông Trần Văn Vót đang trò chuyện với con gái Trần Thị Chi. (Ảnh do gia đình ông Vót cung cấp)

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, 24 năm trước Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Nhân Phúc được thành lập trên cơ sở hợp nhất HTX Thanh Nga và HTX Nhân Phúc. Sau đó, nội bộ ban quản lý HTX phát sinh mâu thuẫn, một số xã viên có nguyện vọng tách HTX ra thành hai như trước. Tuy nhiên, sau khi tách ra làm hai HTX, người dân hai miền (xóm) Thanh Nga và Nhân Phúc không đồng tình về việc phân chia đất, do đó tranh chấp thường xuyên xảy ra, đỉnh điểm là vụ xô xát vào ngày 29-11-1992.
Khi xảy ra xô xát, có người ném lựu đạn vào đám đông khiến một người chết và 21 người bị thương.
Nạn nhân tử vong là anh Trần Hoa Việt, người dân miền Nhân Phúc, con cụ Trần Văn Điền, người sau này kiên trì kêu oan cho ông Trần Văn Vót và ông Trần Ngọc Thanh.
Sau khi vụ án xảy ra, Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Cự (người dân miền Thanh Nga) về tội giết người và tàng trữ vũ khí trái phép. Do ông này bỏ trốn, công an đã phát lệnh truy nã toàn quốc.
Ba tháng sau đó, ông Trần Ngọc Thanh (42 tuổi, người dân miền Nhân Phúc, đang đi nghĩa vụ quân sự) bị bắt tại E139 Bộ Tư lệnh Thông tin và được di lý về Công an tỉnh Hà Nam để điều tra về hành vi giết người trong vụ án nói trên.
Tại CQĐT, ông Thanh đã khai ông Trần Văn Vót (67 tuổi, trú cùng thôn) là người đưa lựu đạn cho mình để ném vào đám đông. Hai tháng sau đó, ông Trần Văn Vót bị bắt.
Tháng 2-1994, TAND tỉnh Hà Nam xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông Trần Văn Vót tù chung thân về bốn tội: Giết người, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội, tàng trữ vũ khí trái phép và gây rối trật tự công cộng.
Ông Trần Ngọc Thanh bị phạt 15 năm tù về tội giết người. Cùng với đó là 26 bị cáo khác phải lãnh án về các tội khai báo gian dối, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ...
Các phiên tòa sau đó, ông Vót và ông Thanh đều kháng cáo, kêu oan. Đặc biệt cụ Trần Văn Điền, bố đẻ của nạn nhân Trần Hoa Việt, cũng kiên trì kêu oan cho hai ông Vót và Thanh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm