Án phí phần cấp dưỡng: Đóng hay không?

Sau thời gian dài sống không hạnh phúc, vừa qua, chị Q. nộp đơn ra tòa xin ly hôn và đòi quyền nuôi con. Sau đó, TAND một quận ở TP.HCM quyết định cho hai bên chia tay và buộc chồng chị Q. phải cấp dưỡng nuôi con một lần là 200 triệu đồng. Tòa không buộc người chồng phải chịu án phí về phần cấp dưỡng này.

VKS cùng cấp cho rằng tòa phải tính án phí liên quan đến phần cấp dưỡng nên vừa kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại...

Hiểu chưa đúng?

Trao đổi về việc này, thẩm phán thụ lý vụ án ở cấp sơ thẩm cho biết khoản 10 Điều 27 Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án quy định: Người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của tòa án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch. Nhưng khoản 9 của điều luật lại thể hiện: Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp. Quy định trên được hiểu các loại án phí trong vụ án hôn nhân và gia đình chỉ bao gồm án phí ly hôn và án phí chia tài sản. Thế nên khoản 10 Điều 27 chỉ áp dụng trong trường hợp có vụ án riêng về cấp dưỡng và người bị yêu cầu thua kiện mới phải chịu án phí. Còn trong trường hợp giải quyết cấp dưỡng cùng trong cùng vụ án ly hôn thì đương sự không phải chịu án phí...

Án phí phần cấp dưỡng: Đóng hay không? ảnh 1

Ngược lại quan điểm của VKS cùng cấp thì cho rằng không thể nói khoản 10 Điều 27 chỉ áp dụng cho vụ án riêng biệt về cấp dưỡng. Điều luật này không chỉ rõ nghĩa vụ chịu án phí của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nên phải được hiểu chung là áp dụng cho cả hai trường hợp (vụ án ly hôn giải quyết cả việc cấp dưỡng và vụ án riêng biệt về tranh chấp cấp dưỡng). Ngoài ra, cũng không có quy định nào cho rằng án phí trong vụ án hôn nhân và gia đình chỉ bao gồm án phí ly hôn và án phí chia tài sản chung của vợ chồng. Tòa hiểu như trên là máy móc.

Cần hướng dẫn thống nhất

Luật sư Phan Thanh Sơn (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) nêu quan điểm cấp dưỡng của cha hoặc mẹ đối với con cái sau khi ly hôn vừa là quyền vừa là nghĩa vụ. Họ có thể thực hiện việc này theo định kỳ hoặc một lần với số tiền lớn. Trong trường hợp cấp dưỡng một lần mà buộc họ phải đóng án phí sẽ không khuyến khích tinh thần trách nhiệm của người cha, người mẹ nữa.

“Yêu cầu cấp dưỡng là một quan hệ pháp luật đặc biệt, khác với các quan hệ về tài sản thông thường nên nếu có tranh chấp trong vụ án hôn nhân thì phải được xem thuộc trường hợp vụ án không có giá ngạch để tính án phí dù phán quyết của tòa là cấp dưỡng một hay nhiều lần” - luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết.

Cuối cùng, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM cho rằng cách hiểu của phía tòa án và VKS nêu trên xuất phát từ việc quy định của pháp luật chưa rõ nên thiết nghĩ cơ quan có thẩm quyền xem xét hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

Phải nộp án phí 200.000 đồng

TAND quận 11 (TP.HCM) mới đây vừa ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trong vụ án ly hôn giữa ông BVL và bà NTT. Theo đó, ông L. và bà T. đồng tình ly hôn. Về tài sản, hai bên không yêu cầu tòa giải quyết. Ông L. đồng ý giao hai con chung cho bà T. trực tiếp trông nom nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Ông cấp dưỡng mỗi cháu một tháng 1 triệu đồng... Với quyết định công nhận trên, tòa quyết định ông L. phải chịu 200.000 đồng tiền án phí cấp dưỡng (mức án phí không có giá ngạch).

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm