Bảo vệ lơ là, phải bồi thường thiệt hại

Phía bị đơn cho rằng cần phải tìm ra kẻ đập phá tài sản để xử lý, tránh trường hợp nguyên đơn dựng hiện trường giả để đòi bảo hiểm, đòi bồi thường. Tòa bảo đủ cơ sở cho thấy công ty bảo vệ không hoàn thành nhiệm vụ, không phát hiện người lạ vào phá đồ nên phải bồi thường.

Xưởng máy bị đập phá

Hai năm trước, nhận lời bảo vệ an ninh cho Công ty H., Công ty T. đã cử bốn bảo vệ, chia thành ba ca xuống làm việc. Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2011, kế toán của Công ty H. trở lại làm thì phát hiện hàng loạt máy móc, trang thiết bị của nhà xưởng bị ai đó đập phá tan tành. Công ty H. liền báo công an và ban giám đốc Công ty T. đến lập biên bản hiện trường.

Sau khi kiểm tra, các bên xác định cửa nhà xưởng vẫn còn nguyên niêm phong nhưng hàng rào thép gai bị cắt. Camera của nhà xưởng ghi được hình có chừng 3-4 thanh niên đeo khẩu trang đang phá máy móc nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của bảo vệ đến can thiệp.

Cho rằng nhân viên bảo vệ lơ là nhiệm vụ để kẻ xấu vào xưởng phá hoại nên Công ty H. đã yêu cầu đơn vị bảo vệ phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, hai bên không tìm được tiếng nói chung nên Công ty H. khởi kiện ra TAND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đòi công ty bảo vệ phải bồi thường gần 700 triệu đồng.

Bảo vệ lơ là, phải bồi thường thiệt hại ảnh 1

Sau hai phiên hòa giải, công ty bảo vệ tự nguyện bồi thường 250 triệu đồng. Thế nhưng sau đó công ty này lại thay đổi quyết định, bảo nhân viên mình làm việc nghiêm chỉnh, nếu phải bồi thường thì quá oan ức nên chấp nhận ra tòa phân chia phải trái.

Thủ phạm là ai?

Tại phiên xử vừa qua, phía công ty bảo vệ đề nghị chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để làm rõ thời gian, địa điểm, danh tính kẻ đập phá nhà xưởng. Theo đơn vị này, trong hợp đồng, hai bên chỉ thỏa thuận: Lực lượng bảo vệ trực tại cổng chính, trong nhà xưởng không có bảo vệ. Như vậy, công ty bảo vệ không chịu trách nhiệm với những thiệt hại xảy ra trong nhà xưởng. Thêm nữa, cần phải xác định rõ thời gian xảy ra vụ việc, tìm cho được kẻ đập phá để truy cứu trách nhiệm. Bởi lẽ rất có thể người của Công ty H. do bất đồng với công ty rồi ra tay và thời gian thực hiện trước khi Công ty H. niêm phong nhà xưởng để nghỉ tết.

Công ty bảo vệ nại tiếp rằng bốn bảo vệ chưa từng bị xử lý kỷ luật hay vi phạm bất cứ quy định nào, họ làm việc rất chu đáo. Chưa kể những ngày tết, công ty còn cử thêm hai bảo vệ khác xuống phối hợp nên không thể để ra sai sót.

Công ty bảo vệ đặt thêm nghi vấn, biết đâu chừng Công ty H. tự tạo hiện trường giả nhằm đòi tiền bảo hiểm và đòi bồi thường.

Lỗi ở nhân viên bảo vệ

Trước các ý kiến trên, Công ty H. cho rằng nhân viên bảo vệ phải bảo vệ toàn nhà máy chứ không chỉ bảo vệ cổng chính. Lực lượng bảo vệ phải đi tuần, kiểm tra không cho kẻ gian vào khu đất của công ty. Camera ghi lại toàn cảnh những kẻ đeo khẩu trang đập phá nhà xưởng trong suốt thời gian dài nhưng không hề thấy bảo vệ xuất hiện. Điều đó chứng tỏ bảo vệ ngủ hoặc không đi tuần nên mới không phát giác sự cố.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hai bên đã ký hợp đồng ghi rõ trách nhiệm của công ty bảo vệ là đảm bảo an ninh cho Công ty H. Trong thời gian làm nhiệm vụ, lực lượng bảo vệ không phát hiện có người vào đập phá là sai sót, không quản lý tốt an ninh địa bàn. Do đó công ty bảo vệ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại này. Việc điều tra đích danh kẻ phá hoại nhà máy chỉ là cơ sở xử lý hình sự. Còn phần dân sự, công ty bảo vệ phải có nghĩa vụ phải bồi thường. Từ đó, tòa tuyên buộc công ty bảo vệ phải đáp ứng yêu cầu đòi thường gần 700 triệu đồng của Công ty H...

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm