Bắt cướp trên sông gây chết người

Bắt cướp trên sông gây chết người ảnh 1

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM vừa hoãn xử vụ Phan Văn Oanh vô ý làm chết người do gia đình người bị hại xin hoãn để mời luật sư. Vụ án gây tranh cãi về tội danh từ năm 2007 đến nay.

Bắt cướp quá tay

Theo hồ sơ, tối 19-4-2007, sau khi uống rượu, anh Dương Ngọc Văn, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Năm Căn (Cà Mau), cùng bạn lấy xuồng đi uống cà phê. Trên đường đi cả nhóm gặp ghe chở hàng của anh Hồng. Ngờ ghe này chở lâm sản trái phép, anh Văn ra hiệu dừng lại kiểm tra. Do anh Văn không mặc trang phục của kiểm lâm nên anh Hồng nghi ngờ là cướp, bèn gọi điện thoại cho người nhà và công an xã đến hỗ trợ.

Nghe tin báo, nhiều người đã chạy đến cứu, trong đó có anh Oanh, anh ruột của anh Hồng. Lúc này, anh Văn nhìn thấy nhiều ghe vừa chạy ra vừa la "Cướp, cướp!" nên đã lái xuồng chạy vào bờ. Sợ anh Văn chạy trốn nên anh Oanh rượt theo. Không may, do tốc độ ghe chạy quá nhanh nên hai bên đã tông vào nhau khiến mọi người rơi xuống nước. Những ghe còn lại chạy đến cứu người nhưng cuối cùng không cứu được anh Văn.

Tội giết người

Giám định pháp y tháng 4-2007 kết luận anh Văn chết do ngạt nước, cơ thể không có thương tích. Từ kết quả này, VKS tỉnh Cà Mau đã truy tố Oanh về tội vô ý làm chết người.

Tại phiên xử sơ thẩm tháng 10-2009 ở TAND tỉnh Cà Mau, phần tranh luận về tội danh của Oanh diễn ra rất căng thẳng. Bị cáo thừa nhận ghe mình đâm phải xuồng nạn nhân gây nên cái chết thương tâm. Nhưng bị cáo cho rằng chỉ có ý đuổi theo chặn đầu để bắt cướp chứ không định giết ai cả. Cái chết của nạn nhân là ngoài ý muốn của bị cáo.

Tuy nhiên, phía gia đình người bị hại thì khẳng định hành vi của Oanh là cố ý giết người. Bị cáo dùng ghe có trọng tải lớn đâm vào xuồng nhỏ đến hai lần. Oanh hoàn toàn ý thức được việc làm này là nguy hiểm đến tính mạng người khác nên phải xử về tội giết người mới chính xác.

Chỉ là vô ý

HĐXX nhận định bị cáo hai lần dùng ghe chạy chặn đầu xuồng của nạn nhân chứ không phải cố ý đâm vào. Lần thứ nhất, ghe của Oanh đuổi theo chạy qua mặt chứ không đâm xuồng. Lần thứ hai, Oanh điều khiển ghe quay lại đuổi theo chặn đầu thì đụng vào mũi làm xuồng bị chìm. Vì thế bị cáo không có ý định tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Oanh chỉ mong muốn bằng cách nào đó bắt được cướp. Việc bị cáo gây ra cái chết cho nạn nhân là ngoài ý muốn. HĐXX đồng ý với nhận định của Viện là Oanh phạm tội vô ý làm chết người.

Mặt khác, theo HĐXX, trong vụ án này, nạn nhân và những người đi cùng cũng có lỗi. Tuy là cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Năm Căn và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nhưng lúc xảy ra vụ án những người này không phải là người đang thực hiện công vụ. Họ đã thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát không đúng quy định, tạo sự nghi ngờ đối với người khác và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Từ nhận định trên, cuối cùng TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên phạt bị cáo hai năm tù treo về tội vô ý làm chết người và bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 67 triệu đồng.

Tuy nhiên ngay sau đó, gia đình người bị hại đã kháng cáo, cho rằng bị cáo phạm tội giết người chứ không phải là vô ý làm chết người như cấp sơ thẩm đã xử.

Tội giết người mới chính xác

Vụ án này bị cáo phạm tội giết người. Bởi xét về mặt chủ quan đây là lỗi cố ý trực tiếp. Hành vi của bị cáo là cố ý và gây ra hậu quả chết người. Về mặt khách quan, vụ án xảy ra vào lúc trời tối, buộc bị cáo phải biết hành vi dùng ghe trọng tải lớn đâm vào xuồng nhỏ là rất nguy hiểm. Điều đó có thể làm thủng, chìm xuồng trong đêm và gây ra chết người. Trên thực tế hậu quả vụ án này là đã có người chết. Vì thế không thể cho rằng bị cáo này phạm tội vô ý làm chết người.

Một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm III

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.