Bị bán nhà vì án xử sai

Hơn 10 năm trước, TAND quận 10 (TP.HCM) thụ lý vụ một ngân hàng kiện đòi bạn ông G. phải trả nợ gần 200 triệu đồng. Tòa thấy ông G. đã dùng căn nhà của mình bảo lãnh cho bạn vay tiền ngân hàng nên đưa ông này vào vụ án với tư cách người liên quan...

Án thi hành xong mới bị… hủy

Tháng 6-1996, tòa quận đã hòa giải thành với nội dung: Người phụ việc, trông coi cửa hàng cho gia đình ông G. đồng ý thay mặt ông này trả cho nguyên đơn khoản tiền mà ngân hàng đòi bạn ông G. Quá hạn trả nợ, người phụ việc này không trả được nợ thì cơ quan chức năng sẽ phát mại nhà của ông G. để thi hành án!

Sau đó, năm 1997, căn nhà của ông G. bị phát mại lấy tiền trả nợ cho ngân hàng...

Lúc này ông G. mới biết tin, ngẩn người vì quá trình hòa giải thành ông không được tòa triệu tập. Việc thỏa thuận trả nợ trên đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của ông. Ông vội vàng khiếu nại, yêu cầu xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm. Sau đó, chánh án TAND TP.HCM đã kháng nghị yêu cầu hủy bỏ quyết định hòa giải thành vì tòa thụ lý sai thẩm quyền, hòa giải thành mà vắng mặt người liên quan…

Bị bán nhà vì án xử sai ảnh 1

Năm 1998, Ủy ban thẩm phán TAND TP.HCM đã họp giám đốc thẩm, tuyên hủy quyết định hòa giải thành trên. Theo quyết định giám đốc thẩm, nguyên đơn ở quận 5, tòa quận 10 thụ lý giải quyết là sai thẩm quyền. Việc hòa giải thành thiếu ông G. là trái quy định. Đặc biệt, người coi việc nhà cho ông G. không phải là chủ sở hữu căn nhà, không được ông G. ủy quyền định đoạt nhà… nhưng tòa lại công nhận thỏa thuận của ông này. Công nhận như vậy là trái pháp luật.

Quyết định giám đốc thẩm giao hồ sơ vụ kiện cho TAND quận 5 để thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

Rút đơn thì huề cả làng?

Đến năm 2010, thấy vụ việc quá lâu nhưng tòa vẫn không giải quyết, ông G. mới làm đơn phản tố gửi TAND quận 5 yêu cầu bạn ông phải trả nợ ngân hàng và trả lại hiện trạng căn nhà cho ông. Tuy nhiên, cuối tháng 10-2010, TAND quận 5 đã ra thông báo trả lại đơn kiện cho ông.

Theo tòa, sau khi TAND quận 5 nhận hồ sơ từ TAND TP.HCM, phía ngân hàng đã có đơn xác nhận đã được thi hành án xong nên rút đơn kiện đòi tiền bạn ông G. Do vậy, TAND quận 5 không thụ lý giải quyết vụ án này. Việc ông G. nộp đơn đề nghị giải quyết cho yêu cầu độc lập của mình không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận 5.

Sau đó, ông G. đã khiếu nại thông báo này nhưng tòa quận vẫn quyết định giữ nguyên việc trả lại đơn kiện.

Mới đây, ông G. lại tiếp tục gửi khiếu nại lên TAND TP.HCM đề nghị được thụ lý giải quyết. Trong đơn ông còn cho rằng dù việc thi hành án đã hoàn thành nhưng quyết định hòa giải thành đã bị bãi bỏ thì không thể bỏ lửng những thiệt hại của ông. Phía ngân hàng không phải giữ tiền của bạn ông mà đang giữ tiền của ông. Việc giữ tiền này là không có cơ sở.

Đơn khiếu nại này của ông G. hiện đang chờ TAND TP.HCM giải quyết…

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng tòa cấp sơ thẩm không thụ lý vụ án khi phía nguyên đơn rút đơn là đúng quy định. Vấn đề đặt ra là quyền lợi của ông G. sẽ được xử lý thế nào cho phù hợp. Rõ ràng nhà của ông đã bị phát mại theo quyết định hòa giải thành có sai sót. Tuy nhiên, vụ án không thể tiếp diễn vì không còn đơn kiện của nguyên đơn. Do vậy, trước mắt ông G. chưa thể phục hồi được hiện trạng căn nhà như mong muốn của ông vì luật đang thiếu những quy định về vấn đề này…

NGUYỄN DƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm