Các ngân hàng trong vụ Huyền Như đều né lỗi

Tiền từ ACB vào VietinBank qua đường vòng ủy thác

Thẩm vấn nguyên đơn dân sự ACB, đơn vị bị chiếm đoạt 718 tỉ đồng, chủ tọa hỏi: “Vì sao ACB không gửi thẳng tiền vào VietinBank mà ủy thác cho 19 nhân viên của mình làm?”. NH này cho biết đảm bảo tính thanh khoản và bảo toàn nguồn vốn. Thực tế đã có trường hợp ACB gửi tiền và sau đó không được thanh toán.

Chủ tọa hỏi thêm: Trong vụ án Bầu Kiên đã tìm ra được câu trả lời việc ủy thác này đúng hay sai? Đại diện ACB không trả lời vấn đề này. Theo đại diện ACB, tiền gửi tiết kiệm chỉ dành cho cá nhân, không dành cho pháp nhân và lãi suất gửi tiết kiệm cao hơn tiền gửi thanh toán. ACB yêu cầu VietinBank có trách nhiệm bồi thường số tiền này, Huyền Như phạm tội tham ô chứ không phải lừa đảo.

Chủ tọa hỏi: “Nếu nhân viên ACB chiếm đoạt số tiền được ủy thác đi gửi thì ACB kiện ai? Vì mối quan hệ ở đây là giữa ACB với nhân viên; quan hệ giữa nhân viên và VietinBank thông qua Huyền Như”. Đại diện ACB lúng túng. Chủ tọa nói: “Khi đi thì bắc cầu, khi về thì đi thẳng”.

Về lãi suất, tại tòa ACB xác nhận thời điểm xảy ra vụ án NHNN có quy định về trần lãi suất tiền gửi VNĐ là 14%. Từ đây VKS đặt vấn đề: Việc ACB ủy thác cho nhân viên đi gửi tiền tại VietinBank để nhận lãi vượt trần lãi suất có gián tiếp vi phạm pháp luật hay không? Bởi ACB là một NH thương mại mà không biết rõ lãi suất trần quy định để chấp hành mà còn ủy thác để lấy lãi cao hơn là tiếp tay cho NH khác vi phạm pháp luật khác.

ACB ủy thác sai, VietinBank tự ý chuyển tiền

Tại tòa, đại diện ACB cho biết tại thời điểm ủy thác thì Luật Các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực. Tuy nhiên, đối với việc giấy phép kinh doanh của ACB do NHNN cấp có được phép ủy thác gửi tiền không thì đại diện này không nhớ và nói cần thời gian về xem lại. Đại diện này cũng thừa nhận không có bất kỳ giấy phép riêng nào liên quan đến vấn đề ủy thác.

Huyền Như khai qua Huỳnh Thị Ngọc Ánh (phó phòng kế toán ACB), lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, Như làm giả hợp đồng tiền gửi huy động 50 tỉ đồng của ACB thông qua hai người gửi. Sau đó ACB tiếp tục sử dụng 17 nhân viên của mình, ủy thác cho họ đem 669 tỉ đồng gửi vào VietinBank với lãi suất 14%/năm, lãi ngoài từ 3,8% đến 4%/năm và tất cả số tiền trên bị Như chiếm đoạt. Để chiếm đoạt, Như đã dùng thủ đoạn “câu, nhử”, đó là trích trả ngay hơn 10 tỉ đồng tiền lãi ngoài hợp đồng cho ACB.

HĐXX dành nhiều thời gian để làm rõ về trường hợp tiền của 17 nhân viên ACB được ủy thác gửi vào VietinBank được chuyển đi thế nào để xác định trách nhiệm lỗi của ai.

Đại diện VietinBank xác nhận với tòa các khách hàng này không mở tài khoản tiết kiệm tại VietinBank mà chỉ mở tài khoản thanh toán. (Trước đó, VietinBank cho rằng tài khoản thanh toán không phát sinh quan hệ gửi giữ, NH không có trách nhiệm giữ tiền cho khách - PV). Chủ tọa chất vấn: “Nhân viên ACB chưa thực hiện mở tài khoản tiết kiệm tại VietinBank Chi nhánh TP.HCM. Vậy vì sao VietinBank chuyển tiền từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm?”. Lúc này VietinBank nói đây là thủ tục của NH Công Thương...

Chủ tọa nhắc đại diện này đừng trả lời một nẻo câu hỏi của HĐXX, bởi có một sự thật là tài khoản tiết kiệm chưa mở mà NH lại chuyển tiền của khách vào đó. Lỗi đây thuộc về ai? Đại diện VietinBank lúng túng.

Quy trình ngược?

Tương tự, nguyên đơn dân sự NaviBank buộc VietinBank bồi thường 200 tỉ đồng mà Huyền Như chiếm đoạt. Trong sáu hợp đồng gửi tiền đứng tên bốn nhân viên NaviBank ký với VietinBank, Như khai đã trả lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng hơn 30 tỉ đồng trong vụ lừa này. NaviBank cho biết chỉ khi cơ quan điều tra thông báo mới phát hiện tiền trong tài khoản đã bị lợi dụng chiếm đoạt, không nhận được bất kỳ thông báo nào (tin nhắn, văn bản, sao kê) từ VietinBank trước đó. Nay NaviBank yêu cầu VietinBank phải trả tiền gốc lẫn lãi.

Tòa hỏi NaviBank: “Số tiền 200 tỉ đồng có phải tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bốn nhân viên không? Nếu của cá nhân sao họ không đòi mà đòi cho NaviBank? Có gì mờ ám trái luật ở đây không?”. Câu hỏi này không được trả lời. VKS truy NaviBank: “Cơ quan điều tra xác minh rõ có văn bản chính thức theo chủ trương của HĐQT NaviBank về việc gửi tiền vào VietinBank thông qua nhân viên nhưng NaviBank sao lại né tránh vấn đề này?”.

Cạnh đó, VKS cũng làm rõ việc NaviBank nói cho nhân viên vay tiền để đi gửi tại VietinBank. Hồ sơ thể hiện trường hợp cụ thể cho nhân viên vay tiêu dùng rồi dùng chính hợp đồng tiền gửi tại VietinBank sau đó làm thế chấp. Theo Viện, với quy trình ngược như vậy là vừa không tuân thủ quy định chi vay và phải chăng hợp đồng vay này là giả tạo...

Hôm nay (19-12), tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm