Con hắt hủi, cha mẹ có thể kiện đòi cấp dưỡng?

Ông bà P. năm nay xấp xỉ 70 tuổi. Trước đó, ông bà dự tính khi qua đời sẽ để lại tài sản cho con gái.

Bị con đối xử tệ

Ba năm trước, người con gái bảo với cha mẹ cần tiền làm ăn nên có ý định mượn căn nhà đi thế chấp. Nghĩ rằng trước sau gì nhà cũng của con, ông bà liền tặng tài sản cho con. Tuy nhiên, khi nhà đã đổi chủ, người con thay đổi thái độ, luôn nói móc nói khóe cha mẹ là kẻ ăn nhờ ở đậu, chướng tai gai mắt trong nhà. Có bận người con còn khóa cửa không cho cha mẹ vào nhà... Buồn tủi, ông bà sang họ hàng ở nhờ.

Nhưng biết không thể ăn nhờ ở đậu mãi, ông bà đến tòa định khởi kiện để đòi lại căn nhà đã cho. Nhưng theo hồ sơ, ông bà đã tặng cho con không điều kiện nên khó có căn cứ để lấy lại.

Cán bộ thụ lý ở một tòa quận tại TP.HCM đang bức xúc và định hướng dẫn cho vợ chồng già này kiện con gái đòi cấp dưỡng.

Con hắt hủi, cha mẹ có thể kiện đòi cấp dưỡng? ảnh 1

Có thể kiện đòi cấp dưỡng

Trước vấn đề này, luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam, cho biết ông bà P. có thể khởi kiện đòi con cấp dưỡng. Bởi đây cũng là một trong những loại việc hôn nhân gia đình có thể khởi kiện. Trong trường hợp nếu người con bị buộc thi hành án không chấp hành theo bản án thì có thể quy tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu nghiêm trọng hơn có thể quy vào tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ…

Tuy nhiên, nếu ông bà P. muốn khởi kiện đòi lại nhà cần phải củng cố thêm chứng cứ chứng minh đó là hợp đồng tặng cho có điều kiện. Chẳng hạn khi cho người con có hứa là phụng dưỡng cha mẹ suốt đời… Từ đó, ông bà có thể yêu cầu tòa hủy hợp đồng tặng cho căn nhà đó vì bên được tặng đã không thực hiện nghĩa vụ như đã hứa hẹn.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM cho biết nếu ông bà P. đi kiện đòi con cấp dưỡng đây sẽ là vụ kiện đầu tiên về vấn đề này. Nhưng ở một số nước như Trung Quốc, việc kiện này đang trở nên phổ biến dù việc cha mẹ phải khởi kiện con đòi cấp dưỡng là chuyện bất đắc dĩ phải làm.

Kèm một số điều kiện

Nhiều chuyên gia khác phân tích thêm, theo Luật Hôn nhân và Gia đình, con đã thành niên không sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ. Người yêu cầu phải chứng minh bản thân không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Việc nhận định không có khả năng lao động thì tùy thuộc vào sự đánh giá của thẩm phán giải quyết. Người thất nghiệp chưa hẳn không có khả năng lao động, người tật nguyền cũng có thể có khả năng lao động... Có thể người không có khả năng lao động là người chấp nhận làm bất kỳ việc gì không phạm luật để có thu nhập nhưng không ai chịu thuê...

Còn yếu tố không có tài sản để tự nuôi mình có thể là có tài sản gốc nhưng nó không sinh lợi hoặc có sinh lợi và đã được khai thác nhưng vẫn không đủ để đáp ứng các nhu cầu sống thiết yếu. Hay có thể có thu nhập nhưng không đáp ứng được các khoản chi tiêu tối thiểu cho cuộc sống.

Đồng thời, bên yêu cầu cấp dưỡng còn phải chứng minh người mà mình yêu cầu phải có khả năng và có điều kiện cấp dưỡng.

Thuê người chăm sóc cha mẹ cũng phạm luật

Trong gia đình có nhiều con thì các con thỏa thuận về người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ và thỏa thuận đó phải được sự đồng ý của cha mẹ. Các con không trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thăm nom, chăm sóc, cấp dưỡng cho cha mẹ theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp các con không thỏa thuận được với nhau về người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ thì có quyền làm đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết. Tòa án sẽ xét xử, chỉ định cụ thể người nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ. Việc thuê “người ngoài” để chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ trong khi các con có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng là trái với quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình...

(Trích Nghị định số 70 (năm 2001) hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình)

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm