SAU VÀNH MÓNG NGỰA:

Công cha, nghĩa mẹ...

Công cha, nghĩa mẹ... ảnh 1

1. Mới đây, tại một phiên xử vụ trộm cắp tại quận 11 (TP.HCM), hình ảnh làm tôi chú ý nhiều nhất là cha mẹ của một bị cáo chưa thành niên. Trong những bộ đồ đã sờn bạc, hai ông bà đến tòa từ rất sớm, lóng ngóng trước sân chờ xe nhà tạm giam chở con đến. Vừa đứng bà vừa run, mắt ướt nhòe. Ông tóc râm bạc, ốm yếu, khắc khổ, nắm chặt tay vợ, cùng nhìn về một hướng.

Họ làm ruộng trong tận vùng sâu tỉnh Sóc Trăng. Cũng như bao nông dân một nắng hai sương, họ làm hoài, làm mãi mà vẫn không thấy dư. Nhưng nhà ông bà hạnh phúc vì có tiếng trẻ thơ. Hai đứa con trai của ông bà lần lượt ra đời, đứa lớn là L.

L. lớn lên. Đi học. Rảnh thì phụ cha mẹ làm ruộng. Chỉ học đến lớp 9, thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, L. nghỉ học, xin lên TP.HCM kiếm tiền. Xót cho con trẻ nhưng vì hoàn cảnh ông bà cũng đồng tình. Rồi một ngày, bất ngờ họ nhận được tin sét đánh: “Thằng L. trộm cắp bị bắt”.

Bỏ hết công việc, ông bà xoay xở tiền xe lên thành phố gặp con. Sau khi biết mọi việc, ông bà vội về quê bán đồ gom góp được 2 triệu đồng, mượn bà con mỗi người vài trăm ngàn cho đủ 12 triệu đồng mà ông chủ L. bắt đền. Đền tiền xong, ông bà muốn gần con để thăm nom thường xuyên, để cho nó có cảm giác không bị bỏ rơi nên đã bỏ ruộng đồng, gửi con nhỏ cho hàng xóm chăm giúp rồi ở lại Sài Gòn làm công.

Tại phiên xử, L. bật khóc khi nhìn thấy cha mẹ rồi thành khẩn nhận tội. Vì phải làm việc vất vả, lương lại ít ỏi nên L. sinh ý đồ xấu. Một sáng sớm giữa năm 2009, L. đã trốn khỏi nơi làm việc, lén lút cầm theo một máy tính xách tay của gia chủ. Vài tháng sau L. bị bắt.

Vị chủ tọa hỏi cha mẹ L. có ý kiến gì không. Không biết nói gì, vợ chồng già chân chất ấy chỉ nói rằng không. Chủ tọa lại hỏi tiếp tại sao tài sản trị giá chưa đầy 6 triệu đồng mà ông bà lại đền đến những 12 triệu đồng. Bà cụ chậm chậm trả lời: “Dạ, họ đòi sao chúng tôi đưa vậy. Hên mà họ còn bớt cho 500.000 đồng để vợ chồng tôi về xe là cám ơn lắm rồi”.

Giờ giải lao, ông bà tâm sự họ ở đây ai mướn gì làm đó. Vợ chồng định ở đến sát ngày 27-28 tết chờ thăm thằng nhỏ lần nữa rồi mới về quê cúng ông bà. “Tội nghiệp thằng nhỏ!”, vừa nói bà vừa lấy khăn lau nước mắt.

Dù công tố viên đề nghị phạt L. từ sáu đến chín tháng tù nhưng cuối cùng tòa chỉ tuyên phạt L. ba tháng một ngày tù bằng thời gian tạm giam và trả tự do cho L. ngay tại tòa.

Quá vui mừng, ông bà lại khóc sụt sùi vì con thoát cảnh tù giam. Rồi mai nó sẽ được cùng họ về nhà trên chuyến xe ngày cận tết, điều mà vợ chồng họ không thể ngờ tới. L. cũng rơi nước mắt ân hận, đến ôm chầm cha mẹ.

Phía trên, vị chủ tọa mỉm cười chia sẻ trước cảnh sum họp gia đình. Trong lúc nghị án trước đó, ông đã thuyết phục được những người cùng ngồi xử cho bị cáo một mức án khoan hồng.

2. TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) đang thụ lý một vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà. Vụ kiện khiến những người làm công tác tố tụng chú ý ngay từ đầu bởi bị đơn là hai cụ già đã gần 80 tuổi, đang đứng trước nguy cơ mất nhà, trắng tay. Cụ ông sức khỏe yếu vì mang nhiều bệnh tật, dìu cụ bà chân đi khập khiễng đến tòa để lấy lời khai.

Ông bà kể từ ngày cưới nhau họ đã cùng chung sức dành dụm tạo nên căn nhà ngót nghét gần 60 năm nay. Thấy mình không còn sống được bao lâu, ông bà đã làm di chúc để căn nhà cho đứa con trai sau khi họ qua đời. Rồi bất ngờ một ngày có người đến đòi nhà và thông báo con trai ông bà đã bán cho họ.

Hai cụ già ấm ức: “Chúng tôi chưa hề ký cho con trai căn nhà, chỉ ký di chúc sau khi chết mới cho con trai”. Ông bà nhớ có một ngày cách đây gần hai năm, đứa con trai có chở ra phòng công chứng ký giấy bảo đảm để nó vay tiền ngân hàng làm vốn nhưng không hề ký giấy tặng cho căn nhà. Chữ ký tặng cho nhà cho con trai trong hợp đồng công chứng tặng cho mà nguyên đơn xuất trình nhất định không phải là của ông bà. Giờ ông bà cũng chỉ biết trách nguyên đơn sau khi thực hiện mua bán không đến nhà để xem thế nào mà chỉ ký kết trên hợp đồng với thằng con ông bà. Chứ con trai ông bà thì giờ trốn biệt không gặp cha gặp mẹ và cũng không thèm ra tòa sao gặp mà trách.

Rồi hai cụ bảo chỉ có căn nhà để ở cùng đứa con gái nên nhất định không giao nhà vì không có mua bán gì với nguyên đơn. Sau khi các cụ chết, con trai muốn làm gì thì làm nhưng giờ có chết hai cụ cũng chỉ chết tại căn nhà này.

Người chị cũng không kém phần buồn bã với việc em trai âm thầm lừa cha mẹ làm giấy tờ sang tên chủ quyền căn nhà qua tên em. Bà đã cùng em trai, em gái sinh ra và lớn lên tại căn nhà này với bao kỷ niệm tuổi thơ. Sau đó, em trai lấy vợ, về bên nhà vợ ở nhưng không cắt hộ khẩu. Một ngày, em trai đến mượn sổ hồng căn nhà của cha mẹ để vay ngân hàng 20 triệu đồng làm vốn làm ăn trong thời hạn một năm. Nhưng đến giờ không thấy em trai mang sổ hồng nhà về mà chỉ thấy thư triệu tập của tòa mời cha mẹ bà đến làm việc. Em trai giờ cũng không hề lui tới thăm hỏi cha mẹ mà để mặc ông bà tự lo với việc bị tranh chấp kiện tụng.

Cho đến giờ mỗi khi ai đề nghị ông bà ký vào giấy tờ gì thì hai cụ nhất định không. Ông bà than thở rằng giờ thấy ký giấy tờ là sợ quá đỗi rồi…

Con cái lớn lên sẽ rời vòng tay cha mẹ để lập mái ấm cho riêng mình, rồi cũng thành cha thành mẹ. Vậy mà đáng buồn là vẫn có những người con không hiểu, không biết thương cha thương mẹ, nỡ để cha mẹ già phải lặn lội đến chốn công đường vì những chuyện hoàn toàn có thể tránh được.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm