Đập nhà cũ của mình, bị khởi tố

VKSND huyện Tân Phú (Đồng Nai) vừa ra cáo trạng truy tố bà Hà Ngọc Bích về tội hủy hoại tài sản. Trong khi đó, bà Bích thì làm đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến các cơ quan chức năng vì cho rằng mình bị oan.

Chuyển nhượng không thành

Theo cáo trạng, bà Bích và con trai ký hợp đồng chuyển nhượng cho bà Trương Thị Chí Tâm ba thửa đất cùng tài sản gắn liền với đất ở xã Tà Lài (Tân Phú) với giá 1,3 tỉ đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bà Tâm đã trả cho phía bà Bích 650 triệu đồng.

Hồ sơ chuyển nhượng được hai bên chuyển đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Tân Phú để làm thủ tục sang tên cho bà Tâm. Tuy nhiên, sau đó bà Bích yêu cầu tạm ngưng làm thủ tục sang tên cho bà Tâm vì cho rằng bà Tâm vi phạm thời hạn thanh toán số tiền còn lại và được Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất chấp nhận.

Tháng 3-2012, bà Bích đã thuê người vào đập phá căn nhà cấp 4 và tháo dỡ hàng rào trên một thửa đất tranh chấp. Bà Tâm tố ra công an. Theo kết quả giám định, giá trị thiệt hại mà bà Bích gây ra là gần 215 triệu đồng.

Làm việc với cơ quan điều tra, bà Bích khai thuê người đập phá nhà cũ và hàng rào là để xây lại trang trại chăn nuôi, đồng thời bà cho rằng các tài sản trên là của mình nên mình có quyền đập phá.

Tuy nhiên, theo VKSND huyện Tân Phú, việc bà Bích và con trai chuyển nhượng quyền sử dụng đất cùng tài sản trên đất cho bà Tâm (trong đó có căn nhà, hàng rào nói trên) đã được chứng thực. Hồ sơ đã được chuyển đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất. Dù phía Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đã tạm ngưng làm thủ tục sang tên nhưng hợp đồng chuyển nhượng vẫn còn hiệu lực. Tính đến tháng 3-2012, các tài sản có trên thửa đất vẫn do bà Tâm quản lý. Vì vậy, VKS cho rằng hành vi của bà Bích đã cấu thành tội hủy hoại tài sản theo khoản 3 Điều 143 BLHS (khung hình phạt từ 7 năm tù đến 15 năm tù).

Đập nhà cũ của mình, bị khởi tố ảnh 1

Hiện trường căn nhà mà bà Bích tháo dỡ. Ảnh: T.HIỂU

Đập nhà cũ của mình, bị khởi tố ảnh 2

Bà Bích đang trình bày về vụ việc của mình. Ảnh: T.HIỂU

Chỉ là tranh chấp dân sự?

Trong các đơn kêu cứu, bà Bích cho rằng việc hai bên chuyển nhượng nhà đất là có thật. Tuy nhiên, bà Tâm mới giao 600 triệu đồng tiền đặt cọc. Số tiền còn lại bà Tâm chỉ trả được 50 triệu đồng rồi không thanh toán như hợp đồng đã ký. Bà đã nhiều lần yêu cầu bà Tâm giao hết số tiền còn lại nhưng bà Tâm không thực hiện. Vì vậy, bà mới phải làm đơn gửi Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất ngưng sang tên cho bà Tâm. Cạnh đó, bà còn làm đơn gửi UBND xã Tà Lài để nhờ chính quyền địa phương giải quyết (tháng 10-2011, UBND xã Tà Lài đã tổ chức buổi hòa giải giữa hai bên nhưng không thành).

Theo bà Bích, vì trang trại chăn nuôi xuống cấp nên bà muốn sửa chữa lại. Ngày 12-3-2012, bà làm đơn xin sửa chữa nhà và chuồng trại gửi UBND xã Tà Lài. Đồng thời, bà Bích cũng làm đơn gửi công ty điện lực xin tạm ngưng cung cấp điện để sửa chữa nhà và đã được chấp thuận. Ngày 26-3-2012, bà mới thuê người vào đập phá để sửa chữa nhà.

Bà Bích cho rằng tranh chấp giữa mình và bà Tâm là tranh chấp dân sự. Vì bà Tâm chưa thanh toán hết tiền, chưa sang tên nên thửa đất tranh chấp cùng tài sản trên đất vẫn thuộc về bà. Chính quyền địa phương chưa giải quyết xong và bà cũng đang định khởi kiện ra tòa. Nay VKS lại xác định thửa đất tranh chấp cùng tài sản tranh chấp là của bà Tâm rồi khởi tố, truy tố bà là oan.

Về mặt pháp lý, luật sư Đinh Văn Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: Thứ nhất, bà Tâm chưa thanh toán hết tiền nên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất mới tạm ngưng làm thủ tục sang tên. Thứ hai, BLDS quy định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Như vậy, đất đai, nhà cửa nói trên vẫn thuộc quyền sử dụng, sở hữu của bà Bích.

Ngoài ra, việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên đã được thực hiện theo đúng trình tự. Hai bên đã được UBND xã tổ chức hòa giải không thành là điều kiện tiên quyết để khởi kiện ra tòa. Khi đó, đất và tài sản trên đất là của ai sẽ do tòa án quyết định. Cơ quan điều tra và VKS không thể tự ý quyết định là nhà đất của ai khi hợp đồng chuyển nhượng đang bị tranh chấp. Việc khởi tố, truy tố bà Bích về tội hủy hoại tài sản là không có căn cứ.

“Xử lý hình sự thì tội nghiệp quá”

UBND xã Tà Lài từng tổ chức hòa giải giữa hai bên nhưng không thành nên chúng tôi hướng dẫn hai bên khởi kiện vụ án dân sự. Khi nghe người nhà bà Tâm báo có người lạ đến phá nhà, tôi đã cử cán bộ và chỉ đạo công an xã đến ngay hiện trường. Khi đến nơi thì bà Bích cho biết chính bà thuê thợ đến sửa nhà. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu bà Bích cung cấp hợp đồng thuê thợ đến sửa nhà. Sau khi bà Bích cung cấp thì chúng tôi ra về vì nhà là của bà ấy. Bà Bích cũng không cần thiết phải xin phép chính quyền khi sửa nhà vì đặc điểm ở nông thôn chúng tôi ai cũng vậy. Họ có đất thì họ xây hoặc họ sửa lúc nào cũng được, miễn là không xây trên đất của người khác là được. Theo tôi, đây chỉ là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất, tài sản của ai chưa rõ ràng mà xử lý hình sự bà Bích thì tội nghiệp quá.

Ông ĐẶNG VŨ HIỆP, Chủ tịch UBND xã Tà Lài, Tân Phú
(Đồng Nai)

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm