Đòi chia nhà với con sau 20 năm đi biệt

Cuối tháng 4-1993, mẹ anh K. qua đời, để lại cho anh một căn nhà ở TP.HCM. Đầu năm 2008, ông V. đến tìm anh K. và nhận là cha ruột rồi bàn cách chia thừa kế. Bàn bạc không thành, ông nộp đơn kiện đòi chia đôi di sản...

Lôi con ra tòa

Trong đơn kiện, ông bảo mình kết hôn với mẹ anh K. vào năm 1977. Cưới được khoảng một năm thì vợ mang bầu. Tuy nhiên, lúc này do tuổi trẻ nông nổi nên hai vợ chồng thường xảy ra xích mích, cãi vã, ông bỏ nhà đi rồi vượt biên qua Mỹ. Trong suốt thời gian ở xứ người, ông ngày đêm nhớ quê nhà, vợ con nhưng không có cách nào liên lạc. Gần đây, ông quay về nhưng không may vợ đã qua đời, người thân còn lại chỉ có ông và đứa con trai. Theo pháp luật về thừa kế, cha con ông mỗi người được hưởng nửa giá trị căn nhà. Con ông là anh K. không chịu hợp tác nên ông đành nhờ tòa phân xử.

Trình bày với tòa, anh K. không đồng ý với việc đòi chia di sản của người cha mà 20 năm chưa hề gặp mặt. Anh nói rằng anh muốn giữ lại căn nhà trên làm nơi thờ cúng mẹ. Đồng thời, vụ án này đã hết thời hiệu khởi kiện thừa kế nên yêu cầu tòa đình chỉ giải quyết.

Đòi chia nhà với con sau 20 năm đi biệt ảnh 1

Nhiều tranh cãi

Lúc này thẩm phán thụ lý giải quyết vụ án đã nhận được hai luồng quan điểm góp ý về việc tính thời hiệu khởi kiện. Ông cho biết theo cách tính thứ nhất, luật định thời hiệu là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản qua đời). Bà N. mất từ tháng 4-1993, tính đến tháng 4-2003 thì thời hiệu khởi kiện đã hết, cần phải đình chỉ vụ án.

Ngược lại, quan điểm thứ hai cho rằng phải tính thời hiệu khởi kiện kể từ khi anh K. đã trưởng thành, tức là vào năm 1998. Vì lúc này anh mới có toàn quyền sở hữu tài sản... Do vậy, đến năm 2008 ông V. mới khởi kiện thì vẫn còn thời hiệu.

Vụ án đang gây tranh cãi có còn thời hiệu khởi kiện hay không thì tháng 9-2011, ông V. thay đổi yêu cầu khởi kiện. Theo đó, trước đây ông khởi kiện tranh chấp thừa kế thì nay đổi thành chia tài sản chung. Đến đây lại phát sinh thêm một tranh cãi mới liệu tòa có thể tiếp tục giải quyết vụ án này theo hướng chia tài sản chung hay không.

ý kiến cho rằng nếu có sự đồng ý của anh K. - với tư cách là bị đơn, với ông V. về việc chia tài sản thì tòa vẫn có thể tiếp tục giải quyết yêu cầu chia tài sản chung.

Nhưng ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng vụ án đã hết thời hiệu khởi kiện thừa kế, tòa không nên giải quyết bất cứ một yêu cầu phân chia di sản nào nữa.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM phân tích thêm, luật đặt ra thời hiệu khởi kiện thừa kế nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của đương sự nhưng cũng bảo vệ lợi ích công cộng. Nếu thời hiệu khởi kiện này bị kéo dài không cần thiết sẽ làm xáo trộn các lợi ích xã hội khác. Thời hiệu để khởi kiện thừa kế là 10 năm thì người dân phải có ý thức thực hiện trong khoảng thời gian đó, nếu không thì xem như đã tự từ bỏ quyền của mình và phải tự gánh chịu thiệt thòi, bất lợi. Tòa không nên tiếp tục “hợp thức hóa” việc tranh chấp di sản đã hết thời hiệu khởi kiện thành chia tài sản chung...

Được biết hiện vụ án vẫn đang được nghiên cứu để đưa ra quyết định giải quyết cuối cùng.

Vẫn còn nhiều rắc rối

Việc chuyển đổi án khi hết thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế thành chia tài sản chung để giải quyết trên thực tế cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay mỗi tòa lại có một kiểu vận dụng khác nhau nên rối cho người dân. Có một số trường hợp hết thời hiệu chia di sản thừa kế (chỉ riêng về bất động sản) chuyển sang giải quyết thành vụ án tranh chấp tài sản chung gặp vướng khi một trong các đương sự không thừa nhận đó là tài sản chung. Hoặc tòa thụ lý giải quyết vụ án tranh chấp tài sản chung “cởi trói” được thời hiệu về mặt hình thức nhưng khi đi vào giải quyết nội dung, tòa lại nhận định hết thời hiệu khởi kiện nên bác yêu cầu chia tài sản chung… Vấn đề này cần phải có sự nghiên cứu để đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất.

Luật sư NGUYỄN THANH LƯƠNG,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm