Đòi tiền nuôi con “hờ”

Cuối năm 2011, chị B. nộp đơn ra tòa xin ly hôn với chồng là anh T. Chị trình bày, hai vợ chồng lấy nhau từ năm 2000, có con trai chung hiện đã 10 tuổi. Ban đầu vợ chồng sống hòa thuận nhưng gần một năm nay cả hai lại thường mâu thuẫn, cãi vã. Anh hay nhậu về khuya, luôn nặng lời với chị thậm chí có lúc đã “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”...

Vợ đòi ly hôn, chồng đòi tiền...

Thấy không thể sống chung với người chồng hay bạo hành, chị xin ly hôn. Về phần con cái, chị có nguyện vọng nuôi con, chỉ yêu cầu anh T. cấp dưỡng mỗi tháng 1 triệu đồng... Trong các phiên hòa giải, anh T. khẳng định vợ chồng có mâu thuẫn nhưng không nghiêm trọng như chị B. nói, không hề có việc anh bạo hành. Nay anh vẫn yêu thương chị nên không muốn ly hôn.

Nhưng bất ngờ ngay tại phiên tòa vừa qua, anh lại đồng ý ly hôn. Tiếp đó anh đưa ra bản giám định ADN xác định đứa con của hai vợ chồng không cùng huyết thống với anh... Cuối cùng anh phản tố không những không chịu cấp dưỡng nuôi con mà còn phải đòi lại tất tần tật chi phí anh đã nuôi con “hờ” suốt 10 năm qua. Cụ thể anh lấy một tháng 1 triệu đồng. Anh còn nói thêm, tính như vậy là đã có lợi cho chị vì thực sự từ khi kết hôn đến giờ kinh tế gia đình đều do anh gánh vác, chị chỉ ở nhà nội trợ...

Đòi tiền nuôi con “hờ” ảnh 1

Với diễn biến mới này, vừa qua TAND một quận ở TP.HCM buộc phải hoãn phiên xử để xem xét...

Nên nghĩ đến tương lai con trẻ

Qua trao đổi với phóng viên, thẩm phán thụ lý vụ án băn khoăn, yêu cầu mới của anh T. nên giải quyết trong cùng vụ án ly hôn này hay tách ra để anh T. khởi kiện một vụ án độc lập khác? Bởi án hôn nhân giải quyết ba vấn đề là quan hệ hôn nhân, con chung và tài sản. Còn yêu cầu của anh T. lại không thuộc phạm vi giải quyết trong án ly hôn. Tuy nhiên, nếu tách ra thành một vụ án khác để giải quyết thì anh T. phải khởi kiện vụ án với quan hệ tranh chấp nào: Đòi tài sản hay đòi bồi thường thiệt hại? Đây cũng là vấn đề khó xử lý!

Luật gia Đặng Đình Thịnh (Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng không thể tách yêu cầu anh T. ra giải quyết thành một vụ án độc lập khác. Bởi yêu cầu phản tố của anh có mối liên hệ mật thiết với việc giải quyết ly hôn vợ chồng. Đồng thời, nếu tách ra, tòa không có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án đòi tiền nuôi con của mình vì luật quy định con sinh trong thời kỳ hôn nhân là con chung.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm, trường hợp anh T. cương quyết đòi lại chi phí nuôi con thì trước tiên anh T. phải nộp đơn ra tòa để xác định đứa bé không phải con mình. Trên cơ sở đó, anh có quyền yêu cầu buộc chị B. bồi hoàn lại số tiền anh đã nuôi người không phải con mình.

Tuy nhiên, theo luật sư Hậu, đó là về mặt pháp luật nhưng trong vụ án này cần phải nghĩ đến chữ tình. Vợ chồng anh T. nên tự hòa giải xem bé có là con của anh không. Nếu làm “to chuyện” sẽ gây tác hại xấu, đứa bé còn cả một tương lai dài phía trước...

Phải yêu cầu tòa giám định gien

Theo Nghị quyết 02-2000 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, khi có người yêu cầu tòa án xác định một người nào đó là con của họ hay không phải là con của họ thì phải có chứng cứ, thậm chí cần thiết thì phải giám định gien. Người có yêu cầu giám định gien phải nộp lệ phí. Anh T. tự đi giám định ADN là chưa đúng với trình tự thu thập chứng cứ nên chứng cứ không được chấp nhận...

Quyết định của tòa xác định không phải là cha con là cơ sở cho việc giải quyết việc cấp dưỡng đối với người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn và một số vấn đề khác...

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm