Dự án nhiệt điện Sông Hồng của Vinashin: Các bị cáo: Chúng tôi không sai!

Ngày 28-3, sang ngày thứ hai phiên xử sơ thẩm vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế tại Tập đoàn Vinashin, HĐXX thẩm vấn về dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định).

“Không có đồng nào thất thoát”

Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Thanh Bình tổ chức để các bị cáo Nguyễn Văn Tuyên - nguyên giám đốc Công ty Cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin và Nguyễn Tuấn Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long thực hiện đầu tư Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng tại Nam Định bằng thiết bị cũ và chưa hoàn thành thủ tục đầu tư... gây thiệt hại hơn 316 tỉ đồng.

Bị cáo Bình cho biết bị cáo nhận thấy dự án có tính khả thi dù thiết bị qua sử dụng nhưng chất lượng tốt với giá thành cỡ 1/3 so với thiết bị mới nên ký duyệt. Việc ký duyệt trước khi hoàn thành thủ tục đầu tư là sai nhưng “nếu không có quyết định đó thì không xin được đất, không xin được đất thì không có dự án”...

Mặc dù thừa nhận các hành vi trong cáo trạng nêu là đúng khi thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện nhưng bị cáo Bình không nhất trí với cáo buộc mình là người giữ vai trò tổ chức làm trái tại dự án này, phải chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền thiệt hại. Theo bị cáo Bình, bản thân chưa bao giờ bàn bạc với các bị cáo khác cố ý làm trái. Bị cáo quả quyết không gây thiệt hại vì “không có đồng nào thất thoát ra ngoài”.

Dự án nhiệt điện Sông Hồng của Vinashin: Các bị cáo: Chúng tôi không sai! ảnh 1

Các bị cáo đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: TTXVN

Không cố ý làm sai (?!)

Cũng giống như bị cáo Bình, bị cáo Tuyên thừa nhận hành vi nêu trong cáo trạng là đúng nhưng “chưa cấu thành tội phạm” bởi tiền trái phiếu quốc tế bị cáo chỉ “mượn tạm” thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện trong thời gian ngắn. Bị cáo Tuyên nói mình làm chủ đầu tư dự án nhưng là do được Tập đoàn Vinashin phê duyệt...

Bị cáo Đỗ Đình Côn, nguyên kế toán trưởng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Anh, cũng cho rằng không tham gia vào việc gây thiệt hại vì chỉ là giúp việc cho giám đốc.

Bị cáo Dương nại rằng “bị cáo không gây thiệt hại bất kỳ đồng nào ở Vinashin”. Bởi Công ty Cửu Long có ký biên bản thỏa thuận với Công ty Hoàng Anh thực hiện xây dựng nhà máy nhiệt điện theo hình thức chìa khóa trao tay. Khi ký biên bản này, Công ty Cửu Long có tư cách của nhà thầu độc lập vì khi đó chưa tham gia vào Tập đoàn. Bị cáo nhập số thiết bị máy móc trước thời điểm gia nhập Vinashin. Khi bị cáo nhập máy móc về thì chủ đầu tư đã được Tập đoàn Vinashin phê duyệt, UBND tỉnh Nam Định giao đất, Sở Công Thương tỉnh này cũng cấp giấy cho phép nhập thiết bị đồng bộ. “Với giấy cho nhập khẩu này, bị cáo là nhà thầu, hiểu dự án này đầy đủ thủ tục. Hải quan đã hướng dẫn và chấp nhận cho nhập” - bị cáo Dương nói.

Luật sư hỏi cáo trạng truy tố bị cáo tội cố ý làm trái có đúng không. Bị cáo Dương nói: “Tôi nghĩ là tôi không cố ý”.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục làm việc...

Không sai vì hồ sơ đủ điều kiện cho vay

Bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn giải ngân cho Công ty Hoàng Anh vay 42,8 tỉ đồng thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện khi chưa đủ thủ tục pháp lý nhưng bị cáo Trịnh Thị Hậu, nguyên tổng giám đốc Công ty Tài chính Vinashin, phủ nhận việc mình đã cố ý làm trái. Bị cáo Hậu lý giải hồ sơ của Công ty Hoàng Anh đầy đủ, đủ điều kiện cho vay nên đã giải ngân cho doanh nghiệp này...

HUY HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm