"Dụ" nối truyền hình cáp, tội gì?

Không phải nhân viên nhà đài nhưng nhận tiền, mua dây, nối cáp cho nhiều người.

Một ngày cuối năm 2010, T. đến những gia đình công nhân lao động nghèo nói rằng mình là nhân viên đài truyền hình, có khả năng nối truyền hình cáp cho mọi người…

Bị bắt quả tang đang nối dây

Thấy T. (ngụ tỉnh Bình Dương) ăn mặc giống nhân viên đài, nhiều gia đình tin tưởng, đưa tiền cho T. tổng cộng gần 10 triệu đồng… Sau khi nhận tiền, T. đi mua dây cáp cùng các thiết bị khác (hơn 5 triệu đồng) để thực hiện việc đấu nối dây. Mua dây cáp xong, T. trèo lên các trụ điện, nơi có các dây cáp truyền hình, nối dây kéo vào nhà các hộ dân. Khi T. đang mày mò nối ráp, lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang…

Tại cơ quan điều tra, T. khai rằng không có ý định lừa các hộ dân vì với kinh nghiệm của mình, T. có thể đấu nối thành công dây cáp để hoàn thành các hợp đồng.

Vụ việc này đã khiến nhiều chuyên gia tranh cãi về tội danh của T.

"Dụ" nối truyền hình cáp, tội gì? ảnh 1

Lừa đảo hay trộm cắp?

Một quan điểm cho rằng T. phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quan điểm này, T. không phải là nhân viên của đài truyền hình nhưng đã ăn mặc giống nhân viên đài, lừa mọi người rằng mình có chức năng kéo truyền hình cáp cho mọi người. Bằng thủ đoạn này, T. đã lừa được nhiều người đưa tiền cho mình (gần 10 triệu đồng) để thực hiện giao kết. Tuy nhiên, T. không phải nhân viên đài nên không thể hoàn tất hợp đồng, gây thiệt hại cho nạn nhân. Theo quy định về tội lừa đảo, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. T. đã lừa các hộ dân, chiếm đoạt gần 10 triệu đồng nên đã cấu thành tội phạm...

Một quan điểm khác bảo T. phạm tội trộm cắp tài sản. Bởi T. không phải là nhân viên đài, không có chức năng giao dịch hợp đồng nối truyền hình cáp nhưng vẫn đấu nối dây, ảnh hưởng đến quyền lợi của đài truyền hình. T. đã lén lút, làm những điều mà đài truyền hình không cho phép nên đã bị phát hiện, bắt quả tang. Hợp đồng của T. với các hộ dân là gần 10 triệu đồng, T. đã nhận tiền, đã thực hiện việc nối dây. T. bị phát hiện, bắt giữ là ngoài ý muốn của T. Với định lượng này, việc truy tố T. về tội trộm cắp tài sản là hoàn toàn có cơ sở…

Không phạm tội?

Hành vi của T. là vi phạm pháp luật nhưng chưa cấu thành tội phạm. Về tội lừa đảo, theo tôi, dù T. không có chức năng, thẩm quyền để thực hiện hợp đồng nhưng không có ý định chiếm đoạt tài sản của người dân. Cụ thể, sau khi nhận tiền, T. đã mua các thiết bị, đã đấu nối dây để kéo vào từng hộ gia đình. Việc kéo nối không thành vì T. bị phát hiện. Thậm chí số tiền T. bỏ ra mua thiết bị cũng khá lớn so với tổng hợp đồng.

Về tội trộm cắp, mặc dù T. đã có hành vi trộm sóng của đài truyền hình nhưng T. đã không đạt mục đích. T. đã bị phát hiện ngay khi đấu nối. Hành vi này cũng chưa gây thiệt hại cho đài truyền hình. Theo quy định, người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm… T. không gây thiệt hại như luật quy định nên không phạm tội. Theo tôi, hành vi của T. là vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự.

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM

MINH PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm