Ghen bóng gió giết chết hôn nhân

Huyện Đại Lộc là một huyện trung du sơn cước, tiếp giáp dãy núi Trường Sơn, phía tây bắc Quảng Nam. Ở đây, án ly hôn chiếm tỉ lệ cao nhất trong án dân sự. Nhiều năm xử án ly hôn, tôi đã chứng kiến không ít chuyện cười ra nước mắt.

1. Một người vợ xin ly hôn do thường bị chồng đánh đập. Vết thương thể chất không nghiêm trọng lắm nhưng về mặt tinh thần, chị tỏ vẻ không thể chịu đựng được nữa.

Tòa xác minh gia đình họ ở trong một khu vực đông dân. Bà con lối xóm đoàn kết, gắn bó, tối lửa tắt đèn có nhau, nhà này thông sang nhà kia. Hàng xóm cho biết nhà anh chị yên ấm, hòa thuận. Chưa bao giờ họ nghe tiếng cãi vã, đánh nhau.

Dù vậy, khi tòa tổ chức hòa giải không thành, người vợ vẫn cương quyết xin được ly hôn. Tòa đành mở phiên xử.

Ghen bóng gió giết chết hôn nhân ảnh 1

Đến lúc ấy, toàn thân người vợ vẫn còn những vết bầm tím. Người vợ xác nhận do bị chồng đánh. Anh đã đánh chị rất nhiều lần. Tòa hỏi sao không kêu cứu. Người vợ sau một hồi ngập ngừng, cuối cùng cũng nói ra sự thật: Ban đêm chồng chị thường đòi… Chuyện vợ chồng, chị không hề băn khoăn gì. Nào ngờ, “xong việc”, khi chị đang còn trong tình trạng Eva thì anh đánh chị. Anh còn giấu hết quần áo của chị. Chị trần tình: “Đang ở tình trạng ấy thì sao dám kêu la, cầu cứu!”.

Người chồng lý giải: Sau mỗi lần “yêu” nhau, anh thường nghĩ chắc hồi trước chị nhiều mối lắm, đa tình lắm. Thế là anh lên cơn ghen. Không thể kiềm chế được cơn bực tức, ghen tuông, anh mới thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với chị.

Tình tiết này làm tòa khá bất ngờ. Tòa phê phán hành vi của người chồng và nhắc nhở: Nếu thương tích của chị trên 11% thì anh đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự rồi. Cuối cùng tòa chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của người vợ.

2. Một người vợ trẻ khác nộp đơn xin ly hôn với lý do: “Vợ chồng không hợp tính tình”. Cái không hợp ấy là mỗi khi “quan hệ” xong, người chồng lại… móc bóp, rút tiền vất vào mặt vợ. Hành vi thô bỉ ấy làm chị thấy nhục nhã vì bị anh xem như là “đào”.

Người chồng thừa nhận có làm như vậy vì chị trẻ đẹp quá. Hơn nữa, chị đã từng bỏ nhà đi hai năm. Anh đoán chừng chị có nhân tình. Chị không đàng hoàng thì anh phải đối xử như với mấy cô ngoài đường.

Người vợ trình bày với tòa rằng hồi còn tìm hiểu, chị thấy anh tính tình hiền lành và cư xử rất tế nhị. Lấy nhau vài tháng, tự dưng anh thay đổi. Anh ghen tuông với mọi đàn ông mà anh cho rằng trước đây có quan hệ tình cảm với chị. Thậm chí thấy chị nói chuyện với ai anh cũng tra vấn. Anh hạch hỏi chị nhiều lần về mối quan hệ với người đó, rằng chị và người đó đã làm gì nhau chưa… Sự ghen tuông bệnh tật của anh làm chị phải bỏ đi, phần vì sợ, phần cũng vì muốn anh suy nghĩ lại mà thay đổi tâm tính.

Sau đó, anh tìm gặp chị, hứa sẽ thay đổi. Chị yên lòng theo anh về. Hơn nữa, thực lòng chị vẫn luôn mong anh rồi sẽ thay đổi mà tiếp tục sống đời vợ chồng hạnh phúc với chị. Nhưng chứng nào tật nấy, bệnh ghen của anh lại tái diễn. Chưa kể, nghe bạn bè bàn ra tán vào rằng trong hai năm xa nhà, làm sao tin được chị chỉ có mình anh, bệnh của anh còn trầm trọng hơn.

Tòa đành xử cho họ ly hôn bởi cuộc sống chung của họ không thể cứu vãn được. Nếu kéo dài tình trạng này, người vợ có thể bị ức chế, không chừng lại phát sinh bệnh trầm cảm hoặc thần kinh phân liệt.

3. Thế hệ 8X là đối tượng xin ly hôn nhiều nhất. Tuy nhiên, vẫn có những vợ chồng ở cái tuổi U40, U50 dắt nhau ra tòa xin được đường ai nấy đi.

Hai vợ chồng nọ chung sống trên 20 năm. Ông làm thầu xây dựng, bà lo việc nội trợ. Cuộc sống êm đềm, không thật giàu có nhưng cũng đủ đầy. Đứa con chung, tuổi cũng bằng chừng ấy năm hạnh phúc của họ. Vậy mà đột nhiên bà xin ly hôn với lý do ông phản bội, có một đứa con riêng.

Người chồng xin phép được trình bày riêng khi tòa hỏi chuyện. Tòa đồng ý và bảo nguyên đơn ra ngoài. Một mình trước những người tiến hành tố tụng, ông ngập ngừng giây lát rồi xin tòa cho được… cởi quần. Cả hội đồng xét xử lẫn thư ký phiên tòa đều phát hoảng. Chủ tọa phải ngăn cản ngay “thiện chí” này.

Ông thoáng chút ngần ngại rồi trình bày: “Thưa tòa, dương vật tôi chỉ nhỏ bằng ngón tay út do khuyết tật bẩm sinh. Tôi chưa bao giờ làm đàn ông được với vợ tôi, nói gì với người khác!”.

Tòa hết sức ngạc nhiên. Ông giãi bày: Ngày ấy ông yêu thầm bà. Việc này mình ông biết, không nói với ai, kể cả bà. Bà kể với ông là đã có thai với một người trong làng nhưng người này bỏ rơi bà, chắc bà phải bỏ đứa bé… Nghe vậy, ông động viên bà dưỡng thai. Rồi ông cưới bà và nhận đứa bé làm con. Suốt hơn 20 năm, họ ngủ chung nhưng chưa bao giờ quan hệ…

Tòa thắc mắc: Sao ông lại lấy bà khi ông không thể đem lại hạnh phúc cho bà? Ông trần tình rằng ông thật sự yêu thương bà. Trong điều kiện bình thường, bà sẽ không bao giờ đồng ý làm vợ ông. Hơn nữa, cha mẹ ông không biết ông bị khuyết tật nên cứ giục ông lấy vợ. Một lý do nữa, ông không muốn bị bạn bè, đối tác dị nghị. Ông làm thầu xây dựng, muốn được tin tưởng trong việc làm ăn thì phải có gia đình, vợ con như người khác.

Ông nói không biết lý do bà xin ly hôn. Ông cũng chẳng nghi ngờ gì bà. Bà xin ly hôn, ông sẽ chấp nhận. Ông chỉ mong bà đừng nói oan cho ông.

Tòa thông cảm với nỗi lòng và nỗi đau của ông. Điều thầm kín gần nửa đời người nay đã bị phơi bày trước tòa. Những điều ấy đáng lẽ chỉ mình vợ ông biết…

Chuyện ly hôn có điều gì đó không rõ ràng từ phía người vợ. Nhưng với cái hoàn cảnh éo le này của họ, tòa chấp nhận yêu cầu ly hôn. Hai ông bà ra khỏi phòng xử. Họ nhìn nhau thật lâu ở cổng tòa. Không ai nói với ai câu nào. Rồi mỗi người một xe họ đi về…

Nguyên tắc hòa giải trong án hôn nhân là hòa giải đoàn tụ. Hòa giải không thành, tòa mới mở phiên xử. Khi kết hôn, không ai hỏi lý do nhưng khi ly hôn thì phải ra tòa. Tòa phải hỏi cho ra lý do khiến hai con người không muốn sống cùng nhau nữa.

Hôn nhân là điều tốt đẹp và thiêng liêng. Thế nhưng cũng có khi ly hôn lại là cách tốt nhất để người ta thoát khỏi đau đớn, có cơ may xây dựng lại cuộc đời với những hy vọng tươi sáng hơn!

PHƯƠNG LOAN (ghi theo lời kể của thẩm phán Trương Văn Triệu, Phó Chánh án TAND huyện Đại Lộc, Quảng Nam)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm