Giam 17 tháng rồi... im lặng

Cơ quan tố tụng xác định hành vi của các bị can không đủ yếu tố cấu thành tội phạm và ra quyết định trả tự do nhưng lại không ra quyết định đình chỉ điều tra... Số phận của ba người vẫn còn luẩn quẩn chưa được minh oan một cách rõ ràng và hiện họ đang trên con đường đi tìm công lý.

Được trả tự do

Theo kết luận điều tra của cơ quan điều tra Công an huyện Củ Chi (TP.HCM) thì Hồ Duy Thiện, Huỳnh Ngọc Tú và Nguyễn Vĩnh Bảo bị nghiện ma túy nên rủ nhau cướp giật lấy tiền chích hút.

Ngày 8-12-2009, cả ba giật được túi xách (bên trong có máy tính xách tay và các tài sản khác trị giá hơn 400.000 đồng) của một phụ nữ đi đường. Tiếp đó, cả nhóm lại thực hiện thêm năm vụ cướp giật khác.

Sau khi điều tra, cơ quan công an xác định Thiện là chủ mưu còn Tú và Bảo giúp sức tích cực và chuyển hồ sơ sang VKSND huyện Củ Chi đề nghị truy tố. Thấy chứng cứ kết tội chưa rõ, còn nhiều mâu thuẫn nên viện trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Hai lần điều tra bổ sung nhưng vẫn không chứng minh được tội phạm, ngày 26-8-2011, sau hơn 17 tháng tạm giam, cơ quan điều tra trả tự do cho cả ba với lý do hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Giam 17 tháng rồi... im lặng ảnh 1

Chưa thể minh oan

Theo trình bày của ba anh, tháng 3-2010, Công an xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi) mời cả ba người lên làm việc rồi bị công an xã và cán bộ điều tra công an huyện đánh đập, bắt phải nhận có hành vi cướp giật. Sau đó cả ba bị đưa về trại tạm giam của công an huyện. Trong thời gian điều tra, cơ quan điều tra còn cung cấp thông tin sai sự thật cho một tờ báo để báo này đã đăng ảnh, nêu đích danh ba người với nội dung Công an huyện Củ Chi đã bắt giữ nhóm quý tử ăn chơi nghiện ngập ma túy do Hồ Duy Thiện cầm đầu chuyên cướp giật tài sản... Tuy nhiên, do cơ quan chức năng không chứng minh được tội phạm, trả tự do nhưng lại không đình chỉ điều tra vụ án, minh oan cho mình, cả ba anh đã khiếu nại đòi sự công bằng.

Đầu tiên, ba người trực tiếp đến cơ quan điều tra để làm việc thì nơi đây chỉ qua VKSND huyện Củ Chi. Theo hướng dẫn, ba anh sang viện nhưng vẫn không được giải quyết. Ngày 27-11-2011, ba anh gửi đơn đến VKSND TP.HCM khiếu nại và cơ quan này đã chuyển đơn về VKSND huyện Củ Chi. Tuy nhiên, sự việc vẫn chưa có hồi âm.

Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với cơ quan điều tra công an huyện và VKSND huyện Củ Chi để hẹn một cuộc làm việc nhằm tìm hiểu rõ vấn đề nhưng lãnh đạo hai cơ quan này đều bảo bận việc, chưa thể sắp xếp cuộc hẹn...

Làm sai phải bồi thường

Về vụ việc này, luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng luật sư Người nghèo) và luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cơ quan chức năng không chứng minh được hành vi phạm tội của ba người thì phải bồi thường cho họ theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Cụ thể hơn, luật sư Thanh phân tích chỉ cần căn cứ vào quyết định trả tự do với lý do hành vi không cấu thành tội phạm thì ba người này có thể gửi đơn yêu cầu bồi thường. Hành vi không cấu thành tội phạm cũng được coi như những người này không phạm tội. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong vụ án này VKSND huyện Củ Chi mới là cơ quan phải bồi thường về vật chất cũng như danh dự, nhân phẩm cho những người này. Theo quy định, những vụ án đã có sự phê chuẩn của VKS thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc cơ quan này chứ không phải cơ quan điều tra...

Khoản 2 Điều 31 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định về trách nhiệm bồi thường của VKSND trong hoạt động tố tụng hình sự như sau: Trong trường hợp VKS đã phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc ra lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội...

D.HẰNG - T.HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.