Kê khống giá thiết bị chiếm lợi

Theo hồ sơ, cuối năm 2004, Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục 2 chủ trương cho nhân viên liên hệ các đơn vị khác mua thiết bị trường học cho công ty.

Tham ô hơn 260 triệu đồng

Nguyễn Viết Xuân và Nguyễn Thị Đông (trưởng phòng tổ chức hành chính và trưởng phòng kế hoạch - kinh doanh của công ty) đã mua được một số thiết bị như kính hiển vi, đồng hồ vạn năng, bộ mô hình sinh học lớp 8… Cả hai đã kê khống giá hàng hóa để chiếm đoạt số tiền chênh lệch hơn 250 triệu đồng. Sau đó, cả hai bị khởi tố, truy tố về tội tham ô.

Tháng 9-2010, TAND TP.HCM xử sơ thẩm. Đầu tiên Xuân khai đã mua hóa đơn GTGT khống để chiếm hưởng 162 triệu đồng. Sau Xuân lại bảo, chỉ thực nhận số tiền mua hàng và chi phí mua hóa đơn khống, còn số tiền chênh lệch 162 triệu đồng ai giữ Xuân không biết và không chiếm đoạt.

Bị cáo Đông thì cho rằng biết Xuân có hưởng lợi trong việc mua hàng này nhưng do cả nể vì cả hai đều là trưởng phòng và Đông không hề được chia tiền.

HĐXX nhận định hồ sơ thể hiện lợi dụng việc mua hàng hóa cho công ty, Xuân liên hệ với công ty khác thỏa thuận mua các thiết bị giáo dục với giá thấp rồi mua hóa đơn hợp thức hóa cho việc nâng giá các mặt hàng này để chiếm đoạt 263 triệu đồng. Đông biết việc Xuân làm nhưng vẫn chỉ đạo nhân viên lập tờ trình cho giám đốc để Xuân chiếm đoạt tiền. Hành vi của cả hai bị cáo đã cấu thành tội tham ô tài sản. Tòa tuyên phạt Xuân chín năm tù và Đông bảy năm tù.

Kê khống giá thiết bị chiếm lợi ảnh 1

Tội lập quỹ trái phép!

Sau đó, cả hai bị cáo đều kháng cáo cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không chiếm hưởng số tiền chênh lệch mà chỉ làm theo chỉ đạo của giám đốc công ty.

Xử phúc thẩm mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại đưa ra nhận định khác với cấp sơ thẩm. Theo tòa, hành vi của hai bị cáo phạm vào tội lập quỹ trái phép.

HĐXX nhận định, công ty có lập quỹ để ngoài sổ sách giao cho thủ quỹ giữ và chi. Việc hai bị cáo mua hóa đơn để thanh toán tiền cho các lô hàng là có thật. Số tiền chênh lệch trong việc thanh toán các lô hàng là 162 triệu đồng. Bị cáo Xuân có hai dạng lời khai: ban đầu là nhận mình chiếm hưởng, sau đó cho rằng số tiền đó đưa vào quỹ công ty. Xét thấy lời khai sau phù hợp với lời khai của thủ quỹ cũng như người giám sát quỹ. Đó là số tiền chênh lệch được đưa vào quỹ trái phép và đặc biệt nó phù hợp với cung cách, thực trạng làm ăn quản lý của giám đốc công ty. Vì thế hành vi của hai bị cáo không thể kết luận như cấp sơ thẩm là tham ô vì hai bị cáo không có sự chiếm đoạt biến thành của riêng. Hai bị cáo chỉ có vai trò đồng phạm tích cực trong việc lập quỹ trái phép ở công ty. Ngoài ra, các bị cáo cũng không biết giám đốc làm gì với quỹ đó. Vụ án cũng không xác định được người bị hại vì cả Bộ Giáo dục (đơn vị nắm 51% cổ phần của công ty) và công ty đều không bị thiệt hại trong chuyện kê khống giá. Hơn nữa, hàng hóa, thiết bị vẫn đảm bảo chất lượng cho công tác dạy học…

Cấp sơ thẩm đã lập luận không dựa trên lời khai của những người làm việc trực tiếp cũng như các tình tiết của vụ án. Từ đó, tòa cấp sơ thẩm đánh giá chứng cứ sai, kết luận sai về số tiền chênh lệch lẫn tội danh. Tòa cấp phúc thẩm đã sửa án, tuyên phạt Xuân hai năm tù, Đông 18 tháng án treo cùng về tội lập quỹ trái phép. Đồng thời, tòa kiến nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý các hành vi vi phạm của giám đốc công ty để đảm bảo tính công bằng.

Quanh vụ án này có nhiều quan điểm không đồng tình việc xử lý của tòa cấp phúc thẩm. Bởi hành vi lập quỹ trái phép không có yếu tố chiếm đoạt trong khi ở đây là có ý thức chiếm đoạt nên tội danh cấp sơ thẩm áp dụng là chính xác. Theo luật, quỹ trái phép được hiểu là quỹ tiền mặt hoặc quỹ hàng hóa mà không có báo cáo, do đó không chịu sự quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng hoặc cơ quan cấp trên có thẩm quyền. Hành vi lập quỹ trái phép chỉ cấu thành khi có đầy đủ các dấu hiệu sau: Lợi dụng chức vụ và quyền hạn để lập quỹ trái phép có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng và đã sử dụng quỹ đó gây hậu quả nghiêm trọng.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm