Món quà đơn sơ…

Một cái bình giữ ấm rất bình thường nhưng lại là một món quà đầy ân tình trong cuộc đời làm nghề xét xử của ông...

1. Sáu năm trước, ông là thẩm phán của một tòa quận. Năm đó, một bà lão gần 80 tuổi, tóc đã bạc trắng chống gậy đến tòa nộp đơn khởi kiện. Lần đầu gặp trước phòng thụ lý án, vị thẩm phán không khỏi ái ngại cho bà cụ khi với cái tuổi gần đất xa trời rồi mà vẫn còn phải “đáo tụng đình”. Đáng buồn hơn, người mà bà cụ kiện lại là vợ chồng đứa con trai duy nhất.

Vụ tranh chấp đòi nợ của bà cụ sau đó đã được phân công cho ông giải quyết. Hồ sơ vụ án rất mỏng, ngoài vài bản phôtô giấy tờ tùy thân của đương sự thì chỉ có một lá đơn khởi kiện. Trong đơn bà cụ kể rằng vài năm trước, bà cho vợ chồng con trai mượn 25 lượng vàng để xây nhà. Khi thấy con đã ăn nên làm ra, bà nhắc các con về món nợ nhưng họ cứ lờ đi nên bà phải nhờ tòa phân xử.

Nghiên cứu hồ sơ, vị thẩm phán biết đây sẽ là một vụ án khó khăn bởi ngoài đơn khởi kiện, bà cụ không hề có một chứng cứ nào chứng minh chuyện cho con mượn vàng. Hơn nữa, tranh chấp lại xảy ra giữa những người máu mủ ruột rà…

Lần ông mời bà cụ đến lấy lời khai cũng là buổi lấy lời khai dài nhất từ khi ông giữ cương vị thẩm phán. Bà cụ kể lể đủ thứ về cuộc đời bà nhưng nội dung chính của vụ kiện thì lại rất lan man. Vị thẩm phán không nỡ cắt ngang dòng kể của người nguyên đơn lớn tuổi này. Qua câu chuyện, ông biết rằng bà cụ chỉ có đứa con trai duy nhất. Chồng mất sớm, bà cụ thức khuya dậy sớm tảo tần mưa nắng đi làm nuôi con ăn học nên người. Con trưởng thành, bà cũng tất tả ngược xuôi đi thuyết phục nhà người ta để cưới vợ cho con dù từng phải chịu cả sự mỉa mai, mạt sát bởi nhà gái nghĩ nhà bà không “môn đăng hộ đối”.

Món quà đơn sơ… ảnh 1

Đám cưới xong, con trai bà gây dựng được một căn nhà riêng từ tiền của nhà vợ giúp. Từ đó, vợ chồng anh ít khi về thăm mẹ. Bà bơ vơ nhưng nghĩ mình còn sức lao động, tự nuôi thân được nên không trách con, chỉ mong chúng mạnh khỏe, hạnh phúc. Một ngày, hai vợ chồng về thăm bà, thuyết phục bà bán nhà lấy tiền đưa cho họ xây lại căn nhà của họ để lập cơ sở kinh doanh, “còn mẹ về dưỡng già với con với cháu cho đầm ấm”... Thương con, bà ưng thuận bán nhà. Được 25 lượng vàng, bà giao hết cho con, không cần một tờ giấy gì cả.

Sau đó, trong lúc bận bịu xây nhà cao cửa rộng, vợ chồng người con trai sắp xếp gửi mẹ ở nhà một người bà con. Khi căn nhà mới của con trai đã hoàn tất, bà đợi mãi cũng không thấy con cái đến đón về. Họ hàng của bà bắt đầu có lời xì xào rằng bà là kẻ ăn bám, không ai chăm lo. Bà đi tìm con hỏi chuyện thì bị xua đuổi, không cho vào nhà. Cô con dâu còn lớn tiếng: “Nhà mới xây, mẹ lớn tuổi vào ở, lỡ xui rủi mất thì làm xấu phong thủy”. Tủi thân cùng cực, người mẹ già đành tìm đến nhà một hàng xóm cũ xin ở tạm và dò dẫm đến tòa mong tìm công lý.

2. Nghe bà cụ kể, vị thẩm phán đầy trăn trở. Với ông, mọi việc không đơn thuần chỉ là giải quyết án theo luật định mà còn làm sao để có thể giúp đỡ được bà cụ nghèo khổ, đáng thương này.

Ông âm thầm tìm đến nơi ở cũ của bà cụ tìm hiểu việc bán nhà, rồi qua nhà anh con trai hỏi thăm nơi hàng xóm về thời gian xây nhà. Thời gian hoàn toàn trùng khớp với lời bà cụ kể. Ông tin bà cụ nhưng điều khó khăn là bà cụ không hề có chứng cứ trong khi với án dân sự, chứng cứ mới là cái quyết định.

Ở phiên hòa giải đầu tiên, vợ chồng người con trai không thèm chào mẹ lấy một câu, chỉ chăm bẳm một điều là không hề có chuyện vay mượn. Tệ hơn, họ còn đua nhau kể xấu đấng sinh thành. Người mẹ già đau lòng không thể thốt nên lời, chỉ lặng nhìn các con, đỏ hoe mắt. Tới khi mọi chuyện tưởng chừng như không thể tiếp tục bởi chỉ làm tổn thương bà cụ hơn, vị thẩm phán dừng phiên đối chất.

Ngay lúc này, người con trai bỗng lầm bầm: “Biết thế khuya đó để cho bà té ngã chết luôn. Không đưa bà đi nhà thương thì lấy đâu bà còn mạng mà giờ kiện tui”. Quá tức giận, vị thẩm phán không thể kiềm chế nổi, lớn tiếng gay gắt phê phán người con trai bất hiếu làm mọi người đều ngỡ ngàng.

Lúc bình tĩnh, ngồi suy ngẫm lại, ông nhận ra rằng trong vụ án, điều quan trọng hơn không phải là chuyện thắng thua của bà cụ mà làm sao để đánh thức được lòng hiếu thảo của đứa con trai trước một người mẹ già đã hết lòng thương yêu mình.

Ông mời các bên đến hòa giải lần hai, xin lỗi phía bị đơn vì đã lỡ nặng lời với họ. Cũng như ở phiên hòa giải trước, vợ chồng người con trai vẫn khẳng định không hề vay mượn vàng bạc gì cả. Giờ giải lao, bà cụ bỏ ra ngoài, người con dâu hậm hực ra theo. Chỉ còn người con trai trong phòng, vị thẩm phán đốt điếu thuốc mời anh và hỏi chuyện vu vơ về con cái.

Người con trai kể rằng anh có hai cháu nhỏ, chúng rất ngoan và học giỏi, đặc biệt rất “thần tượng” ba mình… Vị thẩm phán mỉm cười ngồi nghe, bất chợt rủ rỉ: “Con nít có thể nói dối chuyện không thành có nhưng với những bậc cha mẹ như chúng ta, chắc không bao giờ có thể làm thế với chúng nhỉ. Liệu anh có thể lừa gạt con mình không?”. Người con trai lắc đầu: “Dĩ nhiên…”. Vị  thẩm phán trầm ngâm: “Tôi nói thật nhé, tôi tin là mẹ anh không nói dối. Tôi tin rằng quy luật của cuộc đời là con cái có thể lừa cha mẹ nhưng cha mẹ thì không bao giờ lừa gạt con cái cả. Thôi thì anh hãy về nghĩ lại lời tôi nói. Mẹ anh không còn sống được bao lâu nữa đâu. Đừng để mọi thứ quá muộn. Chúng ta tạm dừng buổi hòa giải hôm nay ở đây vậy”...

3. Xuống sân tòa, đã lấy xe định về, người con trai bất ngờ quay lại, thú nhận tất cả với người thẩm phán. Sự thật câu chuyện đúng như mẹ anh đã kể. Nhưng dạo này làm ăn có phần đi xuống, nhất thời anh đã nghĩ quẩn, cùng vợ tìm cách xóa món nợ của mẹ.

Bà cụ được mời lên. Người con trai đã khóc và mong mẹ tha thứ. Vợ chồng anh thừa nhận đã vay 25 lượng vàng của mẹ nhưng giờ chỉ có khả năng trả 13 lượng mà thôi. Anh sẽ gửi trước cho mẹ, sau này anh tiếp tục làm để trả tiếp.

Bà cụ cũng bật khóc, nói với vị thẩm phán rằng bà đi kiện để mong con hiểu rằng sống cần phải có đạo lý và nguyên tắc chứ không phải đi kiện vì vật chất bởi thật ra bà cũng không còn sống được bao lâu nữa.

Vụ án được khép lại. Ít lâu sau, bà cụ cùng đứa con trai đã tìm đến tòa, tặng vị thẩm phán cái bình giữ ấm nước. Họ đã sum họp chung một mái nhà sau khi người con trai đón mẹ về chăm sóc. Họ cảm ơn ông vì ông đã hết lòng giúp họ nhận ra giá trị của tình thân...

Nhấp ngụm trà, vị thẩm phán mỉm cười: “Có thể tôi đã gặp may khi người con trai sớm nhận ra đạo nghĩa. Nhưng nếu buộc phải mở phiên tòa, tôi sẽ xử cho bà cụ thắng dù không có chứng cứ gì và chấp nhận chịu hủy án hoặc kỷ luật. Thật sự, tôi chỉ mong không còn phải gặp những vụ kiện đau lòng như thế nữa”... Vừa nói hai tay ông lại xoay xoay chiếc bình giữ ấm được tặng đã lâu...

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm