GÓP Ý SỬA ĐỔI BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ:

Nhiều quy định “trói tay” tòa

Theo Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng Dương Công Lập, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện đang có nhiều quy định làm khó tòa.

Luật làm khó tòa

Chẳng hạn, luật quy định chỉ có thể xét xử vắng mặt sau khi tòa phải tống đạt hợp lệ hai lần cho đương sự. Điều này làm cho đương sự có thói quen là chờ đến… lần triệu tập thứ hai mới chịu có mặt.

Phó Chánh án TAND TP.HCM Trần Văn Sự nói nên bỏ hẳn quy định triệu tập hợp lệ hai lần. Nếu các tòa đã làm tròn trách nhiệm tống đạt hợp lệ đến đương sự mà đương sự vẫn không tới (trừ trường hợp có lý do chính đáng) thì tòa giải quyết vắng mặt luôn. Có như vậy thì mới mong nâng cao tinh thần hợp tác của đương sự.

Ngoài ra, thực tế hiện nay có nhiều trường hợp buộc phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định giá, giám định thiệt hại… nhưng luật chưa quy định. Do đó, tới đây những trường hợp như vậy cần phải sớm đưa vào luật.

Nhiều quy định “trói tay” tòa ảnh 1

Một phiên tòa dân sự TP.HCM. Ảnh: HTD

Sửa việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Nhiều thẩm phán còn băn khoăn rằng quy định về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời còn những điểm chưa hợp lý.

Đại diện TAND quận 11 (TP.HCM) nói quy định chỉ được kê biên tài sản có giá trị tương đương hoặc thấp hơn nghĩa vụ của bị đơn đang gây khó cho tòa. Bởi lẽ muốn biết giá trị tài sản đó có tương đương hay không phải nhờ tới cơ quan giám định chuyên môn. Như vậy sẽ rất tốn thời gian trong khi tính chất áp dụng của biện pháp này là khẩn cấp. Chưa kể nếu đương sự chỉ có tài sản là một căn nhà trong khi giá trị yêu cầu kê biên lại ít thì chẳng khác nào đánh đố thẩm phán. Yêu cầu của nguyên đơn là chính đáng nhưng áp dụng thì không được, không áp dụng thì bị khiếu nại.

Phó Chánh án TAND tỉnh An Giang Nguyễn Văn Học kiến nghị cho phép tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cả trước khi đương sự khởi kiện. Ông kể: Ở An Giang có một vụ tranh chấp lối đi. Phía bị đơn rào bít lối đi này. Rồi người nhà nguyên đơn mất nên họ đề nghị tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là mở lối đi để đưa tang. Sau đó lãnh đạo TAND tỉnh đã thuận tình để giúp người quá cố. May là tòa đã thụ lý vụ việc này mới giúp được đương sự chứ không sẽ bó tay...

Không đồng tình, Phó Chánh án TAND quận 4 (TP.HCM) Lê Thị Hằng nói nên giữ nguyên quy định đương sự yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần phải nộp chung với đơn khởi kiện. Có như vậy tòa mới xác định được vấn đề có thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hay không.

Thẩm phán Trần Văn Sự nêu ra một vướng mắc khác: Tòa ra lệnh tạm giữ một con tàu nhưng trên tàu lại có hàng hóa. Vậy tòa sẽ giữ tàu, giữ hàng hóa hay cả hai? Nhiều nước trên thế giới cũng đang vướng chuyện này nên cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn thêm.

Về chuyện ký quỹ, Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM Phan Gia Quý chỉ thêm một bất hợp lý: “Ngân hàng yêu cầu bắt giữ tàu biển để đảm bảo cho nghĩa vụ trả vài trăm triệu đồng nhưng buộc họ phải ký quỹ cả tỉ đồng thì sao được”.

Giảm tải cho tòa cấp tỉnh

Về thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại, hầu hết các thẩm phán đều đồng tình là nên chuyển một số vụ đơn giản về cho tòa cấp huyện xét xử. Một thẩm phán cho rằng tranh chấp tín dụng ở các vùng nông thôn chủ yếu là dạng vay tiền để trồng cây, nuôi heo, nuôi gà... nên tòa cấp huyện giải quyết tốt. Thực tế có nhiều vụ án dân sự phức tạp, tòa huyện vẫn làm được thì không lý gì án thương mại nhỏ lẻ lại không giải quyết nổi...

THANH TÙNG - HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm