Ông chủ tiệm vàng và 2 triệu đồng tội lỗi

Chỉ cách phiên tòa sơ thẩm vài tháng nhưng trông Nguyễn Tấn Thành (41tuổi) mất hẳn vẻ bệ vệ. Thay vào đó là hình ảnh người đàn ông với ánh mắt mệt mỏi cùng gương mặt chảy sệ. Suốt thời gian chủ tọa đọc lại nội dung vụ án, Thành đứng nghiêm trang nhưng đôi vai to bè cứ nhấp nhô theo từng tiếng thở dài.

Theo nội dung vụ án, tháng 8/2008, Nguyễn Văn Quang (26 tuổi) cùng đồng bọn đã tổ chức cướp 24 lượng vàng (vàng miếng SJC và các loại nhẫn, vòng…) của tiệm vàng Anh Sang (huyện Nhà Bè, TP HCM).

Vài ngày sau, băng cướp tìm đến tiệm vàng Kim Hưng tại quận 8 do ông Nguyễn Tấn Thành làm chủ, ngỏ lời muốn bán một lượng vàng lớn không có giấy tờ. Do không đủ tiền để mua, Thành gọi điện thông báo cho Hàng Thành Phương về “phi vụ” này và được người “phe” vàng chợ đen đồng ý sẽ mua lại.

Sáng ngày 15/8/2008, cảnh sát khu vực tại nơi Thành kinh doanh đến đưa thông báo về việc truy lùng tang vật vụ cướp tiệm vàng Anh Sang. Tiếp nhận thông tin này, Thành ký tên vào biên bản làm việc. Tuy nhiên, ngay chiều hôm đó, ông chủ tiệm lại bằng lòng mua số vàng phạm pháp trên khi băng cướp mang đến. Sau khi kiểm tra, Thành đồng ý mua với giá 20.000 USD và 6 triệu đồng rồi sang ngay lại cho Hàng Thành Phương để hưởng chênh lệch 2 triệu đồng.

Khi vụ án được đưa ra xét xử Thành bị kết tội 2 năm tù vì “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Ông chủ tiệm vàng và 2 triệu đồng tội lỗi ảnh 1
Bị cáo Thành ngày ra tòa. Ảnh: Vũ Mai.

Hai ngày sau, từ trong trại giam, Nguyễn Tấn Thành đã viết đơn kháng cáo, tha thiết mong tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xét xử theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho mình.

"Lúc mua vàng của tiệm Anh Sang bị cáo không nghĩ đó là vàng họ cướp được. Vả lại lúc đó có mặt anh Phương đứng ra nhận vàng, đưa tiền nên bị cáo chủ quan, chỉ lo lấy hơn 2 triệu đồng tiền lời để tranh thủ đi đón con. Xin tòa xem xét cho bị cáo được hưởng án treo vì còn phải nuôi dạy hai con thơ dại và mẹ già đang bệnh rất nặng. Hoàn cảnh gia đình bị cáo lúc này quá khó khăn, nợ ngân hàng rất nhiều tiền…”. Thành rớm nước mắt, khẩn khoản trình bày.

"Chính bị cáo đã ký vào văn bản mà công an khu vực thông báo truy tìm vật chứng vụ cướp thì không thể nói là không biết. Kinh tế của bị cáo khó khăn mà mở được tiệm vàng à?”, vị chủ tọa vặn.

“Tiệm đó là của gia đình vợ. Bị cáo đã trả lại hết cho vợ trước khi ly hôn nên chẳng còn gì cả. Bị cáo còn phải vay thêm tiền ngân hàng trả cho cô ấy để được nuôi các con. Từ ngày bị cáo bị bắt, ngân hàng đã đến siết nhà, còn mẹ và các con của bị cáo phải sống nhờ vào bà con dòng họ...", người đàn ông, cúi đầu tránh ánh mắt của HĐXX.

Giờ nghị án, Thành ngồi lặng lẽ, ánh mắt đăm chiêu. Sau phút bối rối, Thành chậm rãi cho biết, hơn 15 năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học, Thành được nhận vào làm thầy giáo dạy vi tính. Cũng tại lớp học này, Thành yêu say đắm cô tiểu thư con gái một doanh nhân vàng.

Tình yêu ngọt ngào ấy kết trái bằng một đám cưới. Thành bỏ dạy ở nhà phụ cô buôn bán. Theo người đàn ông này, công việc làm ăn ngày càng phát đạt nhưng mâu thuẫn gia đình cũng nảy sinh. Sau gần 10 năm chung sống và có với nhau 2 đứa con kháu khỉnh, người vợ quyết định ly hôn, con do Thành nuôi nấng. Bù lại, người chồng phải giao toàn bộ vốn liếng cộng với một tỷ đồng tiền mặt.

Nhìn các con ngây thơ và người mẹ già gần đất xa trời, Thành quyết tâm dồn hết sức để kiếm tiền, làm lại từ đầu bằng hai bàn tay trắng. Những lần không có vốn thu mua vàng, Thành đều gọi cho Hàng Thành Phương sang tay lại để kiếm tiền hoa hồng. Đó chính là nguồn cơn dẫn Thành vào con đường phạm tội.

Ngày 28/4, cho rằng cấp sơ thẩm chưa xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo, HĐXX đã chấp nhận kháng cáo, tuyên phạt Nguyễn Tấn Thành mức án 2 năm nhưng cho hưởng án treo.

HĐXX chưa đọc xong bản án, Thành đã lập cập chìa tay cho các chiến sĩ công an còng lại, để được dẫn nhanh về trại giam làm thủ tục tại ngoại. Khuôn mặt người đàn ông lấp lánh niềm vui.

Theo Vũ Mai (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm