CÓ NÊN XỬ THEO ÁN LỆ?- BÀI 4

Sửa luật để công nhận án lệ

Sửa luật để công nhận án lệ ảnh 1

Theo PGS-TS Trương Đắc Linh, cần mạnh dạn áp dụng án lệ để đồng nghĩa với việc trao quyền giải thích sáng tạo pháp luật cho tòa án. Ảnh: HTD

Vấn đề là có ý kiến cho rằng một nước theo hệ thống luật thành văn như nước ta thì không phù hợp để áp dụng án lệ. Liệu điều này đã đúng?

Luận điểm phản đối đầu tiên cho rằng nước ta theo hệ luật thành văn với hiến pháp là đạo luật cao nhất - đạo luật gốc. Hiến pháp không quy định về án lệ, chỉ quy định thẩm phán xét xử độc lập và tuân theo pháp luật thì không thể áp dụng án lệ.

Luật do con người làm ra

Phải chọn lọc thật chặt

Có người lo ngại nếu chấp nhận án lệ thì tòa cấp dưới phải xử theo án của tòa cấp trên. Chẳng may những án luật này bị hủy, bị sửa thì khắc phục hậu quả ra sao? Thực tế, ngay cả TAND Tối cao cũng không dám khẳng định những bản án giám đốc thẩm, tái thẩm của mình là hoàn toàn đúng nên luôn có hướng xin thêm cơ chế đặc biệt để xử lại nếu có sai lầm nghiêm trọng.

Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại cho rằng chính vì đôi khi có những bản án giám đốc thẩm chưa chuẩn nên mới cần công nhận án lệ để bản thân những người làm ra nó phải có trách nhiệm chọn lọc chặt chẽ hơn, kỹ lưỡng hơn, chính xác hơn. “Các nước đã áp dụng rất hiệu quả rồi thì chúng ta còn chần chừ gì nữa mà không sửa luật để áp dụng”.

Nhìn ngược lại, luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) nói luật pháp do con người tạo ra thì con người cũng có thể chỉnh sửa được. Nếu các nhà làm luật bổ sung thêm nguyên tắc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử vào hiến pháp thì vấn đề này đã được chính thức công nhận.

Cùng ý này, thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao) nhấn mạnh vấn đề cốt yếu là những bản án sẽ được chọn, được công nhận làm án lệ có chuẩn xác hay không chứ nếu cần áp dụng thì việc sửa hiến pháp là chuyện bình thường. Bản thân hiến pháp không phải là một đạo luật bất di bất dịch mà vẫn có thể chỉnh sửa bình thường. Thực tế ở ta, từ khi hiến pháp ra đời đến nay, chúng ta cũng đã phải bốn lần sửa đổi, bổ sung hiến pháp và việc này là tất yếu để hiến pháp bắt nhịp kịp cuộc sống sinh động.

Không ở đâu có “luật vĩnh cửu”

Luận điểm phản đối thứ hai cho rằng hiện nay tính ổn định của hệ thống pháp luật ở nước ta chưa cao, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung. Trong từng giai đoạn cụ thể thì chính sách pháp luật cũng sẽ thay đổi nên không thể lấy bản án trước áp dụng cho các vụ án sau được...

Thẩm phán Phạm Công Hùng nhận xét đây không phải là lý do để từ chối án lệ. Ông phân tích: Chúng ta không thể đòi hỏi một nền “luật pháp vĩnh cửu” vì điều đó là không tưởng, không bao giờ đạt được. Ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, tình hình kinh tế-xã hội luôn phát triển, thay đổi và phát sinh những quan hệ pháp luật mới nên nhà nước phải bổ sung pháp luật là điều đương nhiên.

Vấn đề là nếu chấp nhận áp dụng án lệ ở Việt Nam thì phải quy định ngay một nguyên tắc rằng án lệ chỉ là một nguồn pháp luật bổ sung cho hệ thống luật thành văn. Trong lúc hệ thống luật thành văn chưa kịp điều chỉnh các quan hệ, tranh chấp mới phát sinh, ngành tòa án sẽ vận dụng án lệ để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân. Sau đó các nhà làm luật sẽ luật hóa, bổ sung các quy định mới vào hệ thống luật thành văn.

Đồng tình, PGS-TS Trương Đắc Linh (ĐH Luật TP.HCM) cũng cho rằng không một nước nào không phải bổ sung pháp luật hằng ngày cả vì xã hội luôn biến động, nước ta cũng vậy. Thực tế pháp luật của chúng ta còn nhiều thiếu sót, nhiều lỗ hổng thì án lệ chính là nguồn bổ sung tốt nhất để lấp những lỗ hổng trên.

Trước lo ngại một khi chính sách pháp luật thay đổi thì không thể lấy bản án trước áp dụng cho các vụ án sau, luật sư Cao Minh Triết nhận định một án lệ đã bị lỗi thời, không còn phù hợp nữa thì chúng ta cũng hoàn toàn có thể hủy bỏ và thay thế bằng án lệ khác.

Tòa vẫn đảm bảo chức năng xét xử

Trong những ý kiến phản đối có quan điểm còn cho rằng bản án của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng chỉ là trí tuệ của một nhóm thẩm phán. Vì vậy, tại sao trong nghiệp vụ, thẩm phán cấp dưới lại phải xử theo án mẫu mà không có cách xử lý riêng khi mà bản thân họ cũng có trình độ nhất định?

Luật sư Lê Văn Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại có cách nhìn khác. Theo ông, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là những người có kinh nghiệm, năng lực học thuật và nghiên cứu pháp luật cao. Họ đã được nhà nước bổ nhiệm và theo luật thì phán quyết của họ là cấp cao nhất trong hoạt động xét xử. Hơn nữa, để tuyển chọn ra được một bản án mẫu chắc chắn họ đã phải nghiên cứu, tranh cãi kỹ lưỡng trước khi đi đến một sự đồng thuận.

Một thực tế ở nước ta là khi gặp tình huống pháp luật chưa quy định hay chưa rõ thì các tòa địa phương đều không dám chủ động “xé rào”, tự đưa ra một cách giải quyết riêng mà luôn phải xin ý kiến của tòa cấp trên. Do đó, xử theo án lệ sẽ là một cách hiệu quả, linh hoạt để giải quyết được sự thụ động này, đồng thời tránh được chuyện hai vụ án có tình tiết, nội dung, chứng cứ tương tự nhau nhưng mỗi tòa lại nhận định, tuyên án mỗi khác.

Họ đã nói

Cho tòa quyền giải thích luật

Ở các nước theo hệ luật Anh-Mỹ, ngoài việc thực thi thì tòa án là cơ quan sáng tạo pháp luật cho nên họ coi án lệ còn quan trọng hơn cả luật thành văn. Ở ta thì tòa án chỉ là cơ quan xét xử tuân theo pháp luật, không có quyền giải thích pháp luật và làm luật. Vì vậy, nguồn pháp luật của chúng ta trở nên nghèo nàn và nhiều lỗ hổng.

Do đó, chúng ta cần mạnh dạn áp dụng án lệ để đồng nghĩa với việc trao quyền giải thích sáng tạo pháp luật cho tòa án. Muốn như vậy, bước đầu tiên chúng ta phải sửa quy định về thẩm quyền, chức trách nhiệm, vụ của các cơ quan tư pháp, hành pháp, trong đó có tòa án...

PGS-TS TRƯƠNG ĐẮC LINH, ĐH Luật TP.HCM

Cần nhưng phải có lộ trình

Về lý thuyết, bản án của tòa cấp trên hoàn toàn có thể làm mẫu để cấp dưới tham khảo và vận dụng theo. Nhưng thực tế, việc áp dụng án lệ phải có một lộ trình nhất định như việc xác định cụ thể khái niệm, điều kiện, nguyên tắc của án lệ. Đó còn là việc xác định xem thu thập bản án của tòa cấp nào và phương pháp ra sao thì mới được coi là án lệ. Ngoài ra phải tính đến một thực tế là các bản án mẫu chưa được công bố đầy đủ, liên tục khiến việc thu thập khó khăn. Cạnh đó là chuyện hội thẩm nhân dân thu thập án lệ ra sao khi hầu hết họ không phải là người xét xử chuyên nghiệp mà chỉ kiêm nhiệm, tranh thủ…

Luật sư NGUYỄN BẢO TRÂM, Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật

Tạo con đường thông suốt

Án lệ có mặt tích cực là nếu một việc giải quyết đúng rồi thì cứ như thế mà làm. Nó sẽ giải quyết được hàng trăm, hàng ngàn việc khác bởi vì khi dân hiểu có hệ thống án lệ rõ ràng, rành mạch thì họ có khởi kiện ra tòa cũng sẽ được giải quyết như thế mà thôi.

Một kiểm sát viên VKSND TP.HCM

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm