Thận trọng khi quyết định hủy, sửa án

Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM và cơ quan thường trực TAND Tối cao tại phía Nam vừa phối hợp tổ chức hội nghị triển khai công tác và phương hướng nhiệm vụ cho năm 2013…

Thẩm phán còn sai sót

Thận trọng khi quyết định hủy, sửa án ảnh 1

Tập thể Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Ảnh: HY

Tiêu điểm

Tòa Phúc thẩm nhận Cờ thi đua của Chính phủ

Ông Bùi Ngọc Hòa (Phó Chánh án TAND Tối cao) ghi nhận sự nỗ lực hoàn thành tốt công tác của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM và cơ quan thường trực phía Nam của TAND Tối cao. Ông mong muốn các cán bộ, công nhân viên của hai đơn vị tiếp tục phấn đấu giữ vững thành tích và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trong năm 2013.

Cũng tại hội nghị, tập thể Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã vinh dự nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Tại hội nghị, ông Trần Văn Cò (Chánh tòa Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cho biết khi xét xử phúc thẩm, HĐXX rất thận trọng trong việc sửa và hủy án sơ thẩm. Những trường hợp mà các thành viên trong HĐXX không thống nhất về hướng xử lý thì các thành viên đều trao đổi với lãnh đạo để tham khảo ý kiến, đường lối giải quyết. Điều này giúp việc xử lý các vụ án phù hợp pháp luật. Tại các cuộc họp rút kinh nghiệm cuối năm, các TAND tỉnh đều đồng tình với kết quả xét xử của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (gọi tắt là Tòa Phúc thẩm).

Tòa Phúc thẩm cũng đưa ra một số lý do khiến bản án phúc thẩm bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm. Cụ thể, năm 2012, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy toàn bộ 17 vụ (trong số 21 vụ của Tòa Phúc thẩm bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm). Các bản án bị hủy chủ yếu do lỗi chủ quan. Về tố tụng, án dân sự bị giám đốc thẩm hủy là do triệu tập đương sự không đúng quy định, xác định sai tư cách đương sự tham gia tố tụng, chấp nhận giấy ủy quyền chưa được hợp pháp hóa lãnh sự...

Về nội dung, án dân sự bị giám đốc hủy là do chưa yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ đầy đủ để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Có vụ áp dụng pháp luật không đúng và chưa giải quyết triệt để các nội dung tranh chấp. Có vụ chưa đối trừ nghĩa vụ thanh toán của đương sự hay chưa xem xét công sức của đương sự trong việc giữ gìn, tôn vinh và nâng cao giá trị đất đai. Có hai vụ kinh doanh thương mại bị hủy do xác định sai thẩm quyền xét xử, án tuyên vượt thẩm quyền và áp dụng pháp luật không đúng. Một vụ án hôn nhân và gia đình bị hủy do chưa yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ đầy đủ và một án hành chính bị hủy với lý do nhận định chứng cứ không phù hợp với tình tiết khách quan.

Lãnh đạo Tòa Phúc thẩm nhìn nhận thêm án dân sự, kinh doanh thương mại phức tạp, hồ sơ tài liệu thường không đầy đủ… nên việc nhận định đánh giá chứng cứ rất khó. Mặt khác, nhiều lĩnh vực còn thiếu quy định hoặc chậm có văn bản hướng dẫn dẫn đến việc nhận thức và áp dụng không nhất quán... Tuy nhiên, các thẩm phán sẽ luôn cố gắng nâng chất xét xử để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tăng cường nhân sự

Lãnh đạo Tòa Phúc thẩm cho biết trong năm 2012, cơ quan đã làm tốt công tác trao đổi nghiệp vụ với các tòa địa phương khi có vướng mắc. Đơn vị đã tham gia hướng dẫn sử dụng sổ tay thư ký tòa án tại 25 tỉnh, thành phố và giảng dạy tại Học viện Tư pháp...

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Tòa Phúc thẩm cho biết phấn đấu năm 2013, chỉ tiêu giải quyết xét xử án hình sự đạt từ 90%, án dân sự là từ 85% và án hành chính là từ 80% trở lên. Về cá nhân, các thẩm phán phải hoàn thành vượt mức chỉ tiêu xét xử trung bình hằng tháng bảy vụ; hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị giám đốc thẩm hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán.

Phó Chánh Văn phòng TAND Tối cao Phạm Văn Tiển (phụ trách cơ quan Thường trực TAND Tối cao tại phía Nam) tham gia ý kiến đã kiến nghị cấp trên khẩn trương củng cố hoàn thiện cơ cấu tổ chức và bổ sung biên chế để đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là tăng cường nhân sự để thực hiện công tác nghiệp vụ và văn phòng...

Còn nhiều đơn khiếu nại giám đốc thẩm…

Theo thống kê của Tòa Phúc thẩm, năm 2012 tòa giữ nguyên 1.029 án sơ thẩm (chiếm tỉ lệ 66, 69%); sửa án sơ thẩm 399 vụ, hủy án 115 vụ. Trong đó án hình sự sửa 262 vụ, hủy 20 vụ (có 13 vụ hủy để điều tra lại). Với án dân sự, 59 vụ bị hủy thì có 57 vụ do cấp sơ thẩm sai sót, hủy hai vụ do có tình tiết mới. Án kinh doanh thương mại hủy 17 vụ, án hôn nhân và gia đình hủy ba vụ, án hành chính hủy 16 vụ đều do cấp sơ thẩm xử sai.

Cơ quan thường trực TAND Tối cao tại phía nam cho biết năm 2012 đơn vị nhận hơn 10.000 đơn khiếu nại tư pháp, thuộc thẩm quyền giải quyết là 3.050 đơn và đã giải quyết hơn 1.200 đơn. Cụ thể cơ quan đã trả lời đơn cho 1.113 trường hợp, trình kháng nghị 139 vụ, xác minh theo yêu cầu của Tòa Dân sự TAND Tối cao và yêu cầu của lãnh đạo 14 vụ.

Theo cơ quan thường trực, trong năm 2012, dù đã cố gắng nhiều nhưng số lượng đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm chuyển sang năm sau tiếp tục giải quyết còn nhiều. Năm 2012, đã giải quyết được 45% trên tổng số vụ án có đơn khiếu nại.

ÁI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm